Bộ GD-ĐT thành lập tổ thẩm định xác minh điểm thi ở Hòa Bình

Từ kết quả thống kê dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố, dư luận cũng cho rằng, Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.

Sáng 22-7, Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có quyết định thành lập tổ thẩm định xác minh dấu hiệu điểm thi cao bất thường tại Hòa Bình.

Trong tuần qua, dư luận, báo chí cũng đặt nhiều nghi vấn về điểm thi cao bất thường của Hòa Bình.

Cụ thể, dư luận cho rằng, kết quả thống kê dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.

Nhiều chuyên gia chỉ ra sự bất thường về điểm thi của Hòa Bình

Còn theo thống kê của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, sau khi “vẽ” ra biểu đồ điểm thi các khối của cả 63 tỉnh thành thì có thể thấy rằng: Hà Giang: nổi trội trong cả 3 khối A, A1, B (đã được Bộ GD-ĐT kiểm tra và kết luận đúng là có sai phạm).

Sơn La xuất hiện trong khối B, khối A1 (cũng đang được Bộ kiểm tra và cũng đã phát hiện những sai phạm về sửa điểm thi).

Hòa Bình xuất hiện trong khối A, A1 - được báo chí và dư luận nhắc đến, nay Bộ có quyết định thành lập tổ công tác xác minh.

Ngoài ra, trong phân tích của ông Tùng, Lai Châu xuất hiện trong khối A1 và khối B - cần xem xét. Kon Tum, Điện Biên thấp thoáng trong khối A và thực sự nổi bật trong khối B và cần nghiêm túc xem xét.

Bộ GD-ĐT thành lập tổ thẩm định xác minh điểm thi ở Hòa Bình ảnh 1 Phân tích của ông Lê Trường Tùng
Vẫn theo ông Tùng, qua phân tích không thấy dấu hiệu nổi bật tại Lào Cai, Bạc Liêu như báo chí đã phản ánh, cho nên ở đấy nếu có tiêu cực chắc chỉ là diện hẹp.

Cũng trong ngày 21-7, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) tiếp tục công bố phân tích dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia ở các tỉnh thành trong cả nước về điểm trung bình và tỷ trọng điểm 9 trở nên cho mỗi môn học.

Kết quả có nhiều thông tin đáng chú ý.

GS Nguyễn Văn Tuấn cũng là người đã có những thống kê, phân tích sau khi xử lý và chỉ ra điểm thi "bất thường" ở một số tỉnh thành như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...

Lần này GS Tuấn chia sẻ các biểu đồ trình điểm trung bình và tỷ trọng điểm từ 9 trở lên cho mỗi môn học và mỗi tỉnh thành.

Theo ông, kết quả thật sự có "nhiều vấn đề", không chỉ ở Hà Giang.

Cụ thể, các tỉnh ở miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình... có mức điểm trung bình nằm ở top thấp nhất nước. Nhưng cũng chính các địa phương này lại nằm ở top các tỉnh có tỷ trọng điểm 9 trở lên cao nhất nước ở các môn trọng điểm như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Văn..

Một số tỉnh thành phía Nam, điểm trung bình ở một số môn thuộc nhóm cao, nhưng hầu hết nằm cuối trong nhóm tỷ trọng có điểm từ 9 trở lên.

Đối với môn Văn - môn tự luận duy nhất, Cao Bằng tuy nằm trong nhóm điểm trung bình thấp nhưng dẫn đầu về tỷ trọng bài thi Văn đạt điểm 9 trở lên. (Cao Bằng chỉ 4.496 thí sinh dự thi nhưng có 85 bài thi đạt điểm 9 trở lên môn này chiếm 1,89%. Số lượng điểm 9 trở lên môn Văn của địa phương này gấp 17 lần TPHCM dù số học sinh dự thi kém 16,79 lần).

Tỷ trọng điểm môn Vật lý từ 9 trở lên nhiều nhất là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. 

Tỷ trọng nhiều điểm môn hóa từ 9 trở lên đứng đầu là Hà Giang, Điện Biên. Tỷ trọng điểm 9 trở lên cao nhất ở môn Sinh thuộc về Hà Giang, Điện Biên. Cao Bằng và Bắc Cạn có tỷ trọng điểm môn Văn từ 9 trở nên cao nhất nước. Tỷ trọng điểm môn Sử cao từ 9 trở lên lần lượt thuộc về Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Sơn La, Hòa Bình…

Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình khẳng định điểm thi không bất thường?

Trong số các tỉnh bị nghi vấn này, Hà Giang, Sơn La là 2 địa phương Bộ GD-ĐT đã rà soát và phát hiện sai phạm, còn với Điện Biên, Hòa Bình thì lãnh đạo Sở GD-ĐT đều khẳng định điểm thi là thực chất.

Đáng chú ý, khi dư luận đặt vấn đề nghi vấn về điểm thi của Hòa Bình, thì trao đổi với báo chí, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình xác nhận khi có dư luận này sở đã báo cáo với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

"Những thông tin trên mạng chúng tôi cũng đã nắm bắt và báo cáo với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực GD-ĐT. Sở cũng đã báo cáo trực tiếp với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ngay trong chiều 19-7 để xin ý kiến chỉ đạo xử lý”, ông Đắc cho hay.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình khẳng định với lãnh đạo Bộ GD-ĐT điểm thi của Hòa Bình là chính xác, khách quan, không có bất kỳ sự can thiệp nào vào bài thi của các thí sinh.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, về cơ bản, sau khi kiểm tra lại điểm thi của các thí sinh, sở thấy không có vấn đề gì về coi và chấm thi, tất cả đều làm theo đúng quy chế.

“Nếu có điều gì bất thường về kết quả thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, Sở sẵn sàng mời lãnh đạo Bộ GD-ĐT về thanh tra, kiểm tra và Cục Quản lý chất lượng giáo dục về chấm lại toàn bộ bài thi của Hòa Bình”, ông Đắc nhấn mạnh.

Cũng theo ông, với bảng thống kê kết quả điểm môn Toán và môn Vật lý của Hòa Bình, số lượng thí sinh đạt điểm từ 5 - 9 điểm là giảm dần chứ không có gì bất thường.

Như vậy, kể từ ngày 11-7, khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 và dư luận có phản ánh, đến nay Bộ GD-ĐT đã thành lập 4 tổ công tác xác minh nghi vấn gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình. Trong đó, Hà Giang đã khởi tố vụ án về nâng điểm hơn 300 bài thi; Sơn La công an đã xác minh có dấu hiệu can thiệp điểm thi và đang tiếp tục điều tra; Lạng Sơn được xác định không có gian lận, dù 8 bài thi Văn sau khi chấm thẩm định có giảm điểm; và nay, Tổ công tác bắt đầu xác minh ở Hòa Bình. Đây thực sự là một “cú sốc” lớn đối với xã hội trong kỳ thi 2018 này.

Tin cùng chuyên mục