Bộ Y tế nhận trách nhiệm gì về vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình?

Ngày 22-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục thẩm vấn các bị cáo, những người có liên quan và đại diện gia đình các nạn nhân. Trong đó đáng chú ý, vào chiều cùng ngày, đại diện một số vụ, cục chức năng của Bộ Y tế đã có mặt tại tòa để trả lời một số vấn đề liên quan.

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình liên kết với doanh nghiệp để đặt máy chạy thận nhân tạo thì thẩm quyền cấp phép thuộc về Sở Y tế Hòa Bình. Về phía Bộ Y tế cũng có Thông tư số 15 hướng dẫn chung về việc thực hiện xã hội hóa liên quan tới trang thiết bị y tế.

Trước câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý, điều hành, ban hành quy chế về chạy thận nhân tạo, Ông Quang cho biết, đối với hoạt động về chuyên môn của các bệnh viện phải thực hiện theo quy định trong Quy chế Bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. Còn về trang thiết bị y tế (hệ thống lọc nước RO) thực hiện theo quy định trong Nghị định 36 CP về quản lý trang thiết bị y tế... Về công tác thanh, kiểm tra việc liên danh liên kết đặt máy thuộc trách nhiệm của Sở Y tế Hòa Bình, được căn cứ vào Luật Thanh tra qua việc phân cấp cho từng đơn vị.

 Bộ Y tế nhận trách nhiệm gì về vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình? ảnh 1 Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trả lời tại tòa

Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi về quan điểm và trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào trong sự cố tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Quang trả lời: Đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng uy tín của bệnh viện mà cả ngành y tế cả nước. Sau khi xảy ra sự cố, bên cạnh việc cung cấp toàn bộ tài liệu cho cơ quan điều tra, chúng tôi cũng đã rà soát toàn bộ quy định, quy trình về chạy thận nhân tạo, cũng như việc quản lý trang thiết bị y tế và vào tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành quy trình chuẩn thống nhất về chạy thận nhân tạo, lọc nước RO, bảo dưỡng trang thiết bị lọc thận, trong đó có 7 quy trình liên quan tới lọc nước RO.

Ngay sau câu trả lời này của lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, chủ tọa liền đặt vấn đề: “Bộ Y tế có trách nhiệm gì trong việc chậm trễ ban hành quy trình chuẩn về chạy thận?". Không trả lời thẳng vào câu hỏi này, ông Quang cho rằng, hệ thống thể chế, các quy định về chạy thận nhân tạo của Việt Nam còn chưa được cập nhật thường xuyên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế trả lời trước tòa đã cho biết, việc chuyển giao kỹ thuật về chạy thận thận nhân tạo là sự hợp tác, hỗ trợ chuyên môn giữa Bệnh viện Bạch Mai cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Còn cán bộ y tế nào được cử đi tập huấn tại Bệnh viện Bạch Mai về kỹ thuật lọc máu, chạy thận thì tòa phải hỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Ông Khoa cũng cho biết, vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình là rất nghiêm trọng, vì các nước khác trên thế giới chưa từng xảy ra sự cố làm nhiều bệnh nhân tử vong như vậy. Do đó, qua sự cố này, phải xem xét lại quy trình về chạy thận nhân tạo dù đã có tiêu chuẩn Việt Nam về nước RO, cũng như các nhà sản xuất có những quy định riêng về trang thiết bị y tế liên quan tới lĩnh vực chạy thận.

 Bộ Y tế nhận trách nhiệm gì về vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình? ảnh 2 Phiên tòa xét xử vụ  tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xét hỏi những người có liên quan

Cũng trong quá trình xét hỏi, trước đó, trả lời trước tòa, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn) cho biết, hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn là hợp đồng trọn gói.

Trước đó, Công ty Thiên Sơn đã tiến hành khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình từ cuối 2016. Đầu năm 2017, Công ty Thiên Sơn báo giá đề xuất thay thế, sửa chữa một số hạng mục sửa chữa hệ thống chạy thận. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa ra phương án: Thay cát sỏi, tẩy màng, xét nghiệm toàn bộ hệ thống trước khi đưa vào sử dụng… Công ty Thiên Sơn gửi báo giá cho Phòng Vật tư, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để báo cáo lãnh đạo bệnh viện, nhằm thương thảo ký kết hợp đồng. Sau đó, hợp đồng được ký kết.

Bà Hương một lần nữa khẳng định, hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh được ký vào tối 25-5-2017  (4 ngày trước khi xảy ra sự cố). Trong khi trước đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) khai, hợp đồng được ký sau khi xảy ra sự cố chết người để hợp thức hóa thủ tục.
Về vấn đền bồi thường, bà Nguyễn Thị Đinh Hương khẳng định, Công ty Thiên Sơn không chấp nhận bồi thường trong vụ việc này vì công ty không có trách nhiệm. Công ty Thiên Sơn chỉ tự nguyện hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân khi sự việc xảy ra.

“Công ty Thiên Sơn đã bàn bạc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để hỗ trợ các gia đình nạn nhân tổng số tiền 370 triệu đồng. Tuy nhiên, do không đạt được thỏa thuận với bệnh viện nên số tiền 370 triệu đồng đã được nộp vào tài khoản cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình…”, theo bà Hương.

 Bộ Y tế nhận trách nhiệm gì về vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình? ảnh 3 Hội đồng xét xử vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Cũng tại phiên tòa xét xử, do ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư) vắng mặt tại tòa nên HĐXX đã công bố một số lời khai của Dương và Thắng tại cơ quan điều tra.

Ngay sau khi công bố lời khai của ông Dương và ông Thắng, HĐXX hỏi các bị cáo có đồng ý với lời khai trên hay không? Trả lời HĐXX, bác sĩ Hoàng Công Lương đã phản bác lời khai của ông Dương, cho rằng lời khai đó không chính xác.

“HĐXX công bố lời khai của ông Dương về phân công nhiệm vụ cho bị cáo. Bị cáo không đồng ý lời khai của ông Dương đã phân công nhiệm vụ cho bị cáo. Vì bị cáo là bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức tích cực, phải làm việc theo chỉ đạo của Trưởng khoa (ông Hoàng Đình Khiếu), bị cáo không phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo”, bác sĩ Lương nói.

Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ Phòng Vật tư) cũng phản đối lời khai của ông Thắng khi cho rằng bản thân chưa được ai bàn giao hợp đồng giữa bệnh viện với Công ty Trâm Anh.

Tin cùng chuyên mục