Buông lỏng quản lý, cả trăm hecta rừng ở Quảng Nam bị tàn phá

Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ phá rừng quy mô lên đến cả trăm hecta xảy ra ở Tiểu khu 556, 557 thuộc khu vực rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam gây bức xúc trong dư luận.
>> Video clip rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị tàn phá 

Triệt hạ rừng để trồng keo

Sau 2 giờ đi bộ đường rừng, vượt qua con suối sâu chảy xiết, chúng tôi mới đến Tiểu khu 556, 557 thuộc rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh - nơi rừng bị triệt hạ. Dọc hai bên đường, la liệt những cây rừng bị đốn hạ nằm chỏng chơ. Những cánh rừng xanh trước đây chỉ còn lại những đồi trọc trơ trọi. 

Một diện tích lớn rừng Tiên Lãnh bị triệt hạ
Ông Dương Văn Tỵ, thành viên nhóm 16 người thuộc Đội Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh cho biết, khu vực này rất hiếm khi có ai vào, kể cả thành viên của đội Quản lý bảo vệ rừng. Ông Tỵ được giao quản lý 10ha rừng phòng hộ, đến nay, theo ông, "may mắn còn lại 9ha". Đó là nhờ thỉnh thoảng tháng một vài lần ông lặn lội vào kiểm tra.
Buông lỏng quản lý, cả trăm hecta rừng ở Quảng Nam bị tàn phá ảnh 2 Dấu tích của vụ phá rừng là nhiều gốc cây lớn với dấu cưa còn mới 
Theo ông Tỵ, có người nhận quản lý bảo vệ rừng nhưng chưa hề biết đất rừng mình quản lý ở đâu. Cứ đến tháng nhận tiền, rừng mất mặc kệ. Còn cán bộ huyện, xã thì không bao giờ thấy mặt. Chính vì vậy mà đối tượng phá rừng mặc sức tung hoành.
Buông lỏng quản lý, cả trăm hecta rừng ở Quảng Nam bị tàn phá ảnh 3 Một gốc cây có đường kính lớn bị cưa hạ 
"Khu vực này từ đây lên Nà Cau khoảng 20ha, không có người vô bảo vệ, nên dân vào phá không có ai cản. Chính quyền vừa mới bắt được một vụ. Kiểm lâm đã chuyển cho công an huyện làm hồ sơ. Trước nạn phá rừng như thế này, người dân đề nghị phải làm rõ sự việc để không còn nạn phá rừng", ông Dương Văn Tỵ cho biết. 
Vụ phá rừng mới nhất xảy ra tại Tiên Lãnh vừa bị bắt do ông Phùng Văn Bảy cầm đầu. Chính ông Bảy đã thuê người dân địa phương vào rừng phòng hộ chặt cây lấy gỗ, đồng thời “gom” đất để trồng keo.
Buông lỏng quản lý, cả trăm hecta rừng ở Quảng Nam bị tàn phá ảnh 4 Rừng bị triệt hạ nhưng... "không ai biết" 
Theo người dân địa phương, không chỉ có người dân xã Tiên Lãnh đi làm thuê cho các “ông chủ” phá rừng mà có cả người dân ở huyện Bắc Trà My. Thậm chí, các vụ phá rừng có sự tiếp tay của nguyên lãnh đạo huyện, xã.

Ông Trần Ngọc Sơn, Thôn trưởng Thôn 8, xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) cho biết, qua rất nhiều cuộc họp thôn, người dân nêu thẳng tên những người đứng đằng sau các vụ phá rừng và đề nghị xử lý, nhưng sau đó chẳng nghe động tĩnh gì. Còn cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thì... có cũng như không.

"Lâu lâu cán bộ lâm nghiệp cũng đi với kiểm lâm địa bàn, nhưng khi kiểm lâm đi là họ biết hết rồi. Có khi ban đêm cũng đi, nhưng đi lên rồi về không. Người dân rất bức xúc về vấn đề một chủ mà có vài ba chục hecta, đó là do có người có quyền, có tiền, có thế lực đứng phía sau", ông Trần Ngọc Sơn cho biết. 

Buông lỏng quản lý, cả trăm hecta rừng ở Quảng Nam bị tàn phá ảnh 5 Rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị tàn phá để trồng keo 
Cần xử lý nghiêm

Xã Tiên Lãnh nằm cách trung tâm huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam khoảng 30km. Khu vực xảy ra phá rừng nằm giáp ranh với huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức,... đường sá đi lại rất khó khăn.

Ông Hường Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ phá gần 110ha rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh là do buông lỏng quản lý. Hạt Kiểm lâm huyện sau khi trực thuộc Chi Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương. Lãnh đạo huyện không thể chỉ đạo lực lượng này như trước. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã gần như thả lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng.
Nhiều cây gỗ lớn nằm chỏng chơ giữa rừng 
Theo ông Hường Minh, từ năm 2011 đến nay, sau khi có quyết định điều chỉnh 3 loại rừng thì huyện chuyển gần 40ha rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 556 và 557 ở xã Tiên Lãnh sang rừng sản xuất, trong đó có 21ha rừng đã đưa vào khoanh nuôi, giao khoán cho các hộ dân nhưng vẫn bị chặt phá.

"Dân Tiên Phước chúng tôi đông so với các huyện miền núi khác của tỉnh, khoảng 80.000 người, diện tích rừng là 45.000ha. Trong đó rừng phòng hộ gần 2.600ha. Những cán bộ, một là khi nghỉ hưu rồi có được ít tiền là mua rừng nhưng rừng chừ sang nhượng khó nên nhờ người phá trồng keo rồi sau đó bán lại lấy tiền", ông Hường Minh cho biết. 

Điều nghịch lý hiện nay là các vụ phá rừng liên tiếp xảy ra, nhiều vụ cơ quan chức năng khởi tố vụ án nhưng không khởi tố bị can vì... không bắt được đối tượng. Trong 2 năm 2013, 2014, các ngành chức năng đã khởi tố 5 vụ án phá rừng; năm 2015 khởi tố 8 vụ; năm 2016 khởi tố 11 vụ và 8 tháng của năm 2017 khởi tố 4 vụ án. Tuy nhiên, do không bắt được đối tượng nên các vụ án khởi tố xong rồi... để đó.

Rừng bị cạo trọc 
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Sắp đến, cơ quan kiểm lâm và Công an tỉnh chắc chắn sẽ làm rõ vấn đề này. Ai đứng sau các vụ phá rừng, có hay không chúng tôi sẽ trả lời. Hiện nay lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã có mặt tại hiện trường, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh vấn đề này". 

Sau hơn 1 năm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đóng cửa rừng, nhiều cánh rừng ở miền Trung vẫn bị triệt hạ với số lượng lớn.

Ở Quảng Nam, năm 2016 xảy ra vụ phá rừng pơmu ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào, thuộc địa bàn huyện Nam Giang và đến nay là vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh.

Đối với vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả vụ việc.

Tin cùng chuyên mục