Cả châu lục gói gọn trong căn bếp của Singapore

Hoàng hôn đang xuống. Trong căn hộ nhỏ, bầu không khí ấm thơm mùi gia vị tỏa ra từ nồi cơm dừa đang sôi trên bếp. Trên bàn ăn, con gà đã được tẩm ướp kỹ đợi cho vào lò. Cô gái nhỏ ngồi trên ghế, nhìn chăm chú vào chiếc chảo đủ loại rau củ đang chín tới trên bếp.

Đó là buổi chiều bình thường nhất của một gia đình ở Singapore. Mọi người sẽ tập trung ở nhà vào lúc chiều tà, ngồi trong phòng khách chờ đợi và sau đó là giây phút quây quần quanh bàn ăn, chuyện trò rôm rả quanh những tô cơm nóng hổi và các món ăn ngon miệng, rồi kết thúc bữa tối với một chén đồ ngọt.

Cả châu lục gói gọn trong căn bếp của Singapore ảnh 1 Món Nasi Lemak
Ẩm thực không còn là chuyện của lớp người cao tuổi. Thế hệ trẻ khi lớn lên bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về nguồn gốc thực phẩm. Ai cũng biết, Singapore tạo ra rất ít sản phẩm tiêu thụ tại địa phương. Vậy tất cả thực phẩm này đến từ đâu?

Theo CNA, Singapore nằm trong cái nôi của Đông Nam Á. Vị giác của người dân đất nước này từ lâu quen với những hương vị khác biệt và đa dạng. Thực tế, phần lớn họ không biết được rằng, có một phần không nhỏ trong văn hóa ẩm thực của họ xuất phát từ các quốc gia láng giềng.

Đông Nam Á vốn là khu vực phát triển nông nghiệp mạnh mẽ và đa dạng. Trong một căn bếp được trang bị đầy đủ ở Singapore, người ta có thể tìm thấy nhiều nguyên liệu thiết yếu đến từ các quốc gia ASEAN. 

Malaysia thường được coi là nước xuất khẩu chính các sản phẩm sang Singapore, bao gồm: thịt, hải sản, gia vị, trái cây và rau quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy gạo Jasmine từ Thái Lan, khoai lang và cà phê từ Việt Nam, xoài từ Myanmar và Philippines và thậm chí là Kolo Mee từ Brunei. Ví dụ, trong một món mì đơn giản nhất cũng có gà từ Malaysia, rau cải hữu cơ từ Thái Lan và gia vị từ Indonesia. Hay như một món ăn địa phương được ưa thích khác là cơm chiên, hầu hết các nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước láng giềng: gạo từ Thái Lan, trứng từ Malaysia, đậu Hà Lan từ Việt Nam, cà rốt từ Philippines, tỏi và hành lá từ Indonesia và tôm từ Brunei. 

Sự hiện diện của cả Đông Nam Á trong một căn bếp cũng phần nào thể hiện lợi ích sâu rộng của việc tăng cường thương mại trong khu vực còn thiên về sản xuất nông nghiệp. Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam nằm trong số 10 nhà xuất khẩu thực phẩm hàng đầu vào Singapore. Đặc biệt, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu sang Singapore, chiếm 62% tổng lượng gạo nhập khẩu.

Cả châu lục gói gọn trong căn bếp của Singapore ảnh 2 Món Kueh
Một số sáng kiến ASEAN đã được đưa ra để tăng cường tính bền vững của nhập khẩu thực phẩm vào Singapore, bao gồm: Khung an ninh lương thực tích hợp ASEAN (AIFS), tạo môi trường thuận lợi cho các nước thành viên ASEAN hoạt động và hợp tác trong nhiều khía cạnh liên quan đến sản xuất lương thực, chế biến và thương mại. Với mối đe dọa ngày càng thực tế của biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt và nhiều loại thiên tai khác, việc Singapore hợp tác với các nước ASEAN để tăng cường an ninh lương thực khu vực, bao gồm thúc đẩy thương mại thị trường thực phẩm, đổi mới nông nghiệp và sắp xếp khẩn cấp an ninh lương thực được đánh giá là rất quan trọng.

Một thành tựu đáng chú ý trong khía cạnh này là dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN Plus Three được thành lập vào năm 2013. Với sự đóng góp tự nguyện từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, quỹ dự trữ này cung cấp gạo cho các nước bị ảnh hưởng từ thảm họa, đặc biệt là trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Nhà nghiên cứu Cheryl Teh nhận định khi nói về ẩm thực, ASEAN luôn hiện diện trong căn bếp của người Singapore, cũng như Singapore hiện diện trong lòng ASEAN. Sự kết nối ẩm thực góp phần làm nổi bật sự gắn kết giữa Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tin cùng chuyên mục