Bức bí nguồn nước trên đảo du lịch

Dù mới bước vào đợt nắng nóng nhưng một số nơi ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đang đối diện với nguy cơ khan hiếm nước sinh hoạt, nhất là tại hai đảo du lịch Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Áp lực từ du lịch
Bà Nguyễn Thị Trang, chủ của homestay Trang Vũ trên đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, tỉnh Quảng Nam) tỏ ra lo lắng khi những ngày qua nắng nóng vẫn không hề thuyên giảm. Điều này đồng nghĩa với việc điện, nước phục vụ khách của homestay bị ảnh hưởng.
“Nắng ráo khách ra đảo nhiều ai cũng vui, nhưng mà tình trạng này kéo dài thì nước non khổ lắm, thiếu hụt hoài”, bà Trang đau đáu. Bà Trang chỉ là một trong số khoảng 20 homestay trên đảo lo lắng về chuyện nước non mỗi khi vào mùa nắng nóng, khách du lịch gia tăng.
Với lượng du khách đến đảo gia tăng, dự báo nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt

Từ đầu năm tới nay, lượng nước trên đảo Cù Lao Chàm đang có dấu hiệu suy giảm. Đây là điều không mới nhưng vẫn gây nhiều âu lo cho hầu hết người dân nơi đây. Hiện tại, hơn 2400 dân cư trên đảo phụ thuộc vào bể nước 80 ngàn khối đặt tại Bãi Bìm (nước dự trữ này chủ yếu từ nguồn nước mưa và suối trên đảo).

Tuy nhiên, với lượng du khách đến đảo gia tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt là khó tránh khỏi. Dù chưa đến mùa cao điểm của du lịch nhưng chỉ qua 3 tháng đầu năm, khoảng 150 ngàn lượt khách đã đến đảo. Con số này còn chắc chắn tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới khi du lịch Cù Lao Chàm bước vào mùa đỉnh điểm, nhất là những ngày nghỉ lễ.

Bức bí nguồn nước trên đảo du lịch ảnh 2 Hầu hết du khách tham gia du lịch trên đảo Cù Lao Chàm đều tắm biển hoặc lặn ngắm san hô nên nhu cầu về tắm rửa nước ngọt rất lớn
Ông Mai Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp thừa nhận, tuy chưa đến mức khẩn cấp nhưng việc nguồn nước sụt giảm là đáng báo động, chưa kể việc khai thác nước ngầm của một số hộ kinh doanh tự phát không theo kế hoạch, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước quý giá này.
“Với tốc độ phát triển du lịch và các hoạt động kinh doanh trên đảo như hiện nay, địa phương cũng đã đề xuất thành phố nên mở rộng hồ chứa nước trên Bãi Bìm hoặc xây mới thêm bể nước nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì, còn phía xã thì khó thể làm gì”, ông Bảo cho biết.

Không chỉ Cù Lao Chàm, thiếu nước dường như đã trở thành vấn đề cấp bách ở nhiều  địa phương, nhất là những nơi có vị trí cách biệt. Tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đang đối diện với nguy cơ thiếu nước trầm trọng vì mạch nước ngầm bị xâm nhập mặn.

Do đặc điểm không có nguồn nước tự nhiên từ sông, suối nên hầu hết hoạt động sinh hoạt, sản xuất của khoảng 22.000 người dân đảo Lý Sơn phụ thuộc dường như hoàn toàn vào nguồn nước ngầm khai thác từ hơn 2 ngàn giếng nước nơi đây. Nóng hạn cũng đồng nghĩa các giếng nước khô cạn hoặc nhiễm mặn.

Khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, từ năm 2012 đến nay, mực nước ngầm ở đảo tụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, mực nước đo vào cuối 2017 tụt 5m so với năm 2012. Riêng năm 2018, mực nước tụt nhiều hơn 1m.

Ngoài nỗi lo thiếu nước sản xuất (đây cũng thời điểm nông dân Lý Sơn xuống giống hai vụ hành) thì nỗi lo nhất chính là nước sinh hoạt phục vụ du lịch.

