Bỏ mặc 10.000m² đất công bị chiếm dụng

Báo SGGP ngày 7-2-2017 có đăng bài Hàng trăm căn nhà mọc trái phép trên đất côngvà ngày 15-2-2018 đăng bài Hơn 10.000m² đất công bị chiếm dụng, nêu sự việc 10.000m² đất công tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Phân viện miền Nam (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, quận 9, TPHCM) bị lấn chiếm, cho thuê sử dụng sai mục đích. Sau phản ánh của Báo SGGP, UBND TPHCM và Trung ương Đoàn đã chỉ đạo làm rõ, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Thế nhưng qua hơn một năm rưỡi, thực trạng lại càng tệ hại hơn.
Cà phê chòi kinh doanh thiếu lành mạnh, hoạt động ngay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Phân viện miền Nam
Cà phê chòi kinh doanh thiếu lành mạnh, hoạt động ngay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Phân viện miền Nam

Cà phê chòi trong khuôn viên học viện

Học viện được giao một khu đất rộng lớn nhưng đã thiếu trách nhiệm quản lý, bỏ hoang và cho thuê, rồi bỏ mặc nhiều người chiếm dụng, xây nhà không phép, mua bán chuyển nhượng. Có đến hơn 10.000m2 đất công trong khuôn viên trường bị chiếm dụng. Mặc dù tình trạng mất đất công đã kéo dài, nhưng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam vẫn tiếp tục cho thuê xây dựng trái phép, dẫn đến mất thêm đất công chưa thu hồi được. 

Những ngày này, tình hình mua bán, kinh doanh trên các tuyến đường xung quanh học viện càng tấp nập, sôi động hơn. Khuôn viên học viện phía đường Hoàng Hữu Nam - mặt tiền học viện, nơi đắc địa, thuận lợi cho việc kinh doanh làm ăn, các hàng quán, cửa hiệu đang được nâng cấp, mở rộng. Hàng rào bê tông bị tháo dỡ để xây dựng kho mới.

Điểm được nhiều người tìm đến là quán cà phê võng chòi Vườn Tràm, nằm sâu trong khuôn viên học viện. Quán này thu hút được nhiều nam nữ vào, vì tiện đường, lại được thiết kế kín đáo. Nhìn từ ngoài vào, mọi người chỉ thấy những dãy bàn ghế kê sát bên những võng đung đưa rất lịch sự. Nhưng khi bước vào  mới thấy đây là một khu cà phê chòi có quy mô lớn. Các chòi lá có diện tích chừng 5m2 - 6m2, được bao kín bằng lá dừa nước. Trong chòi, khách uống nước hay làm gì thì người khác không thấy. Chính sự bí ẩn, kín đáo của những chòi lá đã thu hút khách là những nam nữ thanh niên vào để “nói chuyện riêng tư”. 

Ngồi ở khu cà phê võng quan sát, chỉ trong một thời gian ngắn đã thấy có 3 cặp nam nữ đi vào các chòi. Khách đến đây chạy thẳng xe vào sân, rồi ẩn nhanh vào chòi. Quán đông khách nhưng không khí im ắng đến lạ thường. Người dân ở đây cho biết, ngày trước chủ quán thuê khuôn viên học viện làm điểm bán cà phê giải khát bình thường, sau này họ dựng các nhà chòi kín nên thu hút khách đến đông, vậy là quán cà phê chòi trong khuôn viên học viện ngày càng mở rộng. Bất kể ngày hay đêm đều có khách vào ra thường xuyên. Việc một khu cà phê chòi tồn tại ngay trong khuôn viên học viện là điều hết sức phản cảm, gây nhiều bức xúc cho người dân. 

Phớt lờ chỉ đạo cấp trên 

19 tháng trước, qua nội dung phản ánh của Báo SGGP, UBND TPHCM đã có ý kiến chỉ đạo giao UBND quận 9 kiểm tra thực tế nội dung bài báo phản ánh; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; báo cáo kết quả cho UBND TPHCM và trực tiếp thông tin phản hồi cho Báo SGGP theo quy định. Thế nhưng, đến nay việc cho các đơn vị thuê đất, mở rộng kinh doanh vẫn tiếp diễn. Hiện nay, không chỉ quán cà phê chòi Vườn Tràm được mở rộng, mà những quán, điểm kinh doanh được học viện cho thuê từ nhiều năm trước cũng được nâng cấp, làm mới. Bao quanh khuôn viên học viện là những điểm kinh doanh Tín Nghĩa, nhà hàng Biển Xanh, cơ sở Gỗ mỹ nghệ cao cấp, nhà hàng Vịt Cỏ Vân Đình, nhà may Phương Hòa, khu vui chơi giải trí karaoke Tao Ngộ. Trong năm qua đã có một số cơ sở kinh doanh mới xuất hiện. Trong đó, điểm có quy mô lớn, xây dựng khang trang là Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại 9999 (chuyên kinh doanh cho thuê xe, đặt tour du lịch trong và ngoài nước) và khu nhà trưng bày đồ gỗ cao cấp.  

Từ ngày 1-9-2016, Ban chấp hành Trung ương Đoàn đã ban hành công văn số 8018 chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng một số đơn vị trực thuộc đang sử dụng cơ sở nhà đất được giao vào hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết không theo đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; đề nghị các đơn vị chấm dứt ngay việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Chủ trương, chỉ đạo của cấp trên đã quá rõ, cụ thể, nhưng học viện vẫn phớt lờ, không thực hiện.

Trước tình trạng xẻ đất khuôn viên học viện cho thuê tràn lan, phóng viên Báo SGGP đã tìm gặp TS Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Phân viện miền Nam, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Nhà báo muốn tìm hiểu thì ra Hà Nội hỏi TS Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc học viện; còn phó giám đốc không biết”.

Tin cùng chuyên mục