Buông lỏng thanh tra đất lâm trường

Việc UBND một số địa phương chưa triển khai quyết liệt thu nộp tiền thuê đất của các công ty nông, lâm nghiệp là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho các công ty nông, lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai, cố tình giữ lại đất đai...

Ngày 25-9, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH 13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Các ý kiến tại hội thảo nhìn nhận, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo kết quả giám sát, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng và triển khai thực hiện đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, nhưng không thuộc diện đổi mới, sắp xếp phát triển theo Nghị định 118 (về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp) để tổ chức thực hiện nghiêm túc đề án trong giai đoạn 2016-2020.

Còn 74,12% (tương ứng với diện tích 6.813.511ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường) chưa được xây dựng đề án để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất.

Đáng chú ý, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp chậm được thực hiện, kết quả đạt thấp so với yêu cầu của Nghị quyết 112 của Quốc hội.

Buông lỏng thanh tra đất lâm trường ảnh 1 Phiên họp của Hội đồng Dân tộc. Ảnh: quochoi.vn
Cả nước chỉ mới cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kết quả đo đạc của địa chính được 1.666 hồ sơ/9.862 hồ sơ, đạt 16,9%. Mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất.

Tại hội thảo, đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nhận định, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc còn kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, chưa được thường xuyên, triệt để, kịp thời, có nơi, có việc có biểu hiện buông lỏng.

“Việc UBND một số địa phương chưa triển khai quyết liệt thu nộp tiền thuê đất của các công ty nông, lâm nghiệp là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho các công ty nông, lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai, cố tình giữ lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế, để đất đai bị xâm lấn, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái pháp luật, giao khoán, phát canh thu tô”, đại biểu Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

Cần tạo điều kiện cho  người dân đảm bảo cuộc sống

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường), để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh, cần tăng cường sự giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, chấp hành chính sách đất đai đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường, đặc biệt chú trọng giải quyết những vụ việc tồn đọng, ngăn ngừa và xử lý những vụ việc phát sinh mới.

Về lâu dài, người dân địa phương cần có thu nhập và việc làm thường xuyên để bảo đảm cuộc sống.

Ông Chiến lý giải, nhu cầu về đất sản xuất cũng chính là nhu cầu về việc làm và thu nhập: “Nếu giải quyết được vấn đề việc làm và thu nhập bằng cách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… để tạo việc làm cho người dân địa phương thì sẽ giảm được áp lực về nhu cầu đất đai cũng như những tranh chấp, khiếu kiện đòi lại đất, lấn chiếm, phá rừng làm rẫy của người dân”.

Từ thực tế quản lý địa bàn, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai đề án đo đạc lập bản đồ địa chính nhằm rà soát, xử lý tình trạng tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường; sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về chế tài xử phạt vi phạm hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư, kể cả các công ty lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư nhưng buông lỏng quản lý để đất đai bị lấn chiếm, chặt phá rừng.

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng), cho rằng cần có chính sách quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục phổ thông; đồng thời xây dựng hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng.

Cần thiết kế những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, thu hút nhiều lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời nâng cao dân trí, nhận thức cho bà con để họ không bị bỏ lại phía sau xa hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0…

Tin cùng chuyên mục