Bộ GTVT: Mức thu phí đường cao tốc Bắc - Nam đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp

Sau khi điều chỉnh, chiều dài toàn tuyến tăng thêm 3km, tổng mức đầu tư giảm gần 14.000 tỉ đồng so với nghiên cứu tiền khả thi.
Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận hiện tại (ảnh) về phía thượng lưu 350m
Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận hiện tại (ảnh) về phía thượng lưu 350m

Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tiến độ triển khai cao tốc Bắc – Nam phía Đông với một số điều chỉnh về hướng tuyến và tổng mức đầu tư.

Theo Bộ GTVT, quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã có một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Sau khi điều chỉnh, chiều dài toàn tuyến tăng thêm 3km, từ 654 lên 657km. Trong khi đó, nhờ giảm chi phí dự phòng, thay đổi mức lãi suất vốn vay..., tổng mức đầu tư được điều chỉnh giảm gần 14.000 tỉ đồng so với nghiên cứu tiền khả thi, xuống còn 105.046 tỉ đồng (trước đó là 118.716 tỉ đồng). Tổng vốn nhà nước đầu tư vào dự án cũng giảm hơn 4.000 tỉ, xuống còn 50.943 tỉ đồng so với dự kiến 55.000 tỉ đồng ban đầu. Vốn của nhà đầu tư cũng giảm từ 63.716 tỉ đồng xuống còn 54.103 tỉ đồng. 

Về tiến độ, 8 dự án BOT hiện đang ở bước hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT cho biết sẽ hoàn thành hồ sơ mời thầu ngay khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Bộ này cũng dự kiến sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng đầu năm 2019. Các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai công tác giải phóng mặt bằng và sẽ đạt khoảng 70% tổng khối lượng giải phóng mặt bằng ở thời điểm khởi công dự án. Toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn thiện trong khoảng quý 1-2020. Các dự án đầu tư theo hình thức PPP dự kiến sẽ bắt đầu thi công khoảng đầu năm 2020 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Đối với 3 dự án đầu tư công, dự kiến công tác thi công các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn bắt đầu triển khai từ tháng 4-2019, thi công trong khoảng 2 năm (cơ bản hoàn thành năm 2021); dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai thi công từ quý 3-2019 (đối với gói cầu, đường dẫn) và quý 1-2020 (đối với gói cầu chính), thời gian thi công cầu chính khoảng 3,5 năm (hoàn thành năm 2023).

Về mức thu giá (Bộ GTVT vẫn dùng từ "thu giá" trong báo cáo của bộ này), Bộ GTVT cho biết, "đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán lựa chọn mức giá phù hợp cho giai đoạn khởi điểm cũng như các thời kỳ trong cả vòng đời dự án, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích của Nhà nước. Mức giá này đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2017". 

Theo đó, giai đoạn 2021- 2023 giá sẽ là 1.500 đồng/xe con/km, mỗi 2 năm sẽ tăng 200 đồng/xe con/km cho đến giai đoạn 2030 – 2032; sau đó sẽ tăng 300 đồng/xe con/km mỗi 2 năm, lên mức 2.400 đồng/xe con/km vào giai đoạn 2033 – 2035; đến 2042 - 2044, mức giá sẽ là 3.400 đồng/xe con/km.

Đối với các dự án BOT, “rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu trong báo cáo giám sát”, Chính phủ đã ban hành các cơ chế triển khai dự án như đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp kết quả sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư trúng, sẽ phải báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Đặc biệt, mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia các dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT cũng được nâng lên 20% (thay vì chỉ 10 – 12% như cá dự án trước đây) để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án...

Tin cùng chuyên mục