Buôn lậu vẫn tung hoành, vì sao?

Cứ đến gần tết là tình hình buôn lậu lại nóng lên. Theo số liệu của các lực lượng chức năng thì hàng năm, lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. 
Cơ quan chức năng Quảng Trị giữ xe khách chở hàng lậu từ biên giới vào nội địa
Cơ quan chức năng Quảng Trị giữ xe khách chở hàng lậu từ biên giới vào nội địa

Cứ đến gần tết là tình hình buôn lậu lại nóng lên. Theo số liệu của các lực lượng chức năng thì hàng năm, lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Số liệu điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics cũng cho thấy, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á. Hàng lậu có thể giết chết bao người, làm hại nền kinh tế, mặc dù chúng ta có quá nhiều tổ chức chống buôn lậu, thế nhưng 1 tỷ bao thuốc lá (con số quá khổng lồ) đã vào Việt Nam bằng cách nào, sao không cán bộ nào bị xử lý?

Mới đây, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện, thu giữ 700.000 lít xăng dầu không rõ nguồn gốc được vận chuyển trên biển, đang “chảy” ra ngoài. Việc xăng dầu đang chảy qua biên giới đáng ra cần phải được kiểm tra từ lâu, thế nhưng không được chỉ đạo làm rõ.

Ở hầu hết các tỉnh giáp biên giới Campuchia, việc luôn lậu xăng dầu bằng đường tiểu ngạch qua biên giới đáng báo động, nhưng không cơ quan nào tham gia xử lý. Điển hình, ở Tây Ninh - một tỉnh biên giới nghèo, kinh tế chưa phát triển mạnh, lượng nhiên liệu cần cho sản xuất và cho giao thông không lớn nhưng vì sao nhà nhà mở cây xăng, ở các tuyến đường ngoại thành của tỉnh thì chỉ vài kilômet là có một cây xăng. Ngay tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám trong trung tâm thành phố Tây Ninh, chỉ dài vài cây số, mà cũng có đến 5 - 7 cây xăng. Mật độ xe cộ không đông, vậy tại sao cây xăng mọc lên như nấm, phục vụ ai mà các cây xăng này vẫn tồn tại và phát triển?

Các câu hỏi trên khiến người dân đặt vấn đề về công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Năm nào cứ đến cuối năm, chính các cơ quan có trách nhiệm phòng chống buôn lậu lại kêu ca buôn lậu tăng, khó kiểm soát. Trong khi cái người dân mong chờ là các cơ quan này phải chịu trách nhiệm khi để buôn lậu xảy ra, thay vì kêu ca. Đã đến lúc Chính phủ cần giao trách nhiệm quản lý địa bàn, phân rõ trách nhiệm cho các cơ quan như sở công thương, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế…

Nếu người dân phát hiện buôn lậu thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, chứ không thể như hiện nay, quá nhiều cơ quan có quyền quản lý, xử phạt, nhưng hàng lậu vẫn... tung hoành.

Tin cùng chuyên mục