Bóng chuyền Việt Nam: Phải trẻ hóa ngay tức thì!

Bóng chuyền Việt Nam: Phải trẻ hóa ngay tức thì!

Trẻ hóa đội hình, cụ thể là dần thay thế VĐV kỳ cựu bằng VĐV trẻ có chuyên môn là vấn đề bức thiết đối với bóng chuyền. Cụ thể, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) biết điều đó nhưng việc thực hiện vẫn dang dở trong nhiều khâu. Cho dù, đội nữ giành HCB và đội nam đoạt HCĐ ở Myanmar nhưng nếu không có tuyến trẻ thay thế thì việc bảo vệ thành công ở các kỳ SEA Games sau là không dễ.

Bóng chuyền Việt Nam: Phải trẻ hóa ngay tức thì! ảnh 1

Tại SEA Games 27, “lão bà” Phạm Kim Huệ (trái-5) vẫn cặm cụi cống hiến cho bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: Dũng Phương

Đó mới chỉ là nhắm cho yêu cầu bảo vệ thành công thành tích hiện có. Còn muốn vươn hơn để tiến tới HCV ở cả nam, nữ thì các vật cản Thái Lan, Indonesia là bức tường quá cao so với chúng ta. Nhìn lại cuộc đấu ở SEA Games 27, vẫn như mọi năm ở giải nữ, Việt Nam và Thái Lan sớm khẳng định thuộc nhóm tranh chấp nhất – nhì.

Ở Đông Nam Á lúc này, chúng ta và Thái vẫn vượt trội mọi đối thủ còn lại. Bản thân HLV trưởng Phạm Văn Long trả lời báo giới mới đây cũng phải nhìn thấy, bóng chuyền nữ Việt Nam thua chóng vánh 0-3 trước Thái Lan ở chung kết do còn thiếu sự chuẩn bị. Thi đấu tại SEA Games, đội nữ vẫn tiếp tục dựa vào các “lão bà” như Phạm Thị Yến, Phạm Kim Huệ, Hà Thị Hoa. Đây là những tay đập từng góp mặt ở 5, 6 kỳ SEA Games trước. 5, 6 kỳ SEA Games sau, họ vẫn chịu cảnh HCB và thua Thái Lan.

Số VĐV trẻ của đội nữ có Âu Hồng Nhung, Bùi Thị Ngà, Hà Ngọc Diễm. Nhưng để bảo toàn chỉ tiêu huy chương, đội hình ra sân thường trực vẫn gồm các cựu binh. Âu, câu chuyện vẫn xoay vần ở tấm huy chương để đạt thành tích chứ đưa nhiều VĐV trẻ vào mà thua trận thì ai dám chịu trách nhiệm.

HLV Phạm Văn Long đã kết luận rằng một số VĐV đã không còn cống hiến được gì nhiều cho ĐTQG nên muốn có thêm VĐV mới thì phải thực hiện đào tạo sớm cũng như học hỏi cách thực hiện như Thái Lan.

o0o

Nếu nữ vẫn giữ được HCB mà chưa hết lo về lực lượng thì đội nam đạt HCĐ nhưng dấu hiệu gánh nặng tuổi tác là thấy rõ. Đội trưởng Nguyễn Hữu Hà cùng libero Nguyễn Xuân Thành là 2 cầu thủ cứng tuổi nhất (ngoài 30 tuổi) ở bóng chuyền nam tại SEA Games 27 vừa qua. Họ đấu đủ 4 trận của đội. So với nhóm các cầu thủ ở nội bộ đội tuyển thì cả Hà với Thành vẫn tròn vai, thi đấu tốt.

Nhưng so với các đối thủ trực tiếp là Indonesia và Thái Lan thì đã thua thiệt ở sự dẻo dai và sung sức rất nhiều. Việc Indonesia dù bị Việt Nam dẫn điểm (trong trận đấu loại vòng bảng) nhưng vẫn kết thúc bằng chiến thắng 3-2 cho thấy, cầu thủ của bạn không hề thiếu sự sắc sảo và tâm lý luôn ổn định. Hay Thái Lan với dàn cầu thủ trẻ có chiều cao tốt đã thắng dễ cả Việt Nam và Indonesia 3-0 thuyết phục.

Trở lại với vấn đề của đội nam, giành HCĐ là thành tích tốt hơn so với 2 kỳ SEA Games 25, 26 trước đó. Có thể thấy, khi cả đội hình bắt đầu có sự chững lại thì gương mặt mới Từ Thanh Thuận trở thành điểm sáng. Điều gì đó Thanh Thuận giống như thời điểm Ngô Văn Kiều xuất hiện khiến đội hình đối thủ bất ngờ và góp công lớn cùng ĐTQG giành HCB SEA Games 24-2007.

Còn lại, lần lượt Bùi Văn Hải, Đặng Vũ Bôn, Lê Quang Khánh, Giang Văn Đức không để lại nét đột phá mới ở năm nay. Vấn đề đòi hỏi cầu thủ trẻ, mới cần phải đưa nhiều vào đội hình thì BHL ở giai đoạn nào cũng biết.

Những cầu thủ của bóng chuyền nam dự SEA Games lần đầu tại Myanmar kỳ này có Vũ Hồng Quân, Nguyễn Văn Cao thì tuổi đời đã xấp xỉ 30. Nhưng chọn ai và lựa ai trong những cầu thủ thuộc 12 CLB thi đấu ở giải VĐQG. Con người không thiếu nhưng ai đủ trình độ hoặc phù hợp được với lối chơi của BHL sẽ lại là ít.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục