Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: Không bán rẻ tài nguyên

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: Không bán rẻ tài nguyên

Khiêm tốn tự nhận “chưa biết gì nhiều về các lĩnh vực tài nguyên môi trường”, song Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang (ảnh) xác định rõ, thiết lập trật tự và quản lý lĩnh vực khai thác khoáng sản sẽ là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ này.

° PV: Thưa bộ trưởng, trong 7 lĩnh vực quản lý của ngành TN-MT, ông sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?

° Bộ trưởng NGUYỄN MINH QUANG: Trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, tôi dự kiến sẽ tập trung xây dựng chiến lược, hoàn thiện khung pháp lý cho toàn ngành, đồng thời chỉ đạo tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện những điểm yếu để chấn chỉnh. Cả 7 lĩnh vực mà bộ đang quản lý đều quan trọng nhưng có lẽ đất đai, khoáng sản và môi trường là những lĩnh vực hiện đang “nóng” hơn cả.

° Là “người mới” trong lĩnh vực này, ông có lường trước những khó khăn thách thức mà mình sẽ phải đối diện và giải quyết?

° Thách thức chắc chắn là có rồi. Một trong số đó là yêu cầu phải tiến hành sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 với vô vàn vấn đề được đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ngày một nghiêm trọng và tinh vi hơn…

° Vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường mà đối tượng vi phạm lại chính là doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, có uy tín ở địa phương. Quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

° Quan điểm nhất quán của chúng ta từ trước đến nay vẫn là không hy sinh môi trường để tăng trưởng. Bộ TN-MT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra và xử lý kiên quyết. Một khi có vi phạm thì mọi đối tượng đều phải được xử lý trên cơ sở pháp luật. Tới đây khâu thẩm định các dự án mới sẽ được làm rất chặt chẽ, các dự án đang vận hành cũng sẽ được kiểm tra sát sao hơn.

° Dư luận cho rằng, vì mục tiêu tăng trưởng, vừa qua có địa phương vẫn nương nhẹ với vi phạm về môi trường. Tới đây, khi tham gia các cuộc họp Chính phủ, ông có e ngại việc nhiều khi phải nói lên tiếng nói “ngược dòng”, có thể làm tốc độ tăng trưởng chậm lại?

° Tôi cho rằng mọi lợi ích của địa phương đều phải đặt trong lợi ích chung của quốc gia. Chính phủ hay các địa phương đều có chung nỗ lực giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Tôi cũng là người nói thẳng, nói thật và sẽ không ngần ngại khi phải bảo vệ quan điểm của mình nhưng sẽ cố gắng trình bày vấn đề hợp tình hợp lý để có tính thuyết phục cao. Tôi nghĩ điều gì đúng thì chắc chắn lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các địa phương sẽ ủng hộ.

° Kinh tế hóa TN-MT là một chủ trương lớn của ngành. Xin bộ trưởng cho biết chủ trương này sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản – những lĩnh vực mà dư luận cho rằng cơ chế xin – cho vẫn còn?

° Bằng mọi cách phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, dù là trong đất đai, khoáng sản hay bất kỳ lĩnh vực nào khác. Vừa qua Luật Khoáng sản ra đời đã đưa ra cơ chế đấu thầu. Tôi từng giữ cương vị lãnh đạo ở địa phương và hiểu rõ vấn đề này. Đấu thầu cũng có những cái khó nhưng sẽ phải theo hướng đó mới tiết kiệm được tài nguyên cho đất nước. Rồi trung ương quản nội dung gì, phân cấp cho địa phương nội dung gì là việc rất cần tính toán kỹ. Và dứt khoát phải có chiến lược khai thác, chế biến khoáng sản với tầm nhìn dài hạn. Chúng ta không thể bán rẻ tài nguyên hôm nay để sau này con cháu chúng ta phải đi mua đắt!

° Xuất thân là kỹ sư nông nghiệp, lại từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, bộ trưởng nghĩ gì về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa cho các dự án, đơn cử như các dự án xây dựng sân golf thời gian qua?

° Trên cơ sở cân nhắc yêu cầu về an ninh lương thực và nhiều mặt khác, Đảng và Nhà nước đã chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa. So với các nước khác, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người của nước ta khá thấp, thậm chí thuộc nhóm thấp nhất. Đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp vẫn phải làm nhưng phải cân nhắc rất thận trọng. Người nông dân đã phải bồi đắp bao nhiêu đời nay mới có được những vùng đất lúa với cấu tượng thích hợp cho nên không thể tùy tiện chuyển đổi.

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục