Bộ trưởng Bộ GT- VT Đinh La Thăng: Ưu tiên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Bộ GT- VT Đinh La Thăng: Ưu tiên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Chiếc ghế bộ trưởng Bộ GT-VT kỳ này không chỉ “nóng” về những vấn đề của ngành (Vinashin, tai nạn giao thông, dự án đường sắt cao tốc...) mà còn vì vị tân bộ trưởng rất trẻ, được đặt nhiều kỳ vọng. Ông Đinh La Thăng (ảnh) chia sẻ về những vấn đề mà người dân quan tâm.

- Phóng viên: Hiện nay, trong các khối doanh nghiệp (DN) của Bộ GT-VT quản lý có 2 đơn vị rất khó khăn là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Vinashin. Ông sẽ giải quyết các vấn đề này thế nào?

Bộ trưởng Bộ GT- VT Đinh La Thăng: Ưu tiên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam ảnh 1

- Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG: Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế có rất nhiều DN trên thế giới và Việt Nam gặp khó khăn. Các DN vận tải, cả của Nhà nước và cổ phần, tư nhân hiện nay đều khó vì phí đầu vào lớn nhưng cước vận tải lại giảm nên không thúc đẩy thị trường phát triển. DN càng lớn càng gặp nhiều khó khăn, vì khi anh lớn mà ốm thì chữa sẽ khó hơn vì cần nhiều thuốc hơn. Bây giờ cần tập trung cơ cấu, đổi mới DN, làm sao nâng cao vốn chủ sở hữu để DN đủ khả năng cạnh tranh, tham gia đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng giao thông.

Trong bối cảnh đất nước đăng tăng tốc phát triển giai đoạn 2011 - 2020 như hiện nay, cần phải có một cơ chế đột phá trong việc huy động các nguồn lực toàn xã hội, của các đối tác nước ngoài. Ưu tiên của tôi trong nhiệm kỳ là xây dựng cơ chế đột phá để thực hiện 3 khâu đột phá mà Chính phủ đề ra. Nếu không có cơ chế đột phá về huy động nguồn lực, về tổ chức triển khai thực hiện dự án, đa dạng các phương thức đầu tư thì không thể kêu gọi được các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Khi tiến hành tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng lúc đó đã khẳng định, năm 2013 Vinashin sẽ có lãi và 2015 sẽ là một Vinashin “mới”. Ông suy nghĩ như thế nào?

- Còn thời gian mà, nên chúng ta hãy cứ chờ đã.

- Người dân đang rất mong chờ những giải pháp để giảm tai nạn giao thông?

- Cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành và toàn dân phải tham gia giải quyết vấn đề này. Người tham gia giao thông chính là người quyết định có tai nạn giao thông hay không. Tai nạn giao thông không phải là việc trên trời rơi xuống, cũng không phải là việc riêng của Bộ trưởng Bộ GT-VT hay lãnh đạo các địa phương, mà đó là việc gắn với chính người tham gia giao thông. Nếu ý thức tham gia giao thông cao sẽ không có tai nạn. Khi người dân thực sự là chủ thể trong vấn đề này thì chắc chắn tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế.

- Đâu là trọng tâm ưu tiên trong công tác của ông trên cương vị bộ trưởng?

- Chúng tôi chuẩn bị thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Dự án này thực tế đã nằm trong chương trình của Chính phủ chứ không chỉ của ngành giao thông. Con đường này quá quan trọng vì là huyết mạch nối hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Đây là dự án có tầm quan trọng bậc nhất và thiết thực nhất. Nếu đầu tư đường bộ cao tốc này sẽ đem lại hiệu quả ngay và giải tỏa được nhiều vấn đề về giao thông, vận tải hàng hóa. Để làm được con đường này phải đa dạng hóa nguồn vốn, thu hút nguồn lực xã hội… Nhưng huy động thế nào quả là vấn đề khó. Vấn đề quan trọng ở chỗ phải đưa ra cơ chế hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, thuyết phục được các tổ chức tài chính cho vay vốn.

- Song song với dự án phát triển đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ông quan tâm đến hệ thống giao thông nào?

- Đường sắt. Sẽ tập trung vốn để nâng cấp đường hiện hữu chứ làm đường mới, hiện đại ngay bây giờ hơi khó. Có thể mở rộng khổ đường sắt từ 1m lên 1,4m. Các cầu đường sắt cũng phải nâng cấp.

- Chính phủ vừa công bố quy hoạch chung đô thị Hà Nội, trong đó sẽ xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng. Theo ông, có cần thiết không vì những công trình này rất tốn kém?

- Vấn đề là cầu, hầm đó có cần thiết không. Nếu là cần thiết thì không gọi là tốn kém. Còn nếu đã không cần thiết thì quá tốn kém. Khi đã cần thiết thì phải huy động mọi nguồn lực để làm.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục