Bộ Y tế gỡ vướng về phòng chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh

Ban Quản lý Khu công nghiệp, UBND cấp huyện và/hoặc các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch và phương án phòng chống dịch của các đơn vị trên địa bàn đảm bảo vừa an toàn phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đơn vị.

Ngày 12-8, Bộ Y tế đã có công văn số 6565/BYT-MT gửi UBND các tỉnh thành về việc phòng chống Covid-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ, thời gian vừa qua, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đã ban hành các văn bản phòng chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh.

Căn cứ vào các hướng dẫn và tình hình thực tế địa phương, một số tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã xây dựng phương án vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất như hình thức sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”.

Tuy nhiên, tại một số địa phương việc áp dụng mô hình phòng chống dịch tương tự chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Bộ Y tế gỡ vướng về phòng chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh ảnh 1 Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: VIẾT CHUNG

Để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành căn cứ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, đặc biệt dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp, UBND cấp huyện và/hoặc các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch và phương án phòng, chống dịch của các đơn vị trên địa bàn đảm bảo vừa an toàn phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị tránh chồng chéo (không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh) để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa, đảm bảo không gây ùn tắc và tạo điều kiện cho đơn vị vận chuyển hàng hóa.

Chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn tại của Bộ Y tế, cụ thể: xét nghiệm sàng lọc hàng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc Covid-19; xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc Covid-19.

Tin cùng chuyên mục