Bố tôi

Sáng sớm tỉnh dậy đã thấy bố tôi ở giữa đầm sen. Cảnh tượng ấy đẹp đến mức khiến tôi rưng rưng xúc động. Vẫn chiếc áo bộ đội đã bạc màu, bên tay bị cụt được buộc túm lại cho gọn. Trên thuyền, những nụ sen thơm ngát được xếp ngay ngắn một bên, còn một bên là bắp sen đã già, hạt tròn mây mẩy. Bố dùng chân để chèo thuyền luồn giữa những bông sen, loay hoay không muốn vào bờ. 

Có hôm bố ngủ quên dưới thuyền, giữa hiu hiu gió. Lúc lên bờ, cả người ông ngan ngát hương sen, những ngón tay chạm vào đâu cũng để lại một vệt thơm dịu mát. Mang túi chè mới nhất vừa mới mua hôm qua ra, bố bắt đầu mở từng cánh sen hồng cho đến khi nhìn thấy nhụy.

Ông lấy một nắm chè nhỏ, bỏ vào giữa nụ sen rồi lại nhẹ nhàng khép từng cánh mỏng, ủ chè như một thứ nghi thức, cẩn trọng nhưng cũng vô cùng khoan khoái.

Ông nhấp từng ngụm nhỏ, ngó lên trời đoán mây xem nắng hay râm. Đàn vịt mấy trăm con đã thong thả bơi dưới đập nước sau nhà. Bố nhấp thêm một ngụm trà trước khi vác rổ chui ra sau chuồng vịt nhặt trứng.

Xong xuôi mọi việc, ông mang thúng bắp sen vừa hái ra bày trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ đặt trước cổng nhà, có khi bày thêm rổ mướp hương, trứng vịt, rau sạch vườn nhà, để thỉnh thoảng nghe thấy tiếng xe dừng trước cổng, ông lại lật đật chạy ra. Người mua thủng thẳng chưa muốn đi. Người bán dùng dằng chưa tiễn khách. Vì còn vài câu chuyện muốn kể nhau nghe…

Bố rất ít khi để lộ cánh tay bị cụt vì bom đạn. Ngay cả mùa hè ông cũng thường mặc áo dài tay vì không muốn tôi nhìn thấy vết thương trên da thịt. Cũng như việc bố ít nói về chiến tranh, dù tôi biết cuộc chiến khốc liệt ấy vẫn còn nguyên vẹn nỗi ám ảnh trong tâm trí.

Bố tôi ảnh 1
Có những đêm, ông choàng tỉnh giấc, hai tay ôm lấy đầu, hốt hoảng gọi tên đồng đội. Tôi như nghe thấy tiếng đạn nổ, bom rơi, sự sống và cái chết cận kề trong ánh mắt hoảng loạn của bố lẫn vào bóng tối. Bố thường đi ra sân ngồi nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt.

Tiếng ếch nhái kêu đêm, tiếng chim quốc gọi bạn, tiếng tàu cau khô vừa rụng xuống sân. Tôi ra ngồi cạnh ông, im lặng cho đến khi những người đi chợ sớm dưới đường rôm rả hỏi nhau chuyện đồng áng, bán mua.

Bố như bừng tỉnh khỏi mớ ý nghĩ lộn xộn, ngẩng lên hỏi: “Đã sáng rồi à con? Sao không ngủ thêm lúc nữa, đang tuổi ăn tuổi ngủ, dậy sớm thế làm gì?”. Tôi luôn thấy bình yên khi ngồi cạnh bố. Dù tôi biết, bên trong ông là ký ức dữ dội. 

- Chỉ cần nhìn con thôi là bố thấy nhẹ nhõm biết bao.

- Nếu ngày xưa bố không mang con về nuôi, chẳng biết cuộc sống của con giờ sẽ thế nào. 

- Con có bao giờ muốn gặp lại bố mẹ đẻ của mình không? 