Hiện toàn huyện đảo có hơn 100 nhà nghỉ, homestay và 7 khách sạn với hơn 700 phòng. Riêng 3 tháng đầu năm, gần 50.000 lượt khách tham quan du lịch đảo (gấp hơn 2 lần dẫn trên đảo), dự kiến trong 5 ngày nghỉ 30-4 và 1-5 có khoảng 3000 lượt khách sẽ ra đảo, nên vấn đề nước lại càng đáng lo ngại.

Bức bí nguồn nước trên đảo du lịch ảnh 3 Không có nguồn nước tự nhiên từ sông, suối nên hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân đảo Lý Sơn phụ thuộc vào nguồn nước ngầm khai thác từ giếng
Theo ông Lê Tấn Hải, Giám đốc Ban Quản lý Cảng Sa Kỳ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) hiện du khách đã đặt kín chỗ 20 chuyến tàu ra đảo Lý Sơn, mỗi chuyến khoảng 150 khách. Du lịch gia tăng, nguồn nước trên đảo chắc chắn sẽ bị áp lực.
Nan giải bài toán về nước

Trở lại câu chuyện thiếu nước trên đảo Cù Lao, ông Huỳnh Kim Ba, Giám đốc Công ty Du lịch Phú Lộc cho hay, hầu hết du khách tham gia du lịch trên đảo đều tắm biển hoặc lặn ngắm san hô nên nhu cầu về tắm rửa nước ngọt rất lớn.

Chưa kể, một số du khách không ý thức tiết kiệm nước nên đôi lúc tắm rửa vô tội vạ. “Thử hình dung bình quân mỗi khách chỉ cần sử dụng 3lít nước khi tham quan đảo thì số nước ngọt tiêu tốn thật khủng khiếp. Doanh nghiệp cũng có khuyến cáo khách nhưng cũng có người nghe, người không”, ông Ba nói.

Năm 2018, Cù Lao Chàm đón trên 420 ngàn lượt khách tham quan, lưu trú. Dự kiến, con số này sẽ không ngừng tăng cao qua các năm nếu thành phố không có giải pháp kiềm chế.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đáng lo nhất hiện nay là nguy cơ sụt giảm nước ngầm do hoạt động khai thác quá mức và không đúng kế hoạch.

“Tôi được biết, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đang xây dựng nhà máy xử lý nước trên đảo, còn với thành phố hiện vẫn chưa có dự án khai thác nào được triển khai nơi đây”, ông Hùng thừa nhận.

Bức bí nguồn nước trên đảo du lịch ảnh 4 Tàu chở nước ngọt từ đảo lớn sang đảo bé tại huyện đảo Lý Sơn
Có thể khẳng định, không chỉ nguồn nước mà tất cả tài nguyên trên đảo đều có giới hạn do vị trí cách biệt với bên ngoài. Vì vậy, ngoài sử dụng khoa học, tiết kiệm thì việc đánh giá trữ lượng, lập quy hoạch, kế hoạch khai thác bền vững cũng là điều nên tính tới, nhất là trước áp lực gia tăng dân số cơ học thông qua các hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thông tin, trước đây, Cty Dosnavina cũng đã tài trợ cho người dân đảo Bé xã An Bình hệ thống lọc nước ngọt trị giá 1 triệu USD, cung cấp 200m3 nước sinh hoạt mỗi ngày cho hơn 100 hộ dân tại xã. Tuy nhiên gần đây, một trong hai tổ máy lọc bị hư hỏng, mỗi ngày chỉ lọc được 15m3 nước gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.
“Huyện đang nghiên cứu đề xuất cấp trên giải pháp cấp nước ngọt bền vững cho đảo, nhất là bảo tồn mạch nước ngầm tự nhiên. Cụ thể, bên cạnh bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước ngầm, chúng tôi cũng đề xuất thêm 2 giải pháp công nghệ gồm đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt và lắp đặt hệ thống đưa nước ngọt từ đất liền vượt biển ra đảo. Trong đó, máy lọc nước biển thành nước ngọt, vốn đầu tư ban đầu không lớn, nhưng quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng khá tốn kém. Còn đầu tư hệ thống đường ống cấp nước từ đất liền ra, tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng vận hành ít tốn kém hơn. Huyện vẫn đang cân nhắc các phương án để bảo đảm đời sống lâu dài cho bà con trên đảo, đặc biệt là sự phát triển bền vững của đảo hiện nay và những năm tới”, ông Việt chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục