Bộ GD-ĐT kiểm tra việc in và phát hành sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam

Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành sách giáo khoa (SGK) của NXB Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) mà thời gian qua dư luận rất quan tâm, đặc biệt tại cuộc họp mới đây của UBTVQH, một số ý kiến đã đề nghị Bộ GD-ĐT thanh tra ngay việc có hay không lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành SGK.
Hiện NXB GDVN là đơn vị duy nhất in ấn và phát hành SGK
Hiện NXB GDVN là đơn vị duy nhất in ấn và phát hành SGK

Ngày 20-9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã ký quyết định về việc kiểm tra việc thực hiện in và phát hành SGK năm học 2018-2019 tại NXB GDVN. Theo đó, Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành SGK của NXB GDVN  mà thời gian qua dư luận rất quan tâm, đặc biệt tại cuộc họp mới đây của UBTVQH, một số ý kiến đã đề nghị Bộ GD-ĐT thanh tra ngay việc có hay không lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành SGK.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, ngay trong chiều 20-9, đoàn kiểm tra của Bộ đã có mặt tại NXB GDVN để tiến hành kiểm tra quy trình xuất bản, in ấn, phát hành SGK. Đầu năm học 2018-2019 này, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm SGK khiến phụ huynh phải khốn khổ tìm mua sách khắp nơi.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập NXB GDVN năm học 2018-2019, tính đến ngày 24-8, NXB GDVN đã phát hành được 110,9 triệu bản SGK, đạt 106,7% kế hoạch, vượt 5% so với cùng kỳ của năm 2017.

Theo báo cáo NXB GDVN gửi Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ TT-TT) - cơ quan quản lý lĩnh vực xuất bản - thì năm 2016, số lượng SGK phát hành của NXB GDVN chiếm tới 56,4% ngành xuất bản. Năm 2017, con số này là 50,4%; chưa kể các loại ấn phẩm khác.

Như vậy, số lượng phát hành SGK của NXB GDVN bằng tất cả ấn phẩm in ấn của các NXB khác của Việt Nam cộng lại.

Trong khi đó, SGK dùng một năm, sau đó lại in sách mới.

Cũng báo cáo này, năm 2016, số đầu SGK mà NXB GDVN in là 424 đầu sách với 188.788.810 bản, chỉ chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm tới 56,4% số bản sách trong toàn ngành.

Tương tự, năm 2017, số đầu SGK mà NXB GDVN in là 675 và phát hành 159.402.910 bản in; chiếm 2,2% về số đầu sách và 50,4% bản sách trong toàn ngành xuất bản.

Ngoài SGK, NXB GDVN còn in các ấn phẩm khác dạng tài liệu sách tham khảo và các loại lịch, áp phích, tờ rơi, tờ gấp.

Tính chung, năm 2016, NXB GDVN phát hành trên 275 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó bao gồm cả SGK. Năm 2017, con số này là trên 270 triệu bản.
Nhìn vào con số đó có thể thấy, với chương trình GDPT hiện hành theo mô hình cũ: 1 chương trình, 1 bộ SGK và chỉ 1 NXB chịu trách nhiệm xuất bản SGK là NXB GDVN. Điều này đã dẫn đến một thực tế mà xã hội vẫn hoài nghi và đầu năm học 2018-2019 này, khi diễn ra sự việc khan hiếm SGK thì rất nhiều ý kiến đã đòi hỏi phải làm rõ sự độc quyền trong thị trường SGK.
Đó là lý do mà tại phiên họp của UBTVQH đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có những giải pháp để xóa bỏ tình trạng độc quyền thị trường SGK mà vẫn bảo đảm sự ổn định của thị trường đặc biệt này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT làm rõ nghi ngại NXB GDVN độc quyền trong xuất bản SGK.
“Tại sao bây giờ khác với thế hệ trước, SGK không còn dùng được 2-3 thế hệ. SGK kết hợp cả bài tập, thực hành, học sinh lớp sau không thể dùng được. Cử tri kiến nghị cần làm rõ vì sao mỗi năm để phí tới 100 triệu bản SGK, tính ra một năm người dân mất khoảng 1.000 tỷ đồng mua sách, nhưng năm sau không dùng được”, bà Nga nêu câu hỏi.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng nêu câu hỏi, mỗi quyển SGK chỉ 12.000-15.000 đồng, nhưng ảnh hưởng tới muôn nhà và đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thanh tra ngay xem có hiện tượng lợi ích nhóm giữa biên soạn và nhà in không? Vì sách sử dụng một lần hay nhiều lần là do người in sách.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có đợt giám sát về vấn đề SGK. Dự kiến, kết quả giám sát này sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Trao đổi với SGGP, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, thông tin bước đầu cho thấy, lợi nhuận trong lĩnh vực in ấn các xuất bản phẩm về giáo dục là rất cao.

Bộ Công thương cũng có đánh giá NXB GDVN chiếm tới ¾ xuất bản phẩm ở Việt Nam và như vậy là vi phạm pháp luật về vấn đề độc quyền. 

Trước đó, hồi cuối tháng 8-2017, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố kết luận thanh tra NXB GDVN và kết luận nhiều sai phạm về nhân sự cũng như tài chính của NXB này. Kết quả chỉ ra việc góp vốn đầu tư của NXB GDVN vào nhiều công ty không hiệu quả, có những công ty hoạt động thua lỗ trong nhiều năm.

Tin cùng chuyên mục