Bó tay với “cát tặc”?

Dù Chính phủ vừa có cuộc họp trực tuyến với các địa phương với quyết tâm xử lý mạnh tay với “cát tặc”, nhưng những ngày qua khu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn quận 9 (TPHCM) vẫn rất “nóng” với tình trạng bơm hút cát trộm xảy ra thường xuyên. 
6 năm mất hơn 50ha đất
Đi qua khu vực các phường ven sông, kênh rạch thuộc quận 9, chúng tôi chứng kiến rất rõ hậu quả của “cát tặc”!  Hoạt động hút cát trộm đã làm cho đất bị mất do sạt lở ngày càng tăng. Trước kia, đất nằm cách vị trí hiện tại hơn 10m.
Còn bây giờ, nhiều nhà nằm sát mé sông nhưng hàng rào sụp, móng nhà bị lở hàm ếch, không biết sẽ bị sạt lở xuống sông lúc nào. Người dân địa phương cho biết: “Nếu trước kia “cát tặc” hoạt động công khai thì từ đầu năm 2017 đến nay, chúng chuyển sang hút vào buổi tối (từ khoảng 20 giờ cho đến 4 giờ sáng hôm sau)”.
Một lãnh đạo UBND phường Long Phước (quận 9) xác nhận, phường có nhận được phản ánh tình hình khai thác cát trộm trên sông Đồng Nai, tuy nhiên đơn vị kiểm tra chính chủ yếu là lực lượng công an quận, còn bên phường chỉ phối hợp.
Bó tay với “cát tặc”? ảnh 1 Lực lượng công an đang tiến hành kiểm kê số lượng cát hút trộm trên tàu
Thống kê của UBND quận 9 cho thấy, từ khi tách quận vào năm 1998 thì tình trạng hút cát trộm trên sông Đồng Nai đã có. Nhận thấy tình hình diễn biến rất phức tạp, UBND quận đã cho lực lượng trật tự đô thị trực chốt dọc các điểm thường xuyên xảy ra tình trạng hút trộm. Sông Đồng Nai chảy qua 4 phường Phú Hữu, Long Trường, Long Phước và Long Bình nhưng chỉ có 2 phường được trang bị ca nô tuần tra dọc tuyến sông Đồng Nai.
Do sông Đồng Nai nằm trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, nên truy đuổi bên này “cát tặc” chạy qua bên kia. Phải đến năm 2011, việc phối hợp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai được triển khai, lúc đó mới có thể bắt được “cát tặc”.
Theo thống kê sơ bộ của quận và so sánh tài liệu bản đồ địa chính với bản đồ Google Map, từ năm 2009 cho đến năm 2015 đã mất hơn 50ha đất do hút cát lậu.
Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó trưởng phòng Tài Nguyên - Môi trường quận 9, cho biết, tình trạng hút cát trộm không chỉ diễn ra trên sông Đồng Nai mà xảy ra tại nhiều kênh rạch nhỏ chảy trong địa bàn. Lực lượng trên bờ rất khó quản lý, kiểm soát được việc hút cát trộm dưới nước; phương tiện ca nô đã quá cũ kỹ, hư hỏng liên tục vì đã đầu tư cách đây 10 năm. UBND quận đã đề xuất thành lập thêm tổ cảnh sát đường thủy và đã được Công an TPHCM thông qua, tuy nhiên phải chờ ý kiến từ Bộ Công an.
“Cát tặc” rất hung hăng
“Cát tặc” thường xuyên thay hình đổi dạng để đối phó với truy đuổi gắt gao của các cơ quan chức năng. Hiện nay, “cát tặc” sử dụng ghe cây để nếu có bị bắt thì bỏ luôn, tránh bị ảnh hưởng pháp lý phiền phức. Mỗi ghe cây có giá từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng, trong vòng 5 phút có thể hút đến 50m3, giá sang lại ngay trên sông đã là 200.000 đồng/m3. Vì siêu lợi nhuận nên “cát tặc” sẵn sàng bỏ tài sản để tháo thân.
Chưa hết, trong trường hợp khi bị thu giữ phương tiện, nếu không có người thì “cát tặc” sẽ cướp lại ghe, tình trạng này đã diễn ra thường xuyên. Theo Trung tá Trần Trí Thiện, Phó Trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Cát Lái (quản lý sông Đồng Nai đi qua quận 9) cho biết, hiện nay trên địa bàn có 3 điểm đen thường xuyên xảy ra tình trạng hút cát trộm.
Trước kia, khu vực dưới cầu Long Thành thường xuyên hút cát trộm nhưng từ khi có Thủy đoàn 3 thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường thủy chốt chặn thì tình hình không còn, cát trộm chuyển sang hút trong rạch Giáng.
Họ còn thuê người theo dõi đoàn tuần tra, có trường hợp tàu tuần tra vừa mới xuất phát ra khỏi trạm, “cát tặc” đã nhận được điện báo. Không bắt quả tang thì chỉ có thể kiểm tra hành chính. Một số trường hợp phát hiện được gần đây đều phải tuần tra mật phục. “Cát tặc” rất hung hăng, sẵn sàng dùng vòi đang hút cát xịt thẳng vào người và phương tiện tuần tra… 
Thượng tá Nguyễn Hồng Ninh, Phó Trưởng phòng CSĐT Công an TP, cho biết, thời gian qua, CSĐT thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ Công an về đấu tranh chống các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, đá, sỏi trái phép trên địa bàn đường thủy của cả nước. Từ đó, các đối tượng hoạt động bơm hút cát trái phép trên tuyến sông Đồng Nai, sông Tắc (quận 9) và tuyến sông Sài Gòn hướng thượng nguồn tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh đã chuyển sang hoạt động lén lút, không còn công khai như trước đây.
Từ năm 2013 đến nay, CSĐT đã bắt giữ giao cơ quan chức năng xử lý 62 vụ, 107 đối tượng, 82 phương tiện cùng nhiều trang thiết bị phục vụ bơm hút cát trái phép, trong đó 6 tháng đầu năm 2017 là 6 vụ, 9 phương tiện.

Tin cùng chuyên mục