Bơm tạp chất vào tôm: Căn bệnh khó trị

Nếu không dẹp được vấn nạn bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu thì ngành tôm khó đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. 
Một cơ sở bơm tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu bị phát hiện. Ảnh: MINH LUÂN
Một cơ sở bơm tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu bị phát hiện. Ảnh: MINH LUÂN
Việc bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm tăng trọng lượng, thu lợi nhuận đã diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt là ở các tỉnh trọng điểm về xuất khẩu tôm như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng... Dù thời gian qua, các ngành chức năng liên tục tịch thu và xử phạt đối với các cơ sở tổ chức bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng như ngăn chặn đường vận chuyển của chúng, nhưng gần đây, vấn nạn bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu lại nóng lên. Nếu không dẹp được vấn nạn này thì ngành tôm khó đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. 

Bắt cóc bỏ dĩa


Chúng tôi về vùng giáp ranh của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, địa điểm được xem là “thủ phủ” của nạn bơm chích tạp chất vào tôm. Được sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến cơ sở thu mua tôm của bà K. nằm ở ấp Khúc Tréo (xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Cơ sở này nằm ven kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, phía trên tiếp giáp với quốc lộ 1A. Cơ sở thu mua tôm của bà K. không treo bảng hiệu và luôn khép cửa kín mít, người lạ không thể vào được. Ngồi quan sát, chúng tôi thấy cách nhau hàng giờ mới có người mở cửa đưa hàng ra. Liền sau đó, xe ba gác đậu gần đó chạy lại chất hàng lên rồi chạy đưa đi tiêu thụ, sau đó thì cánh cửa nhanh chóng đóng lại. Hoạt động của cơ sở thu mua tôm này rất đáng nghi ngờ, mà theo người dân địa phương là có thể cho tôm “ăn” rau câu (còn gọi là chất agar). Khi chúng tôi lấy máy điện thoại ra chụp ảnh và quay phim thì có hai người đàn ông nhanh chóng chạy xe lại ngăn chặn. Qua ghi nhận thực tế, hoạt động cơ sở thu mua tôm này rất đáng nghi ngờ vì “có tật mới giật mình”.
Ông Bùi Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết, trên địa bàn có 15 cơ sở thu mua tôm nguyên liệu, ngoài ra cũng có các cơ sở thu mua không đăng ký với cơ quan chức năng nên không thể thống kê hết được. Theo ông Cảnh nếu các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu tổ chức bơm tạp chất thì với chức năng của xã rất khó bắt được mà phải báo về huyện nhờ hỗ trợ. “Muốn bắt được các cơ sở này phải cài cắm người, trinh sát cẩn thận; vì các cơ sở chế biến tôm tạp chất hoạt động khép kín, tinh vi, có người cảnh giới. Nếu phát hiện có động tĩnh thì họ sẽ nhanh chóng tẩu tán, phi tang chứng cứ”, ông Cảnh phân tích.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Phan Thành Được, Phó Trưởng công an thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn, công an đã bắt 5 vụ với khoảng 150kg tôm tạp chất, các cơ sở bị phát hiện chủ yếu nằm ở địa bàn giáp ranh với tỉnh Cà Mau như xã Tân Thạnh, Phong Thạnh Tây... Cũng theo ông Được, đây là những nơi thường xuyên bị phát hiện các cơ sở bơm tạp chất vào tôm trên địa bàn. “Thời gian qua, chúng tôi không chỉ phát hiện các cơ sở thua mua bơm tạp chất vào tôm một lần mà có cơ sở bị phát hiện đến hai lần thậm chí có cơ sở vi phạm đến ba lần. Cụ thể như cơ sở thu mua của ông Nguyễn Minh Đường ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây bị phát hiện ba lần đưa tạp chất vào tôm. Có những cơ sở sau khi bị phát hiện họ di chuyển sang địa bàn khác làm”, thiếu tá Được nói.

Phải kiểm soát chặt các cơ sở chế biến

Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, các lực lượng cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức 25 lượt kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tôm nguyên liệu trong địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, phát hiện 15 trường hợp vi phạm tôm sú có chứa tạp chất với tổng số lượng gần 3,5 tấn, trong đó có 6 trường hợp tổ chức bơm chích, 6 trường hợp thu gom, 3 trường hợp vận chuyển tôm sú có chứa tạp chất và đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính với số tiền là 844 triệu đồng.

Còn thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị phát hiện hai vụ với 51kg tôm chứa tạp chất và xử lý hành chính 55 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan khác có liên quan cũng bắt 5 vụ với 1.984kg tôm chứa tạp chất. Tương tự, các tỉnh trọng điểm xuất khẩu tôm khác tại ĐBSCL như Kiên Giang, Sóc Trăng cũng mạnh tay xử lý nạn tôm chứa tạp chất.

Nói về việc đưa tạp chất vào tôm, ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết đây là vấn nạn của tỉnh. Theo ông Buôl, nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu khan hiếm, vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở thu mua tôm nguyên liệu không ngần ngại thuê người bơm chích tạp chất vào tôm. “Những người được chủ cơ sở thu mua tôm thuê chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đa số là người nghèo, khi nhận bơm chích 1kg tôm tạp chất vào tôm nguyên liệu họ được trả 6.000 đồng/kg. Trung bình 100kg tôm sau khi bơm tạp chất có trọng lượng là 115kg, tôm lớn thì tăng trọng lượng nhiều hơn. Việc bơm chích tạp chất vào tôm chủ yếu là do cơ sở thu mua và đại lý thu mua chứ người nuôi tôm hiếm khi làm việc này. Có trường hợp tôm nguyên liệu bị bơm chích tạp chất đến 2 lần: lần thứ nhất là do cơ sở thu mua tổ chức, rồi qua tay đại lý thì bị đại lý thu mua tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm thêm lần nữa”, ông Buôl nói.

Ông Võ Thành Tiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Cà Mau, cho biết, dù việc xử lý tôm tạp chất tỉnh làm thường xuyên và đã làm mười mấy năm qua. Tuy nhiên, hiện tại vấn nạn này vẫn chưa trị dứt điểm. Lý do chưa xử lý được tận gốc việc đưa tạp chất vào tôm là vì vẫn có… người mua. Vì có người mua nên có người đưa tạp chất vào tôm và bán cho họ. Vì vậy, muốn xử lý tận gốc tôm chứa tạp chất thì trước hết phải kiểm soát chặt các cơ sở chế biến. Khi phát hiện thì xử lý nghiêm hành vi này. Bên cạnh đó cũng phải kiểm tra chặt các thương lái, cơ sở thu mua có hành vi đưa tạp chất vào tôm. Làm như thế xem ra mới xử lý được vấn nạn tôm tạp chất.

Tin cùng chuyên mục