Bộn bề lập lại trật tự lòng lề đường

Sau hơn 1 năm tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; hiện nay ở một số quận huyện trên địa bàn TPHCM, nhiều tuyến đường đã có chút khởi sắc, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn gặp không ít trở ngại, nhất là tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè, dưới lòng đường... 
Vỉa hè trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) đã thông thoáng cho người bộ hành
Vỉa hè trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) đã thông thoáng cho người bộ hành

Quận 1 có biến chuyển

Thực địa các ngày qua, phóng viên Báo SGGP ghi nhận nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1, TPHCM (địa phương đầu tiên mở đợt cao điểm xử lý trật tự lòng đường, vỉa hè) hiện việc lấn chiếm vỉa hè kinh doanh đã giảm hẳn so với trước đây. Nhiều tuyến đường như Nguyễn Thái Học, Hoàng Sa, Nguyễn Trung Trực… một thời nổi cộm khi bị các quán nhậu lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để bàn ghế kinh doanh, thì nay đã “trả lại” làn đường dành riêng cho người đi bộ. Tương tự, nhiều tuyến đường khác như Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi… không còn tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng đường. Tuy nhiên, vẫn còn các cửa hàng kinh doanh ăn uống, hàng hóa chiếm dụng vỉa hè để đậu xe.

Vào một số quán nhậu trên đường Hoàng Sa (thuộc phường Tân Định và Đa Kao), chúng tôi đề nghị muốn ngồi ngoài vỉa hè để không khí thoáng mát, hầu hết nhân viên phục vụ đều từ chối và sẵn sàng tăng cường thêm quạt máy tới bàn để phục vụ khách. Một chủ quán tâm sự: “Tôi mệt mỏi với cảnh “mèo vờn chuột” lắm rồi! Trước kia, từ xa nếu thấy lực lượng trật tự đô thị (TTĐT) đi kiểm tra thì dọn bàn ghế vào được, nhưng nay có thêm hình thức phạt nguội qua hình ảnh nên rất khó thoát bị xử phạt. Vậy nên, thà tuân thủ pháp luật để còn được địa phương tạo điều kiện kinh doanh ổn định”. Chị Trần Bích Nga (cư dân có nhà trên đường đường Hoàng Sa) cho biết: “Thời gian gần đây, các quán nhậu đã ngăn nắp hơn, không kê bàn ghế chiếm hết vỉa hè nên người đi bộ không còn bị “đẩy” xuống lòng đường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân đã điều lực lượng TTĐT xuống xử lý ngay”. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát sau 21 giờ thì có một số quán nhậu lại thản nhiên bày bán ghế ra vỉa hè. Nhân viên một quán nhậu trên đường Hoàng Sa bật mí: “Giờ này, lực lượng TTĐT về nhà hết rồi”.

Ông Nguyễn Tiến Sĩ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Tân Định (quận 1) cho hay, UBND phường đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để chấn chỉnh những hành vi lấn chiếm lòng lề đường, như đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh phải ký cam kết không vi phạm trật tự lòng lề đường với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, UBND phường cũng giao các tổ chức đoàn thể, khu phố giám sát tình hình trật tự vỉa hè trên địa bàn. Nếu phát hiện vi phạm phải báo thông tin qua mạng xã hội để chính quyền địa phương cử lực lượng TTĐT đến xử lý nhanh; giao trách nhiệm công an phường giám sát, xử lý và nhắc nhở các hành vi vi phạm. Những trường hợp cố tình tái phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt liên tục cho đến khi chấp hành tốt. 

Ngoài ra, hội đồng tư vấn thuế của UBND phường sẽ xem xét điều chỉnh tăng thuế đối với trường hợp thường xuyên vi phạm. Khi chúng tôi phản ánh về tình trạng vi phạm sau 21 giờ hàng ngày, ông Nguyễn Tiến Sĩ giải bày, sau 22 giờ, lực lượng TTĐT chuyển giao lại nhiệm vụ tuần tra cho công an phường, nhưng nhiệm vụ chính của lực lượng này là phòng chống tội phạm, còn tuần tra trật tự chỉ là phụ. Nguyên nhân do công an phường không còn tổ cảnh sát trật tự (đã giải tán theo quy định của Bộ Công an). Từ đó, một số hàng quán cố tình bày bàn ghế trở lại trên vỉa hè, mở âm thanh gây ồn ào. Quan điểm của địa phương luôn xem việc xử lý vi phạm giao thông, TTĐT là cần thiết để từng bước có sự chuyển biến trong nhận thức của người dân.

Theo bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1), phường đã có kế hoạch riêng để xử lý trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn phụ trách. Theo đó, lực lượng TTĐT thường xuyên tuần tra, nếu phát hiện lập tức xử phạt; trường hợp tái phạm thì mức phạt tiền tăng theo cấp độ. 

