Bóng chuyền Việt Nam: Ngoại binh - nên hay không nên?

Hai cuộc họp được tổ chức với sự góp mặt đầy đủ đại diện 24 đội bóng đang tranh tài ở giải VĐQG năm nay đã được lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) tổ chức tại 2 bảng đấu ở Thái Nguyên và Hà Nội. Đây là cuộc họp tham khảo ý kiến các đội về vấn đề ngoại binh và bàn về chất lượng chuyên môn của giải VĐQG…
Bóng chuyền Việt Nam: Ngoại binh - nên hay không nên?

Hai cuộc họp được tổ chức với sự góp mặt đầy đủ đại diện 24 đội bóng đang tranh tài ở giải VĐQG năm nay đã được lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) tổ chức tại 2 bảng đấu ở Thái Nguyên và Hà Nội. Đây là cuộc họp tham khảo ý kiến các đội về vấn đề ngoại binh và bàn về chất lượng chuyên môn của giải VĐQG…

  • NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU

Ai cũng hiểu VFV muốn thăm dò ý kiến các đội bóng về việc nên hay không nên thuê cầu thủ ngoại ở giải VĐQG. Chưa bao giờ giới chuyên môn nghi ngờ khả năng thu hút khán giả từ các cầu thủ ngoại. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều nhà chuyên môn lo ngại cầu thủ ngoại chơi bóng ở Việt Nam quá nhiều sẽ khiến các tài năng trẻ bóng chuyền bị thui chột.

Chia sẻ với SGGP Thể Thao tại Thái Nguyên, đại diện đội nữ VTV Bình Điền Long An cho biết: “Chúng tôi thấy có lẽ cứ nên để nội binh thi đấu ở giải quốc gia sẽ tốt hơn. Các đội có thực lực sao thì dùng vậy. Như vậy sẽ tạo được sự công bằng cho các em. Về việc thuê cầu thủ ngoại, nếu VFV có tổ chức các giải quốc tế dành riêng cho các CLB trong nước thì chúng tôi nghĩ lúc ấy thuê cầu thủ ngoại vào đội hình mới ổn thỏa”.

Trong lúc đó, người có thời gian dài tìm hiểu tiến trình đào tạo trẻ của nhiều trung tâm bóng chuyền trong cả nước là HLV Huỳnh Thúc Phong (Sanest Khánh Hòa) lại bày tỏ: “Quan điểm của tôi là thuê cầu thủ ngoại và chỉ cho 1 cầu thủ ngoại vào sân là việc nên làm. Chúng ta thấy, cầu thủ ngoại cũng giúp các đội bóng phát triển hơn và qua đó cầu thủ Việt Nam học hỏi được đối thủ bên ngoài như thế nào. Nếu khi không có cầu thủ ngoại, rất có thể nhiều doanh nghiệp đang đầu tư trong bóng chuyền sẽ mất hứng thú để quảng bá thương hiệu và vô tình có thể họ sẽ rút nguồn tài chính đầu tư. Nên chăng, VFV cần ra những quy định chặt chẽ hơn trong việc thuê ngoại binh để tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay”.

Với đặc thù riêng, lãnh đạo 2 đội bóng quân đội là Thể Công và Sacombank Biên phòng đều bày tỏ quan điểm rất rõ ràng. Đội bóng Biên phòng cho điều quan trọng nhất là nếu VFV vẫn cho phép thuê cầu thủ ngoại như hiện tại, nên áp dụng luật như bóng đá, tức là chỉ quy định cụ thể thời gian cố định thuê cầu thủ, hết thời gian đó là chấm dứt để tránh tình trạng nhiều đơn vị do có tài chính nên “đi đêm” lôi kéo cầu thủ của đội khác.

HLV Phùng Công Hưng (Thể Công) thì cho biết: “Tôi cho việc thuê ngoại binh không phải không tốt, sẽ giúp cầu thủ nâng cao kỹ thuật. Tuy nhiên, nó lại không phản ánh đúng thực lực của đội bóng bởi có thể 1 đội yếu nhưng thuê được cầu thủ mạnh sẽ giúp toàn đội phụ thuộc vào tay đập này. Và như thế, đội bóng có tài chính sẽ chỉ tìm cách thuê cầu thủ chất lượng, mà không mặn mà đào tạo trẻ”.

Còn với ông Vũ Hồng Minh, đại diện của CLB Tràng An Ninh Bình thì: “Có cầu thủ ngoại sẽ giúp giải bóng chuyền Việt Nam thêm hấp dẫn và khán giả đông hơn. Chỉ có điều, VFV cần phải thể hiện trách nhiệm của mình khi đưa ra những quy định, cũng như có sự liên kết với các Liên đoàn bóng chuyền quốc gia khác để quy định mức giá chuyển nhượng VĐV, tránh tình trạng hiện tại tiền thuê VĐV ngoại quá cao khiến nhiều đội rất khó khăn để lo tài chính”.

Được biết, ý kiến tham khảo từ 24 đội bóng sẽ là vấn đề cốt yếu để VFV đưa ra bàn thảo và biểu quyết nhằm có những điều chỉnh thức thời vào Quy chế thi đấu cũng như Quy chế chuyển nhượng ở những cuộc họp Liên đoàn tới đây.

