Bối rối với… thủ tục hải quan

Ngày 30-8, tại TPHCM, hơn 200 doanh nghiệp châu Âu đã có buổi đối thoại với Tổng cục Hải quan về cải cách thủ tục xuất nhập khẩu.
Hải quan giải quyết hồ sơ doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Hải quan giải quyết hồ sơ doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Mặc dù ngành hải quan đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN), thế nhưng, hơn 48 ý kiến của các DN tham gia đối thoại vẫn cho rằng, thủ tục và cách hành xử của các cán bộ hải quan vẫn gây khó cho DN. 
Rối với định giá tính thuế
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục Hải quan, phụ trách Cục Hải quan TPHCM nhấn mạnh, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng gần 11 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 45 tỷ USD năm 2016 và dự kiến năm 2017 sẽ đạt con số 50 tỷ USD. Do vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN nói chung và DN EU nói riêng luôn được Tổng cục Hải quan chú trọng. Hiện Tổng cục Hải quan đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa từ 138 giờ xuống còn 90 giờ với hàng nhập khẩu và từ 108 giờ xuống còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu; giảm tỷ lệ hàng hóa ở luồng vàng nhập khẩu từ 38% xuống còn 20%. Trong năm 2017, 100% dịch vụ công của ngành hải quan được thực hiện  trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành hải quan được cung cấp trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, từng bước hoàn thiện thể chế để thực hiện cơ chế 1 cửa ASEAN. 
Tuy nhiên, bà Almut Roessner, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) góp ý, thủ tục thông quan còn phức tạp, thiếu minh bạch. Khảo sát do EuroCham thực hiện cho thấy, có ít nhất 25% lô hàng phải thực hiện xác định lại trị giá hải quan trong quá trình nhập khẩu. Các DN không hiểu rõ lý do cũng như bị hạn chế tiếp cận các quy định về xác định lại trị giá lô hàng. Các quy tắc và quy định hành xử của cán bộ hải quan không rõ ràng và DN thường không có khả năng thông quan hàng hóa khi xảy ra tranh chấp với hải quan. Việc nộp một khoản tiền đảm bảo sẽ giúp DN thuận lợi hơn khi nhập khẩu diễn ra rất phổ biến, gây bức xúc cho cộng đồng DN EU. Các DN cũng không tìm được những quy định hướng dẫn liên quan đến cách tổ chức định giá lô hàng xuất nhập khẩu. 
Đại diện Công ty Thủy sản Đức Cường cho biết, công ty có mặt hàng bị định giá cao hơn gấp 2 - 5 lần giá trị công ty kê khai khi nhập khẩu. Công ty đã kiến nghị nhiều lần và cơ quan hải quan đã thực hiện truy xuất giá trị sản phẩm tương đồng đã nhập khẩu trước đó 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, cơ quan hải quan đã không tìm được sản phẩm có giá trị tương đồng. Như vậy theo quy định, công ty phải được tính thuế dựa trên kê khai trị giá lô hàng của công ty nhưng các cơ quan hải quan không chấp nhận. Đại diện nhiều DN khác cho biết thêm, có một số chi cục hải quan tỉnh thành thực hiện truy xuất các quyết định định giá trên cơ sở dữ liệu hải quan, hoặc giá tham khảo trên Internet để định trị giá lô hàng là không phù hợp với quy định. 
Tăng đối thoại để minh bạch thủ tục hải quan
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TPHCM, khẳng định đang có sự chênh lệch giữa thông tin khảo sát của EuroCham với Tổng cục Hải quan. Thống kê của hải quan chỉ có 2% - 3% DN phải xác định lại trị giá tính thuế lô hàng; còn tỷ lệ 25% DN phải thực hiện định giá lại giá trị lô hàng do EuroCham công bố là bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu là quà tặng, hàng mẫu.
DN chỉ phải xác định lại trị giá lô hàng khi cơ quan hải quan có nghi vấn về việc DN kê khai không đúng trị giá lô hàng, không thỏa mãn điều kiện trong quy định pháp luật. Trường hợp này, DN phải có trách nhiệm chứng minh với cơ quan hải quan hoặc thực hiện tham vấn giá đối chiếu. Về phía cơ quan hải quan cũng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, minh bạch, tôn trọng giá trị kê khai của DN. Đặc biệt, cũng phải tuân thủ nguyên tắc tham khảo, tham vấn hàng hóa có giá trị tương đồng. 
Nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, khuyến cáo, DN cần chủ động chọn các đại lý hải quan uy tín để làm dịch vụ thông quan. Hiện Tổng cục Hải quan đã công bố danh mục các đại lý hải quan không uy tín, lợi dụng chữ ký DN để thực hiện hành vi gian lận thương mại.
Riêng về việc những chi cục hải quan các tỉnh thành không thực hiện đúng quy định, có thái độ và hành vi nhũng nhiễu, áp dụng sai quy định gây thiệt hại cho DN, DN có thể trực tiếp gửi khiếu kiện đến Chi cục trưởng Chi cục hải quan của tỉnh, thành đó hoặc gửi cho Tổng cục Hải quan để được xem xét, giải quyết. Về phía ngành hải quan sẽ tích cực phổ biến văn bản pháp luật, quy định mới để DN hiểu rõ và thực hiện đúng khi làm thủ tục hải quan. Một giải pháp được cả ngành hải quan và EuroCham thống nhất, đó là sẽ tăng cường tổ chức đối thoại để minh bạch thông tin và hướng dẫn hỗ trợ các DN EU trong thủ tục thông quan.

Tin cùng chuyên mục