Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hình ảnh đẹp của ngành giáo dục được lan tỏa nhờ phần lớn từ báo chí ​

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 17-11, Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”.
Trao giải cho các tác phẩm đoạt giải
Trao giải cho các tác phẩm đoạt giải

Đây là năm đầu tiên, giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những thành tựu, kết quả trong thực hiện đổi mới sáng tạo dạy và học của ngành giáo dục trên mọi miền Tổ quốc. Qua đó, phát hiện và tri ân các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

Triển khai từ tháng 3-2018, Ban Tổ chức đã nhận được trên 700 tác phẩm. Đây là năm đầu tiên giải được tổ chức nhưng các tác phẩm tham dự giải nhìn chung có chất lượng tốt; phong phú về chủ đề, phản ánh toàn cảnh công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; về kết quả trong thực hiện đổi mới, sáng tạo dạy và học của ngành giáo dục trên mọi miền Tổ quốc…

Kết quả, trong 74 tác phẩm vào vòng chung khảo của 4 loại hình, có 43 tác phẩm đạt giải, trong đó có 4 giải A, 8 giải B,  11 giải C và 20 giải khuyến khích. Hầu hết các tác phẩm đoạt giải có nội dung ca ngợi, tôn vinh những gương thầy cô giáo tận tâm, tận lực với công việc giảng dạy. Trong đó, có nhiều thầy cô ở vùng sâu vùng xa, nhiều thầy cô dạy trẻ khuyết tật...

Ban tổ chức cũng chọn ra nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải là thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Cương - Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) với cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể. Thầy cũng là nhân vật đồng thời trong 2 tác phẩm “Thay lời tri ân” của VTV và “Người cha của những đứa trẻ H're” của Đài PT-TH Quảng Ngãi.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, giáo dục là một trong những lĩnh vực luôn được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, bởi giáo dục tác động tới mọi người, mọi nhà. Không một gia đình nào ở Việt Nam không có người đi học, không chỉ là trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học mà còn rất nhiều người lớn cũng đang đi học để cùng xây dựng một xã hội học tập. Cũng vì điều đó, mọi thông tin liên quan đến GD-ĐT trên báo chí luôn tạo sức hút với dư luận.

Bộ trưởng cho rằng, sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp cho những chủ trương, chính sách, thay đổi lớn về GD-ĐT đến với xã hội; trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia trong quá trình đổi mới.

Bên cạnh sự đồng thuận, những ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp cho ngành giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Báo chí cũng phát hiện, phản ánh và cổ vũ kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt; những tấm gương giáo viên, học sinh đổi mới, sáng tạo không ngừng; những tấm gương giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vượt qua khó khăn để dạy tốt - học tốt. Hình ảnh đẹp của ngành giáo dục được lan tỏa trong dư luận xã hội là nhờ phần lớn từ báo chí.

 Các tác phẩm đoạt Giải A

-Hạng mục báo in: Nhóm tác giả Trần Duy Văn, Đỗ Nam Thắng, Lê Đông Hà với tác phẩm “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc” – Báo Quân đội Nhân dân. Đây cũng là tác phẩm giành giải đặc biệt xuất sắc trong cuộc thi.

-Hạng mục truyền hình: Tác giả Huỳnh Sỹ Cường với tác phẩm “69713=69731” – VTV7, Đài truyền hình Việt Nam.

-Hạng mục phát thanh: Tác giả Nguyễn Trần Anh Thu với tác phẩm “U Hương của những học sinh khiếm thị”.

-Hạng mục báo điện tử: nhóm tác giả Đặng Thị Chung, Đặng Văn Phú, Trần Duy Hưng với tác phẩm “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” – báo Lao động điện tử.

Tin cùng chuyên mục