Bùng nổ M&A tại Việt Nam

Cuối năm 2013, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam sẽ sôi động hơn rất nhiều và Việt Nam đang trở thành điểm nóng, thu hút sự quan của các nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A sắp tới, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản, ASEAN. Đây là nhận định của các chuyên gia quốc tế đưa ra tại Diễn đàn thường niên về M&A Việt Nam 2013, tổ chức ngày 8-8, tại TPHCM.

Cuối năm 2013, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam sẽ sôi động hơn rất nhiều và Việt Nam đang trở thành điểm nóng, thu hút sự quan của các nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A sắp tới, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản, ASEAN. Đây là nhận định của các chuyên gia quốc tế đưa ra tại Diễn đàn thường niên về M&A Việt Nam 2013, tổ chức ngày 8-8, tại TPHCM.

Tính từ năm 2009 đến nay, sau 5 năm phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân M&A tại Việt Nam đạt 65%/năm, với tổng giá trị các thương vụ đạt 14,8 tỷ USD. Riêng trong năm 2012, giá trị các thương vụ tại thị trường Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, đạt 5 tỷ USD. Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng các giao dịch M&A vẫn diễn ra sôi nổi. Theo đánh giá của ông David Blackhall, Giám đốc Điều hành VinaCapital Real Estate, thành công này một phần nhờ sự cải tiến của chính sách kinh tế vĩ mô. So với thời điểm cách đây một năm, chính sách hiện nay tốt hơn.

"Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào cho hoạt động M&A, việc có một khung pháp lý cho vấn đề này thật sự cần thiết và việc này sẽ được các cơ quan bộ, ngành thúc đẩy làm nhanh trong thời gian tới"

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông

Hiện các ngành công nghiệp, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu… là những ngành hàng có giao dịch M&A nhiều trong năm qua và 6 tháng đầu năm 2013. Về số lượng nhà đầu tư, dẫn đầu là các nhà đầu tư Nhật Bản, tiếp đến là Singapore, Mỹ. Tính theo giá trị, nhà đầu tư Nhật Bản dẫn đầu, tiếp đến là Thái Lan, Indonesia. Ông David Blackhall nhận định, trong 2, 3 năm tới, phần lớn các thương vụ M&A tại Việt Nam sẽ đến từ ASEAN, Nhật Bản, hiện nay doanh nghiệp Philippines cũng khá quan tâm thị trường Việt Nam.

Ông John Ditty, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, thị trường M&A tại Việt Nam không chỉ diễn ra sôi nổi giữa các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước mà ngay chính các doanh nghiệp trong nước cũng có xu hướng M&A ngày một tăng. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp lớn, hoạt động quy mô ở trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Sam Yoshida, một hạn chế lớn làm tốc độ M&A giữa DN Nhật Bản với Việt Nam còn chậm là do phía doanh nghiệp Việt Nam chưa minh bạch, thiếu thông tin hồ sơ ngay trong giai đoạn đầu tìm hiểu hợp tác và định giá doanh nghiệp quá cao làm mất nhiều thời gian để thương lượng… Hiện nay, phần lớn các thương vụ M&A của doanh nghiệp Nhật Bản có giá trị khoảng 15 - 20 triệu USD. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, M&A là lĩnh vực khá sôi động đang rất nóng tại thị trường Việt Nam, do vậy rất cần một khung pháp lý riêng để thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục