Buýt sông chủ yếu phục vụ… du khách

Mới đưa vào hoạt động được vài tháng, nhưng buýt đường sông tại TPHCM đã thu hút nhiều hành khách sử dụng. Tuy nhiên, hành khách chủ yếu của buýt đường sông hiện nay là khách đi… ngắm cảnh thành phố.
Buýt đường sông thu hút chủ yếu là du khách
Buýt đường sông thu hút chủ yếu là du khách

Du khách thích…

Cuối tháng 11-2017, TPHCM chính thức đưa vào hoạt động phương tiện buýt đường sông tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), thu hút tương đối đông người dân sử dụng nhưng phần lớn đều là du khách hiếu kỳ tìm đến trải nghiệm, tham quan trên sông, còn đối tượng phục vụ chính như người đi học, đi làm việc… rất hiếm. 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, vào những ngày cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật), nếu không đặt mua vé trước vài ngày, hành khách sẽ không có cơ hội đi buýt sông. Đang ngồi thưởng thức cà phê cùng gia đình bên trong ga Bạch Đằng để chờ đến giờ lên tàu, chị Hồ Thị Nga (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Lần đầu tiên, thành phố có buýt sông nên tôi và gia đình hào hứng đi để trải nghiệm, ngắm cảnh sông nước và các khu đô thị sầm uất 2 bên bờ sông Sài Gòn. Tuần trước đó, gia đình tôi đã tính đi nhưng hết vé nên phải mua vé trước cho tuần này”. Anh Đỗ Quang Tùng (quận 10) vừa trải nghiệm xong chuyến buýt sông, phấn khởi nói đi tàu vừa mát vừa lịch sự. Lần sau, nếu có bạn bè từ tỉnh về TPHCM, tôi sẽ dẫn họ đi trải nghiệm buýt sông.

Còn theo hướng dẫn viên du lịch Lê Kim Hoa, buýt sông ra đời giúp các công ty lữ hành có thêm địa điểm đưa du khách tham quan. Tàu vừa sạch vừa đẹp, có quầy nước, hưởng không khí trong lành … mà giá cả rất rẻ. Nếu như năm ngoái, thuê một tàu chở khoảng 15 khách phải trả hơn 3 triệu đồng, thì nay chỉ tốn 15.000 đồng/vé. Tàu có thể chở gần 60 khách nên tính ra giá thành rất rẻ. Đồng thời, quãng thời gian vận hành rất hợp lý, trung bình khoảng 1 giờ sẽ có tàu xuất bến. 

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi vào những ngày còn lại trong tuần, tuyến buýt sông chỉ lác đác hành khách, thậm chí vào giờ cao điểm cũng rất ít. Theo anh Sang (ngụ quận Thủ Đức): “Công ty của tôi trên đường Tôn Đức Thắng nên tôi sử dụng buýt sông đi làm. Thế nhưng, đi vài lần thì cảm thấy như qua sông phải lụy đò, có lần đi làm về phải chờ hơn 1 giờ mới có vé về. Đã thế, điểm đón xe buýt lại chưa tiếp cận được với bến sông ở phường Linh Đông nên tôi phải bộ hành một quãng đường xa để về nhà. Bất cập nữa, tổng chi phí đi lại vẫn quá cao. Nếu sử dụng phương tiện công cộng, trung bình một ngày tôi tốn khoảng 12.000 đồng cho 2 lượt xe buýt đường bộ và 30.000 đồng 2 lượt buýt đường thủy nên tính ra, đi xe máy vẫn rẻ và tiện hơn”.

Hiện trên tuyến xe buýt sông số 1 mới chỉ có 5 bến hoạt động, các bến còn lại vẫn chưa được xây dựng. Đã vậy, theo nhiều hành khách phản ánh, khi vắng khách tàu không bật máy lạnh.

Nghiên cứu kết nối đồng bộ

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - nhà đầu tư, bản chất buýt sông là phương tiện vận chuyển hành khách, người dân có thể dùng vào mục đích đi làm việc, đi học, đi chơi... Về những góp ý của người dân, công ty sẽ cố gắng hoàn thiện hơn. Hiện các bến sông còn lại của tuyến số 1 vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện. Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đường thủy (Sở GTVT TPHCM), đánh giá TPHCM có 112 tuyến sông, kênh rạch với 1.000km đường sông bao quanh nên việc phát triển mô hình buýt sông sẽ góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phát triển du lịch, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên đường bộ. Buýt đường sông vừa đưa vào hoạt động đã góp phần phục vụ khách du lịch. Hiện các tuyến xe buýt đường bộ cơ bản đã kết nối đến tận bến buýt sông. Chỉ có bến Linh Đông do đường kết nối nhỏ nên xe buýt chưa vào tới. Theo kế hoạch, trong quý 3-2018, sẽ hoàn tất việc xây dựng các bến của tuyến buýt đường sông số 1. 

Theo nhiều chuyên gia giao thông, để buýt sông phục vụ được nhu cầu đi lại của đông đảo đối tượng hành khách cần có kết hợp đồng bộ hơn nữa giữa buýt đường sông với buýt đường bộ. Khi khách vừa xuống buýt sông là có buýt đường bộ đi tiếp chặng khác và ngược lại; đồng thời, giá cả cũng phải hợp lý. Còn theo quan điểm của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cách thiết kế buýt đường sông hiện nay như tàu du lịch là rất hay, giúp thu hút nhiều đối tượng sử dụng. Để thu hút thêm hành khách, thành phố cần bố trí bến bãi phù hợp hoặc có đường kết nối đến tận nơi có nhu cầu đi lại lớn như khu dân cư, chung cư, trung tâm thương mại, khu làm việc cao tầng. Quan trọng nhất là đối tượng sử dụng đi làm, đi học thường xuyên phải có hình thức bán vé tháng, vé năm như buýt đường bộ và tổ chức chạy liên tục giờ cao điểm…

Tin cùng chuyên mục