- Đối với con, hiện tại là hạnh phúc. Nếu còn có cơ duyên thì sẽ gặp lại. Con bây giờ chỉ mong bố mạnh khỏe, sống với con thật lâu. Nếu bố có thương ai thì góp gạo thổi cơm chung, con luôn ủng hộ.

Bố cười khùng khục. Giọng cười đục và khàn. Ông vỗ vai tôi, bảo: “Có con là vui rồi. Bố quen sống thế này, đâu cần phải có thêm người đàn bà nào đó mới giống một gia đình”.

Cái này thì bố nói đúng, suốt mấy chục năm qua, nhà chỉ có hai người vẫn đầm ấm yên vui. Bố không bao giờ để tôi thấy cô đơn nên nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Khi còn bé, tôi được ông công kênh trên vai đi khắp làng trên xóm dưới xin chùm khế ngọt, hái quả dâu da.

Một bên tay bố cụt đến bả vai nên hai chân tôi phải quắp chặt vào cổ ông để không bị tuột xuống. Bố tắm cho tôi, gội đầu cho tôi bằng một bàn tay. Tôi sốt lúc nửa đêm, bố sốc tôi lên vai, một tay đỡ phía sau vội vàng cõng ra trạm xá.

Ông làm diều cho tôi chơi, đẽo con quay rất đẹp. Bố còn tự tay khâu áo, đơm những chiếc cúc bị đứt chỉ và cắt tóc cho tôi. Tất cả đều được ông làm bằng tình yêu thương vô bờ bến.

Lúc bé, đêm nằm, tôi rúc vào lòng bố. Lớn lên, tôi thường nằm áp mặt vào gáy ông, nhè nhẹ chìm vào giấc ngủ. Hồi mới xa nhà, nhiều đêm liền tôi trằn trọc không ngủ được vì thiếu mùi mồ hôi của bố. Đến lúc thiếp đi thì thấy mình đang ngủ giữa thuyền sen. Mùi bùn, mùi sen quyện vào nhau, dịu dàng khó tả.   

Tôi đi học xa nhà, cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh bố một mình lầm lũi bên mâm cơm là ứa nước mắt. Tính bố xuề xòa, có khi bữa tối thường ăn cơm nguội với vài con tép kho tương cất vó dưới đầm sen.

Có hôm bố làm gói mì tôm, chẳng bỏ thịt bỏ hành, cứ thế ăn cho xong bữa. Nhưng suốt bao năm ở nhà, chưa bao giờ bố để tôi ăn uống thiếu thốn. Nhà người ta nuôi vịt là bữa nào trong mâm cơm cũng có trứng vịt, hết luộc thì rán, hết rán lại kho. Nhưng nhà tôi thì khác. Cơm canh phải nóng, thức ăn đổi bữa liên tục.

Bố còn hay đi cất cá tôm dưới đồng, đãi hến ngoài sông, đêm mùa hè, ông đội đèn pin trên đầu, bì bõm lội dưới đồng soi cua để tôi ăn có canxi cho cao lớn. 

Mỗi lần thấy bố ngồi bóc hạt sen hầm với gà tẩm bổ cho tôi là cô Vạn thường đứng tần ngần, nắm níu hai vạt áo. Năm 16 tuổi, tôi nói: “Hình như cô Vạn thương bố”. Năm 20 tuổi về thăm nhà, thấy sáng nào cô Vạn cũng đứng ngó bố loay hoay giữa đầm sen. Tôi buột miệng than: “Tội cô Vạn quá bố ơi!”. 

Bố luôn im lặng mỗi khi tôi nói về cô Vạn. Cô sang nhà thì ông ra vườn xới cỏ. Cô ra vườn thì ông kiếm cớ buông cuốc đi xuống lều vịt xem cám bã thế nào.

Buổi chiều, lúc bố đang lúi húi dưới bếp, cô Vạn đi vào xách mớ tôm đồng tươi rói, nói: “Anh rang lên, thêm chút đường cho ngon”. Bố đưa tay nhận lấy túi tôm mà không dám nhìn cô Vạn.

