Ca sĩ Anh Thơ: Khán giả là chất men tuyệt vời nhất

Trong khi nhiều chương trình ca nhạc phải lùi lịch diễn hoặc hoãn vô thời hạn thì liveshow Tình ta biển bạc đồng xanh của hai ca sĩ Trọng Tấn - Anh Thơ lại rơi vào tình trạng “cháy vé” trước đêm diễn. Toàn bộ ghế trong khán phòng chật kín cho thấy tình cảm của khán giả dành cho “cặp đôi” vàng của dòng nhạc cách mạng. Riêng đối với ca sĩ Anh Thơ vượt lên tất thảy, chính sự nồng nhiệt của khán giả là chất men tuyệt vời dành tặng cho người nghệ sĩ.
Ca sĩ Anh Thơ: Khán giả là chất men tuyệt vời nhất

Trong khi nhiều chương trình ca nhạc phải lùi lịch diễn hoặc hoãn vô thời hạn thì liveshow Tình ta biển bạc đồng xanh của hai ca sĩ Trọng Tấn - Anh Thơ lại rơi vào tình trạng “cháy vé” trước đêm diễn. Toàn bộ ghế trong khán phòng chật kín cho thấy tình cảm của khán giả dành cho “cặp đôi” vàng của dòng nhạc cách mạng. Riêng đối với ca sĩ Anh Thơ vượt lên tất thảy, chính sự nồng nhiệt của khán giả là chất men tuyệt vời dành tặng cho người nghệ sĩ.

Ca sĩ Anh Thơ trong một chương trình nghệ thuật.

Ca sĩ Anh Thơ trong một chương trình nghệ thuật.

- Phóng viên: Thời điểm này liệu có phải là hơi muộn khi tổ chức liveshow đầu tiên?

>> Ca sĩ ANH THƠ: Phải đến độ của nó thì mới làm, mình phải biết mình đang ở đâu. Hiện nay, cả Anh Thơ và Trọng Tấn đều đã ở độ chín, về trải nghiệm cuộc sống, về giọng hát, sức khỏe, độ đằm, và khán giả của riêng mình thì cũng phải đến giờ cũng là hợp lý. Nếu đợi đến 45 - 50 tuổi mới làm show thì muộn quá, lúc đó người béo phì, giọng run run, không hát được nữa thì làm làm gì nữa.

- Tên tuổi của Anh Thơ gắn liền với những ca khúc Xa khơi, Tình ta biển bạc đồng xanh…, vậy khi ra mắt khán giả lần này, chị sẽ mang tới điều gì mới mẻ?

Điểm mấu chốt của đêm diễn sẽ vẫn là âm nhạc. Trong liveshow này, Anh Thơ thể hiện những ca khúc quen thuộc như Khúc hát sông quê, Người đi xây hồ Kẻ gỗ, Em yêu anh như câu ví dặm, Xa khơi… Nếu bây giờ có dựng lại thì sẽ chỉ có một chút nhạc, phảng phất, còn chủ yếu vẫn là giọng hát.

- Ở nước ngoài, trước mỗi liveshow lớn các ca sĩ đều đầu tư một khoảng thời gian luyện thanh rất nghiêm túc. Còn Anh Thơ, chị có bí quyết gì để thể hiện tốt hàng loạt các ca khúc được xếp vào dạng “khó nhằn”?

Tôi không có chế độ ăn uống gì đặc biệt vì mình vẫn uống nước đá, ăn kem lạnh bình thường. Song, may mắn là mình lại là giáo viên âm nhạc nên việc luyện thanh thường xuyên giúp tôi có chất giọng khỏe và ít mệt hơn.

- Người ta bán tín bán nghi về việc Anh Thơ luôn từ chối các lời mời hát tiệc?

Tôi không phải là người khó tính, đòi hỏi phải sân khấu sang trọng. Nhiều lần đi diễn ở các tỉnh, ở vùng sâu, vùng xa, nơi đó đến ghế cũng không đủ, khán giả phải ngồi bệt xuống dưới đất nhưng vẫn lắng nghe chăm chú và tôi rất trọng cái tình của mọi người dành cho mình mà hát say hơn, thăng hoa hơn. Nhưng ở bàn tiệc quan trọng nhất là mọi người được vui vẻ. Trên bàn tiệc thì ồn ã, có người thích nghe, có người không, đâu phải ai cũng thích nghe mình hát đâu. Vì thế tâm trạng của tôi thế nào ấy, rất tủi thân, không hát được. Mọi người cũng dễ thông cảm và tôi thì luôn có cách khéo để mọi người thông cảm với mình.

- Có khi nào vì người tổ chức tiệc trả rất nhiều tiền đến độ chị thay đổi và có trường hợp ngoại lệ?

Tôi nói rất chân tình với người ta và mọi người sẽ hiểu mình. Hơn nữa, tiền thì biết thế nào là nhiều, thế nào cho đủ, mà tôi cũng đâu có tiêu nhiều tiền. Tôi là một người bình thường, hàng ngày sống giản dị, không đòi hỏi quá nhiều về vật chất nên mong khán giả thông cảm cho tôi. Có nhiều khán giả yêu cầu mời tôi đến đám cưới, không hát cũng được, chỉ dự thôi, nhưng tôi cũng thấy như thế là không ổn, vì nó không đúng vai trò của tôi. Tôi là một ca sĩ, tôi phải được hát, phải có khán giả nghe thật sự chứ đến mà không đúng như thế thì tôi không làm được.

- Về dòng nhạc cách mạng mà chị đang đeo đuổi, hiện nay có rất nhiều ca sĩ thế hệ đàn em cũng hát rất giống Anh Thơ, chị nghĩ thế nào về điều này?

Tôi vừa là một ca sĩ, vừa là một nhà giáo dạy ở Học viện Âm nhạc, kể cả học trò tôi dạy trực tiếp cũng không bao giờ tôi hướng các em hát giống như mình. Đầu tiên tôi dạy các em kỹ năng, kỹ thuật cần phải có nhưng khi ra ngoài đời, thể hiện từng bài hát như thế nào thì phải tùy thuộc vào từng tâm hồn, từng tình cảm của mỗi người, bởi đó là tài năng của các em. Thật ra, không phải học sinh của tôi bắt chước tôi mà lại là học sinh của người khác nữa. Có lẽ, vì các em nghĩ cô Anh Thơ là một cái gì đó nhìn vào để học, cứ làm được giống cô là tốt rồi. Nhiều em chọn bài hát giống hệt, làm nhạc giống hệt Anh Thơ. Tôi nghĩ rằng như vậy cũng không tốt, phải có sân khấu chuyên nghiệp để định hướng các em.

- Dường như chưa thỏa mãn với dòng nhạc này, gần đây đang rộ lên thông tin về việc Anh Thơ lấn sân sang nhạc “sến”?

Đúng là tôi và ca sĩ Hồ Quang Tám, anh họ tôi, chuẩn bị ra một album chung. Đó là những bài hát rất hay, cả về ca từ và giai điệu. Tôi chỉ chọn những bài nhẹ nhàng, không quá sầu bi, như Biển tình, Đường xưa lối cũ, Ai khổ vì ai… Thật ra, nhiều ca sĩ khác đã hát ca khúc đó với một phong cách quá sầu thảm, nhưng tôi không hát thế, tôi hát đúng như những gì mình cảm nhận và có thể sẽ có những khán giả ủng hộ cách hát đó. Nhưng đây cũng chỉ là cuộc dạo chơi chứ không phải là bước ngoặt hay lấn sân, vì tôi rất biết sở trường của mình là gì. Tháng 11 này, tôi sẽ ra mắt 2 CD nhạc tiền chiến, chọn những bài rất hay như Giọt mưa thu, Đêm đông, Con thuyền không bến, Hướng về Hà Nội… Album này tôi đã chuẩn bị từ năm ngoái và đó mới thật là con đường của Anh Thơ.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục