Bơi thế nào ở ao làng?

Theo HLV Park Hang-seo, việc đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết là một “điều khoản đặc biệt” của hợp đồng giữa ông với VFF. Điều này cho thấy mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam vẫn là HCV Đông Nam Á 2018 hoặc HCV SEA Games 2019.

Đã làm bóng đá, nhất định phải có mục tiêu cụ thể, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên đánh giá sự thành bại trong việc phát triển bóng đá Việt Nam bằng các danh hiệu? Lấy ví dụ, trong trường hợp HLV Park Hang-seo không thể đưa đội tuyển vào chung kết, đấy có phải là thất bại? Và vị chuyên gia này có bị mất việc?

Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 cũng có nhắc đến việc phải ít nhất 1 lần vô địch AFF Cup hoặc SEA Games, và tầm nhìn đến năm 2030 là có mặt trong tốp 10 châu Á. Tuy nhiên, nếu xét ở khu vực Đông Nam Á, có thể nói giữa 2 tiêu chí này dường như không có sự liên hệ mang tính mật thiết.

Cụ thể, đội tuyển Singapore đã từng 4 lần vô địch AFF Cup nhưng họ thường xuyên vắng mặt ở các giải đấu cấp độ châu lục, chỉ 1 lần dự vào chung kết Asian Cup với tư cách chủ nhà cách đây đã 32 năm. Đội tuyển Indonesia 5 lần đá chung kết AFF Cup nhưng 10 năm gần đây cũng không được dự Asian Cup. Tiêu biểu như Thái Lan, đội bóng giàu thành tích nhất ở khu vực Đông Nam Á trên mọi cấp độ, thế nhưng từ năm 1992 đến nay, họ vô địch AFF Cup 5 lần, 3 lần á quân, 11 lần đoạt HCV SEA Games nhưng cũng chưa lần nào vượt qua vòng bảng Asian Cup trong 5 lần góp mặt.

Trong khi đó, dù chỉ mới 1 lần vô địch và 1 lần á quân AFF Cup, chưa từng đoạt HCV SEA Games nhưng bóng đá Việt Nam lại có những thành tích đặc biệt, gồm chức á quân U.23 châu Á, bán kết Asiad, dự World Cup U.20, vào tứ kết Asian Cup… Đó là những kết quả mà không có nền bóng đá Đông Nam Á nào làm tốt hơn chúng ta trong 2 thập niên trở lại đây.

Đi sâu vào các chi tiết về mặt thành tích để thấy có những sự khác nhau về cơ bản trong việc đứng đầu khu vực với sức mạnh thực sự của nền bóng đá. Người ta chỉ cần 1 tháng để chinh phục một giải đấu nhưng để vươn lên tầm châu lục, lại cần một quá trình rất dài và dựa trên sự phát triển ổn định của nền bóng đá chứ không phải của một đội tuyển cụ thể nào. Trong giai đoạn thống trị làng cầu khu vực, Thái Lan cũng không thể vươn lên tầm châu Á, nên họ đã quyết định cải tổ toàn bộ giải vô địch quốc gia để tạo nền móng cho giấc mơ lớn của mình. Chính vì thế, ở AFF Cup 2018 lần này, Thái Lan không sử dụng các cầu thủ tốt nhất mà “để dành” cho Asian Cup đầu năm sau. Nói cách khác, Thái Lan dùng Asian Cup để xác định năng lực của mình.

Có nhiều ý kiến cho rằng chưa vô địch AFF Cup hay SEA Games thì đừng nên tính đến chuyện xa hơn. Điều đó hoàn toàn hợp lý bởi đã ở đẳng cấp châu Á thì chuyện vô địch giải khu vực là yêu cầu không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không vô địch cũng đâu có nghĩa là mọi thứ vô giá trị. Trong 2 thập niên qua, bóng đá Việt Nam đã 9 lần vào bán kết AFF Cup, nhiều hơn cả Thái Lan, chưa tính đến 9 trận bán kết SEA Games khác. Các con số này khẳng định trình độ của chúng ta đã ở tốp đầu Đông Nam Á dù chiến tích cụ thể chỉ có tại AFF Cup 2008. Xét về tính ổn định thì chỉ kém mỗi Thái Lan.

Phải chăng nên đặt tầm nhìn cho bóng đá Việt Nam dựa trên sự ổn định đó thay vì bắt buộc phải vô địch nhiều lần nhưng… chẳng để làm gì. Bóng đá Đông Nam Á vẫn chỉ là “ao làng” so với biển lớn châu lục, nhưng như việc thi đấu trong môn bơi cự ly ngắn và dài vậy, chúng ta nên tính đến việc chọn lựa cách “bơi” như thế nào cho phù hợp với tham vọng ra biển lớn. Trong đó, không thể không nói đến công tác đào tạo trẻ cũng như việc nâng cấp giải nội địa V-League cần xem là ưu tiên chiến lược.

Tin cùng chuyên mục