Tôi ngồi nhặt rau ở ngoài, chỉ nghe thấy tiếng lửa nổ lách tách và hình như cả tiếng bẻ đốt tay khô khốc của một người đàn bà khổ sở với yêu thương. Có hôm tôi lôi mãi, cô Vạn cũng chịu ở lại ăn cơm. Cả bữa bố chỉ ậm ừ vài câu, tôi nhận ra vẻ luống cuống, ngại ngần của ông.

- Con thấy đấy, đến bưng bát cơm ăn, bố còn khó khăn hơn người khác thì gắn bó với một người phụ nữ khác chỉ làm khổ họ thôi. 

- Bố tháo vát đâu có kém gì ai. Làm mẹ của con, bố còn làm tốt cơ mà. Cô ấy lỡ thì, còn bố một mình đơn chiếc. 

- Thôi con à. Bố sống thế này cũng quen rồi. 

Tôi biết khi mình xa nhà, bố chỉ có thể bầu bạn với cái đài FM sóng tậm tịt, với con chó cộc đuôi, con mèo già khó tính. Bố kê cái bàn trước cổng bán vài thứ vườn nhà cốt để có người dừng lại chuyện trò. Bố luôn để điện thoại trong túi áo, nên mỗi lần tôi bấm gọi là thấy giọng ông liền.

Bố luôn hỏi tôi ăn uống có đủ chất không? Học hành có mệt quá không? Đến lúc tôi đi làm thì lần nào cũng nghe bố dặn, gắng mà làm cho tốt để người ta tin tưởng. Làm việc gì cũng phải tập trung hết tâm sức, tránh va chạm hơn thua với đồng nghiệp.

Rồi ông bắt đầu kể đến chuyện xóm làng: “Hội chợ về làng chở theo bao nhiêu là hàng hóa, có cả mấy người dân tộc chuyên bốc thuốc dạ dày, xương khớp làm bố nhớ đến ngày xưa, lần nào có hội chợ con cũng đòi đi chơi cả buổi không biết chán. Lúc về đút đầy túi áo, nào kẹo, nào chim gỗ, con quay, quạt giấy. À, con có nhớ ông Hùng xóm trên không? Người hay đến mua trứng vịt nhà mình đấy. Bố mới đi viếng đám ma ông ấy về, ung thư gan, tội thật. Làng mình bây giờ nhiều người ung thư lắm, cả người còn rất trẻ. Con ở dưới đó nhớ mua đồ ăn sạch, tự nấu nướng mà ăn. À mà con biết tin gì chưa? Ngày mai cô Vạn lấy chồng…”.

Bố nói rồi im bặt. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng chim quốc gọi bạn da diết vọng vào điện thoại. Mấy câu “cô Vạn lấy chồng” vang lên trong đầu tôi như một nỗi xót xa. Tôi biết ông cũng thương cô Vạn nhưng lúc nào ông cũng chỉ biết nghĩ cho người khác. “Cô ấy còn trẻ, lấy người đàn ông khác còn sinh lấy đứa con. Đàn bà mà không có con cái sẽ buồn tủi lắm. Bố thì… già yếu rồi. Lấy người ta về lại làm khổ người ta”. 

Rồi sáng mai sẽ không còn ai nhìn theo từng nhịp chèo thuyền của bố dưới đầm sen. Không có ai càm ràm bố sao tóc lâu không cắt, râu lâu chưa cạo, áo rách vai vẫn còn mặc mãi.

Hẳn là bố sẽ nhìn ra ngõ, nơi từng có người thường hay đứng vân vê vạt áo hỏi: “Mấy giờ rồi mà anh còn làm lụng ngoài vườn, sao còn chưa vào nhóm bếp nấu cơm?”. Ngày mai tôi sẽ về nhà thăm bố. Sẽ cùng nhau vào bếp nấu cơm, ra đầm hái sen cuối mùa và cùng pha một ấm trà uống dưới tán cây sấu già đang mùa quả…

Tin cùng chuyên mục