Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về triết lý giáo dục

Ngày 10-1, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Đức Cường, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 121 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 1 chương, 1 mục so với Luật hiện hành; tăng 1 chương, sửa đổi bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Các vấn đề nổi bật mà Bộ GD-ĐT cần xin ý kiến các chuyên gia cũng như xin ý kiến nhân dân rộng rãi, gồm quy định về triết lý giáo dục (TLGD); về hướng nghiệp và phân luồng; chính sách cử tuyển; về đầu tư giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; về học phí; về xã hội hóa giáo dục; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; chính sách học phí sư phạm; phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp; trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú, bán trú; về luật hóa các quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa phổ thông; thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học; vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; về quản lý nhà nước; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục; về kỹ thuật lập pháp.

Trong đó, về quy định TLGD, Bộ GD-ĐT cho hay, Luật Giáo dục hiện hành không có điều luật nào có tên là TLGD, việc này có thể dẫn đến cách hiểu nhầm rằng Việt Nam chưa có TLGD. Hiện nay, quy định về TLGD được thể hiện chủ yếu tại 2 điều luật của Luật Giáo dục (Điều 2: Mục tiêu của giáo dục; Điều 3: Tính chất, nguyên lý giáo dục). Bộ GD-ĐT cho rằng, TLGD có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược đổi mới, phát triển GD-ĐT ở nước ta. Nhưng, cũng như các nước khác trên thế giới, ở Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau về TLGD, cho nên dễ dẫn đến những tranh luận về TLGD. Trong khi đó, Điều 2 (Mục tiêu của giáo dục) và Điều 3 (Tính chất, nguyên lý giáo dục) của Luật Giáo dục 2005 chưa thể hiện đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-TW/NQ (cũng thể hiện tư tưởng TLGD Việt Nam) về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT ở Việt Nam và tinh thần của Điều 61 của Hiến pháp 2013 về GD-ĐT “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Do đó, Bộ GD-ĐT có hướng sửa đổi, bổ sung Điều 2 (Mục tiêu giáo dục) và Điều 3 (Tính chất, nguyên lý giáo dục) của Luật Giáo dục 2005 theo hướng thể hiện quan điểm, đường lối đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT của Đảng tại Nghị quyết số 29-TW/NQ và Điều 61 Hiến pháp 2013 để làm rõ hơn TLGD. Cân nhắc giữa việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 và Điều 3 nhưng vẫn giữ tên gọi như hiện nay hoặc hợp nhất Điều 2 và Điều 3 thành 1 điều luật có tên là “TLGD”.

Bộ GD-ĐT xin ý kiến về 2 phương án. Phương án 1: vẫn thể hiện TLGD tại 2 điều luật có tên gọi như hiện nay, nhưng có sửa đổi bổ sung. Phương án 2: hợp nhất Điều 2 và Điều 3 thành 1 điều luật mới là “Triết lý giáo dục”.

Tin cùng chuyên mục