Wanchai (đập bóng) có mặt cùng ĐL.QK5 chỉ 2 giờ trước khi vòng 1 khởi tranh. Ảnh: Bách Nhật

Wanchai (đập bóng) có mặt cùng ĐL.QK5 chỉ 2 giờ trước khi vòng 1 khởi tranh. Ảnh: Bách Nhật

  • HỒI HỘP VỚI NGOẠI BINH

Ngoại binh thi đấu ra sao khi đến với các đội bóng Việt Nam? Đó luôn là điều được quan tâm hàng đầu từ giới chuyên môn. Nhìn mặt bằng chung năm nay, sự xuất hiện của những Wanchai (Đức Long QK5), Jirayu (Tràng An Ninh Bình), Wang Bin, Da Jia Rui (Sacombank Biên phòng), Kitsada, Miyamura Chunichi (Sanest Khánh Hòa), Shang Qingtao, Wang Chen (TĐDK), Shenqi (Quân đoàn 4), Urana (Thể Công) hay Somruk, Karina (Hà Nội BIDV), Em-Orn (VTV BĐ.LA)… là những cái tên mà giới chuyên môn muốn đánh giá khả năng nhất.

Để có sự phục vụ của ngoại binh Thái Lan Wanchai, Đức Long QK5 đã trả lương tay đập này không dưới 8.000 USD cho vòng 1. Nhưng ít ai biết, dù lương cao được tiền hô hậu ủng như vậy, nhưng ở trận đầu ra quân Đức Long QK5 thảm bại 1-3 trước S.Biên phòng. Wanchai chỉ kịp có mặt trước giờ khai mạc chừng 2 giờ, vì bận đi đánh thuê ở quốc gia khác, nên xong việc mới tới Việt Nam!? Biết là vậy, nhưng các đội bóng vẫn phải làm ngơ bởi đây là thời điểm cần người nên không còn cơ hội khác để lựa chọn.

Chung cảnh ngộ như Wanchai là Da Jia Rui, anh này cũng xuất hiện dưới sân nhưng chỉ đứng trong khu vực cầu thủ dự bị. Đó là vì Da Ji Rui có mặt ở Thái Nguyên chưa đầy 3 tiếng trước trận gặp Đức Long QK5 do còn bận chơi chung kết ở giải Đài Loan rồi vội vàng đáp máy bay qua Việt Nam. Đó là chưa kể, Urana dù nằm trong danh sách đăng ký của Thể Công, nhưng tréo ngoe ở chỗ tay đập Thái Lan chỉ có thể tới Việt Nam vào ngày 3-4, nghĩa là khi giải hết lượt trận thứ 3, do còn bận thi đấu ở nơi khác.

Còn rất nhiều trường hợp khác mà chúng tôi không tiện nói ra, nhưng nó không nằm ngoài quy luật: 1 đội bóng luôn phải chờ 1 cầu thủ.

NGUYỄN ĐÌNH


Giải bóng chuyền VĐQG 2011: Bức xúc với trọng tài

Lượt trận thứ tư, hôm qua 4-4, tại bảng B ở Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội) đã không suôn sẻ như mong đợi khi một sự cố đáng tiếc xảy ra trong trận tâm điểm Thể Công - Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Khi trận đấu ở ván thứ 3, trọng tài chính Hoàng Hà đã khiến các cầu thủ Thể Công ức chế tâm lý qua việc liên tiếp công nhận điểm số cho TĐDK ở các tình huống bóng đã chạm cột giới hạn lưới rồi rơi ngoài thảm mười mươi. Đỉnh điểm là việc ông Hà rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Hoàng Văn Phương (2, Thể Công) sau khi chủ công này phản ứng quyết liệt. Trên khán đài, nhiều tiếng la ó từ khán giả về phía trọng tài sau hành động trên. Kết thúc trận đấu, điều không hay xảy ra khi khán giả nán lại rất đông lên tiếng về phía ông Hà và Hoàng Văn Phương không giữ được bình tĩnh đã có lời lẽ khiếm nhã tới người cầm cân nảy mực.

Để vãn hồi trật tự, BTC nhà thi đấu Gia Lâm đã phải yêu cầu cảnh sát khu vực có mặt giải tỏa đám đông. Trong khi đó, HLV Nguyễn Mạnh Hùng (TĐDK) đã yêu cầu trọng tài cần có biện pháp trước hành động của cầu thủ Hoàng Văn Phương, còn HLV Phùng Công Hưng (Thể Công) tỏ ra rất bức xúc: “Chúng tôi rất bất bình trước cách điều hành của trọng tài như vậy”.

Chung cuộc, Thể Công thua TĐDK 0-3 (21/25, 19/25, 21/25). Ở trận quan trọng tại bảng B (Thái Nguyên), Sacombank Biên Phòng có thắng lợi nghẹt thở 3-2 trước Sanest Khánh Hòa.

Về nữ, ở bảng B, VTV Bình Điền Long An tiếp tục khẳng định ưu thế vượt trội khi có chiến thắng thứ 2 liên tiếp 3-0 (25/22, 25/19 và 25/18) trước Truyền hình Vĩnh Long. Ở bảng A, Ngân hàng Công Thương thắng Hà Nội BIDV 3-0.

MINH CHIẾN

Tin cùng chuyên mục