Bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường: Được và mất gì?

Bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường: Được và mất gì?

Xung quanh đề án của Trung ương thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, huyện, phường (QHP) đã nảy sinh 2 luồng ý kiến khác nhau ở TPHCM. Ý kiến đồng tình cho rằng bộ máy sẽ gọn nhẹ, tránh chồng chéo giữa HĐND các cấp, qua đó giúp nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Luồng ý kiến khác băn khoăn: bỏ HĐND QHP thì cử tri lấy ai để bày tỏ bức xúc, nguyện vọng và thực hiện chức năng giám sát chính quyền quận, phường, trong khi HĐND TP thì ở xa...

“HĐND quận, huyện, phường hoạt động kém hiệu quả!”

Ông Lê Thiết Hùng (nguyên giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM) khẳng định như vậy. Ông nói: “Hoạt động của HĐND QHP nặng tính hình thức là do thiết chế lỏng lẻo, chưa có chế tài pháp lý quy định cho cơ quan quyền lực Nhà nước ở QHP.

Thành ra, có lúc hoạt động của HĐND QHP giống như một tổ chức xã hội, vì tính pháp lý không được quy định đầy đủ; các quy định còn chung chung, mang tính định hướng. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm và gần 2/3 đại biểu giữ một chức vụ chính quyền nên nếu đi giám sát chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!

Bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường: Được và mất gì? ảnh 1

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tìm hiểu cuộc sống của người dân tại huyện Hóc Môn. Ảnh: VIỆT DŨNG

“5 năm đi bầu nhưng thật sự tôi không trông mong gì đại biểu HĐND QHP có thể thay mặt được người dân giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân ở cơ sở!”-bà Lê Thu Hiền (100/D2 Hùng Vương Q5) nhận xét.

Còn ông Võ Văn Thôn (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP) nói: “HĐND bầu ra chủ tịch UBND và bầu các thành viên khác của UBND, song thực tế là các chức vụ ấy thường được Thường vụ Đảng ủy bố trí, HĐND chỉ việc thông qua, rồi trình lên UBND TP phê duyệt”.

Trong thực tế, hầu hết những kiến nghị của cử tri với HĐND QHP về ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe… nằm ngoài tầm kiểm soát của QHP, chỉ có thể kiến nghị cấp TP giải quyết.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng ngụ 639/73/4/22 Hương lộ 2 Q.Bình Tân đề nghị: “Nếu bỏ HĐND QHP thì cần phải tăng cường hoạt động của đại biểu HĐND TP ở cơ sở, có như thế mới tiếp nhận được những vướng mắc, kiến nghị của cử tri”.

Ai sẽ thay dân giám sát chính quyền?

Không hoàn toàn thống nhất các ý kiến trên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Quang, Phó Chủ tịch HĐND Q.Tân Phú bày tỏ: “Không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của HĐND QHP vì TP không dễ gì “với” được đến 232 phường-xã, nên cần phải có một cấp trực tiếp chuyển tải, triển khai những nghị quyết từ TP tới quận - huyện và cơ sở”.

Ông dẫn chứng: “Trước tình trạng ô nhiễm môi trường của hơn 10 doanh nghiệp ở P.Phú Trung và Hòa Thạnh Q.Tân Phú, HĐND quận có văn bản kiến nghị. Ít lâu sau, HĐND TP tổ chức đối thoại với quận và với các doanh nghiệp, tìm hướng giải quyết dứt điểm. Tương tự, việc Q.Tân Phú kiến nghị TP xử lý tình trạng ô nhiễm của cơ sở Hòa Bình (nơi tiếp nhận phân hầm cầu của TP trước đây) cũng đã được giải quyết triệt để”.

Ông Quang băn khoăn: “HĐND QHP vừa làm cầu nối giữa cấp phường-xã với TP, vừa giúp cho chính quyền cấp quận đề ra những chính sách phù hợp với điều kiện địa phương, đồng thời giúp TP giám sát chính quyền cấp đó. Nếu không có HĐND QHP thì ai sẽ thay người dân giám sát chính quyền cơ sở?”.

Chúng tôi nêu ý kiến trên khi trao đổi với ông Võ Văn Thôn, ông cho rằng: “Ngoài đại diện HĐND ở cấp TP và Quốc hội, người dân còn giám sát thông qua 5 tổ chức đoàn thể là MTTQ, thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh ở quận, huyện và phường. Nếu phát huy tốt vai trò của các tổ chức này thì việc tập hợp, tiếp thu ý kiến và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân vẫn được bảo đảm”.

Phát huy tối đa quyền lực của nhân dân

Phác thảo mô hình chính quyền bỏ cấp HĐND QHP, ông Hồ Sơn Diệp (Viện Nghiên cứu xã hội TP) khẳng định, chỉ nên tổ chức HĐND cấp TP để bảo đảm tính xuyên suốt và thống nhất trong việc ban hành nghị quyết và giám sát thực hiện nghị quyết.

Có như vậy HĐND TP mới dễ dàng phát huy và chịu trách nhiệm trong việc đưa ra những quyết sách và giám sát chính quyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao mức sống cho người dân. Đối với cấp phường-xã, cùng với sự quản lý của bộ máy chính quyền, quyền lực xã hội của cư dân đô thị phải được phát huy tối đa.

TS Lê Văn In (nguyên Hiệu phó Trường Cán bộ TP) lập luận, chính quyền TP là một bộ máy thống nhất, duy nhất và chỉ cần cơ quan quyền lực HĐND TP là đủ. Quận không phải là một cấp chính quyền đầy đủ nên có thể bỏ HĐND quận, nhưng các đại biểu HĐND TP (do cử tri quận bầu ra) có thể hợp thành từng tổ đại biểu HĐND cấp TP ở từng quận để tiếp nhận kiến nghị cử tri và thực hiện giám sát. Điều quan trọng là phải mở rộng dân chủ cơ sở sâu rộng hơn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tán thành những quan điểm trên, kỹ sư Nguyễn Đăng Sơn (Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển hạ tầng TP) bổ sung: “Quận và phường là “cấp quản lý hành chính”, chỉ là một bộ phận về kế hoạch-tài chính và thực hiện thống nhất các kế hoạch của TP. UBND quận nên được giao nhiều quyền hạn rộng rãi hơn và phải là đơn vị hành chính cơ bản của TP”. 

TUẤN SƠN – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục