Cà Mau: Lỏng lẻo quản lý đất công, khó khăn xử lý hậu quả

Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) nằm bên cửa biển nhộn nhịp và sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau. Do quản lý đất công còn lỏng lẻo, việc xử lý vi phạm chưa đến nơi đến chốn nên hậu quả để lại vô cùng phức tạp.

Bỏ quên” quản lý đất công nông trường

Nông trường Sông Đốc (nằm trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) là một trong những nông trường quốc doanh có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau với diện tích trên 1.338 ha. Sau khi nông trường này giải thể vào năm 2004, UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định số 29 (ngày 11-5-2005) giao cho UBND thị trấn Sông Đốc quản lý để lập thủ tục trình cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê theo quy định.

Khu đất  40 ha Nông trường Sông Đốc bị “quên” quản lý trong thời gian dài nay bị sử dụng sai mục đích 

Theo hồ sơ, vào năm 2003, lãnh đạo Nông trường Sông Đốc có hợp đồng kinh tế với 7 hộ dân (trong đó có cán bộ, nhân viên của nông trường) thuê Khu đất thực nghiệm gồm: ông Vũ Minh Thông, Nguyễn Ngọc Ánh, Võ Văn Nam, Đồng Quốc Khải, Trần Suy Nghĩ, Trần Phước Vạn và ông Đinh Văn Toản. Thời hạn thuê là một năm, có nghĩa đến năm 2004 thì hết hạng thuê.

Tuy nhiên, khi Nông trường Sông Đốc giải thể, UBND thị trấn Sông Đốc lại “quên” quản lý Khu đất thực nghiệm (diện tích 40 ha) nên 7 hộ dân tiếp tục canh tác.. miễn phí. Bất ngờ, đến năm 2014, 6/7 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (loại đất nuôi trồng thủy sản), mỗi hộ được cấp từ 2,3 ha đến 3 ha.

Sau khi được cấp thì một số hộ tiến hành sang lấp mặt bằng, phân lô sang bán, xây dựng nhà trái phép, trái với mục đích sử dụng đất và thu lợi hàng tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, các hộ dân này còn lấn chiếm đất hành lang bảo lưu ven sông. Và điều khó hiểu là khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư khóm 9 (thị trấn Sông Đốc), UBND huyện Trần Văn Thời tiến hành thu hồi 32.982 m2 đất Khu thực nghiệm nhưng lại “hỗ trợ” cho ông Toản với số tiền trên 2,1 tỷ đồng (hiện ông Toản đã nhận 1,7 tỷ đồng, còn lại 400 triệu đồng chưa nhận).

Là người đã từng công tác tại Nông trường Sông Đốc, ông Ninh Cao Phu (khóm 10, thị trấn Sông Đốc) rất bất trước những khuất tất ở Khu đất thực nghiệm. Ông Phu trình bày: “Khi nông trương giải thể thì những hộ dân có hợp đồng giao khoán mới đủ điều kiện được cấp theo Nghị định 181/2004 của Chính phủ (nay là Nghị định 43/2014). Trong khi đó, 6/7 hộ được cấp đất công ở Khu đất thực nghiệm thì hợp đồng kinh tế đã… hết hiệu lực. Khu đất thực nghiệm xét về bản chất là đất công nhưng không được quản lý đúng quy định để các hộ này sử dụng “miễn phí” thời gian dài gây thất thoát cho ngân sách”.

Cũng theo ông Phu, điều khó hiểu là trong số hộ được cấp đất có hộ ông Đồng Quốc Khải đã chuyển hộ khẩu về Bình Dương năm 2006, trong khi đó đối tượng được cấp đất phải có hộ khẩu tại địa phương. 6/7 hộ dân được cấp đất cũng cao hơn mức bình quân chung đối với những hộ dân nhận khoán tại nông trường…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, thừa nhận việc cấp đất cho 6/7 hộ dân Khu đất thực nghiệm 40 ha “chưa đúng quy trình”: không lập phương án vẫn cấp đất. Còn khi cấp đất, các hộ dân tự ý sang lấp mặt bằng, sử dụng đất sai mục đích đã qua UBND thị trấn Sông Đốc có xử lý nhưng chưa làm đến nơi đến chốn. “UBND huyện cho thành lập tổ xác minh tố cáo những nội dung xunh quanh Khu đất thực nghiệm của Nông trường Sông Đốc và hiện đã làm xong. Tuy nhiên, do vụ việc tương đối phức tạp nên có xin ý kiến chỉ đạo Huyện ủy, xem có thành lập đoàn thanh tra hay không đối với việc sử dụng đất không đúng mục đích. Tới đây, UBND huyện sẽ họp thống nhất kết luận vấn đề này”, ông Lê Phong nói.

Khó cưỡng chế vì sợ tạo “điểm nóng”

Tại thị trấn Sông Đốc, khu đất trên 7.580m2 cặp với tuyến đường Tắc Thủ- Sông Đốc cho ông Lê Thanh Tiền thuê còn khó xử lý hơn nhiều Khu dất thực nghiệm Nông trường Sông Đốc. Phần đất này cho ông Tiền thuê vào 2012, thời hạn cho thuê là 4 năm. Tuy nhiên, trong quá trình thuê ông Tiền sử dụng không đúng mục đích: cho thuê lại (vào thời điểm thuê có người là người nhà của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc và người thân của Phòng TN-MT huyện Trần Văn Thời).

Nhiều căn nhà xây dựng trái phép trên khu đất ông Lê Thanh Tiền đến nay chưa được xử lý dứt điểm

Phát hiện ông Tiền thuê sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại trái phép nên hết thời hạn (tháng 4-2016), UBND huyện Trần Văn Thời tiến hành thu hồi và yêu cầu ông Tiền và các hộ dân phải có trách nhiệm tháo dỡ nhà xây dựng trái phép, trả lại lại đất cho Nhà nước.

Tuy nhiên, đã hơn hai năm ông Tiền và các hộ dân vẫn không thực hiện. Nói về việc xử lý này, ông Lê Phong thừa nhận: “Xung quanh xử lý đất cho ông Tiền thuê vô cùng phức tạp. Trong quá trình cho thuê thì ông Tiền cho thuê lại. Sau đó người thuê tự xây dựng nhà trái phép, thậm chí sang bán lại. Đến thời điểm thu hồi đất thì có 25 căn nhà. UBNĐ huyện đã 3 lần có văn bản yêu cầu thực hiện tháo dỡ nhà nhưng ông Tiền và các hộ dân vẫn không chấp hành. Sau đó, huyện ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện nhận định tình hình tháo dỡ 25 căn nhà sẽ tạo thành “điểm nóng” nên dừng lại cho đến nay”.

Cũng theo ông Lê Phong qua xem xét thấy vụ việc có dấu hiệu của tội phạm nên chuyển sang Cơ quan CSĐT. Sau khi cơ quan CSĐT kết luận và chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát cùng cấp nhưng chưa được phê chuẩn quyết định khởi tố vì còn một số điểm cần làm rõ. “Tới đây, chúng tôi xin ý kiến Ban Nội chính Tỉnh ủy Cà Mau để đơn vị này họp khối nội chính tỉnh tìm hướng xử lý cho phù hợp. Cố gắng xử lý dứt điểm “điểm nóng” này chứ không để kéo dài”, ông Lê Phong nói.

Tin cùng chuyên mục