Hàng rong biến tướng

Ghi nhận nhiều tuyến đường ở một số quận khác thì vỉa hè vẫn còn bừa bộn, có nơi còn chiếm dụng cả một phần lòng đường giao thông. Nổi cộm nhất là tuyến đường Đồng Đen (quận Tân Bình), vỉa hè rộng hơn 6m nhưng đã bị các quán ăn chiếm hết, không còn lối cho người đi bộ. Thậm chí, thảm cỏ trên vỉa hè cũng trở thành nơi đậu xe hay đặt bàn ghế cho khách ngồi. Tương tự, tuyến đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) có rất nhiều quán karaoke, cửa hàng kinh doanh ăn uống thu hút lượng khách đến vui chơi, giải trí rất đông. Do không có chỗ đậu xe, các điểm kinh doanh này đã lấn chiếm vỉa hè, thậm chí chiếm dụng một phần lòng đường để giữ xe cho khách. Tình trạng trên cũng xảy ra trên các tuyến đường Nguyễn Biểu, Cao Đạt (quận 5), khu vực hồ con Rùa (quận 3), Phan Xích Long, Trường Sa (quận Phú Nhuận và Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp và Bình Thạnh)…

Hiện nay, nhiều quận huyện đang gặp khó khăn, nhất là tình trạng người dân “buôn gánh bán bưng” (hàng rong) trên vỉa hè, dưới lòng đường. Nhiều lãnh đạo các địa phương thừa nhận không thể xử lý hết được trường hợp bán hàng rong ở các trường học, công viên… Thậm chí, nhiều địa điểm tập kết thường xuyên còn trở thành chợ tự phát. Khâu xử lý bày bán hàng rong chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa” vì đa phần không phải người dân địa phương mà từ nơi khác đến và hiện nay hàng rong có biến tướng mới là có người dùng xe tải nhỏ đi bán hàng rong và đậu xe trên các tuyến đường cho phép đậu nên lực lượng TTĐT không thể xử lý, cũng như không thể đẩy đuổi. 

Vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) bị chiếm dụng
 thành “bãi giữ xe” cho khách
 Một chuyên gia đô thị nhận định, phải có biện pháp quản lý căn cơ được người dân nhập cư bán hàng rong để sắp xếp công việc phù hợp. Đồng thời, nâng cao mức phạt đối với các trường hợp kinh doanh không đảm bảo vệ sinh, kể cả hàng rong. 

Đại diện UBND quận 10 cho biết, vừa mới triển khai phần mềm phản ánh trật tự lòng đường, vỉa hè. Với giải pháp công nghệ này, hy vọng sẽ giảm tải được công việc của lực lượng TTĐT. Những phản ánh của người dân qua phần mềm sẽ giao cho UBND phường xử lý; đồng thời, UBND quận cũng giám sát để tránh tình trạng lơ là. Người đứng đầu UBND phường có cam kết với UBND quận, nếu không thực hiện sẽ bị hình thức kỷ luật. Ngoài ra, quận cũng đang phối hợp với Trường ĐH Bách khoa TPHCM xây dựng phần mềm tích hợp toàn bộ hệ thống camera quan sát trên địa bàn quận nhằm thuận lợi hơn trong khâu quản lý. Tuy nhiên, giải pháp sử dụng công nghệ sẽ giảm chứ không thể giải quyết triệt để được vấn đề trật tự lòng lề đường, vì cốt lõi là người kinh doanh phải thay đổi được nhận thức.

Theo UBND quận Bình Thạnh, xử lý trật tự lòng đường, vỉa hè không phải một sớm một chiều mà cần kế hoạch dài hơn, có khi đến cả… một thế hệ. Quan trọng là công tác giáo dục từ khi còn nhỏ để người dân có thể nhận thức được hành vi lấn chiếm lòng lề đường là sai phạm. Ngoài trường lớp, thì chính quyền địa phương, khu phố cũng phải thường xuyên tuyên truyền, tác động ý thức để người dân thay đổi hành vi, không còn lấn chiếm. 

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo một quận nêu vấn đề, hơn 1 năm trước đã có dự thảo quyết định để thay thế Quyết định 74 của UBND TPHCM về việc cho phép sử dụng tạm vỉa hè có thu phí. Nếu như quyết định thay thế Quyết định 74 ra đời thì đó chính là căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện theo lộ trình sẽ đạt hiệu quả cao. Cụ thể, đầu tiên, quận sẽ chọn một số tuyến đường tập trung làm quyết liệt. Qua từng năm sẽ mở rộng ra thêm nhiều tuyến đường khác.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cho biết UBND các quận huyện đã đăng ký với UBND TPHCM thực hiện 157 tuyến đường kiểu mẫu thì phải có kế hoạch tiếp tục thực hiện để hoàn thành cam kết. Các quận huyện phải giao trách nhiệm, công việc cụ thể từng phường xã thực hiện để vỉa hè thông thoáng, đảm bảo ưu tiên cho người đi bộ. Đồng thời, người dân cũng phải tham gia quản lý thì mới thực hiện được, chứ không thể để chính quyền xử lý, xử phạt là hết lấn chiếm vỉa hè. Điển hình, UBND phường xã xây dựng các tổ tự quản, mặt trận, đoàn thanh niên… để cùng tuyên truyền vận động. Sau khi thực hiện hết tuyến đường này thì chuyển sang tuyến đường khác trên địa bàn phụ trách. Về phía Ban An toàn giao thông TPHCM sẽ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn; đơn vị nào làm tốt được đề xuất khen thưởng, còn ngược lại Ban An toàn giao thông TPHCM sẽ phối hợp với Sở Nội vụ TPHCM xử lý, phê bình đối với người đứng đầu địa phương.

Tin cùng chuyên mục