Cá tính hay lố lăng

Để thể hiện phong cách bản thân cũng như khẳng định mình “không nhạt”, “không thiếu muối” nhiều bạn trẻ sẵn sàng thể hiện qua trang phục, ăn nói… một cách quá trớn ở những buổi tiệc, chốn công cộng, chương trình thực tế… Không ít câu chuyện dở khóc dở cười bắt đầu từ đây và trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.

Vừa nhận 2 thiệp mời đám cưới, Trần Ngọc Anh (nhân viên kinh doanh, ngụ quận 11) thở dài: “Tiền đi đám cưới thì không sợ mà tiền chuẩn bị quần áo, túi xách, giày dép rồi trang điểm nữa. Một cái đầm mà mặc đi 2 đám tụi bạn nó cười liền, đứa nào đi đám cưới cũng lộng lẫy, mình đơn giản thì lẻ loi lắm”.

Câu chuyện của Ngọc Anh hẳn không phải ngoại lệ hay hiếm hoi trong thời buổi hiện nay. Tiệc sinh nhật, lễ hỏi, lễ cưới… không còn là nơi để những nhân vật chính của buổi lễ tỏa sáng, mà không ít khách mời, nhất là những bạn trẻ từ ăn mặc cầu kỳ đến lố lăng đua nhau thể hiện, để bản thân nổi bật nhất có thể.

Chuyện mặc trang phục thế nào khi đi tiệc, nhất là tiệc cưới không ít lần được các bạn trẻ tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Blogger trang điểm T.T.H chia sẻ: “Trước đây mình nghĩ, đi đám cưới thì phải mặc thật đẹp để còn chặt chém với cô dâu, nhưng tới lượt mình cưới thì chỉ mong mọi thứ thật gọn nhẹ”. Bạn trẻ với nickname Mỹ Duyên cũng để lại bình luận: “Mình nghĩ chả sao đâu, váy cưới cô dâu khác với kiểu váy của bạn là được”…

Để khẳng định bản thân “thật cool”, “thật ngầu” và không bị lỗi mốt, sính ngoại là một xu hướng dễ thấy trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Từ những lễ hội khoe giày hàng hiệu, quần áo thời trang có giá vài chục triệu, đến việc chấp nhận xếp hàng xuyên đêm để chờ mua được đôi giày mới ra mắt. Bên cạnh đó, việc nói chuyện chêm những câu tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt cũng được nhiều bạn trẻ xem như “mốt”.

Và việc thể hiện bản thân quá mức kiểu này, khiến nhiều bạn trẻ không ít lần rơi vào tâm điểm chỉ trích của dư luận. Vài tuần trước đây, chuyện cô gái tên G.C.C nói tiếng Anh chêm tiếng Việt trong một chương trình trò chuyện, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Điều đáng nói ở đây, là cô gái trong câu chuyện trên đang tiếp xúc với một người Việt và các từ tiếng Anh chêm vào trong câu nói thì tiếng Việt hoàn toàn có đủ ngôn từ để thay thế, không nhất thiết phải thể hiện một cách nửa tây nửa ta để chứng minh bản thân thật cá tính. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bênh vực, Phạm Hồng Đào (24 tuổi, nhân viên tài chính, ngụ quận 8) cho rằng: “Khi làm việc trong một môi trường mà bạn thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài, thì không khỏi tránh được cách nói này. Có thể xem như một bệnh nghề nghiệp khi mang ra cuộc sống bên ngoài thôi”.

Và trong một triển lãm tranh kỹ thuật số của danh họa Van Gogh diễn ra vừa qua tại Hà Nội, không ít người xem phàn nàn vì tình trạng “check-in” thiếu ý tứ lẫn ý thức của không ít bạn trẻ. Triển lãm được trình bày dưới dạng hình ảnh kỹ thuật số (chủ yếu là công nghệ trình chiếu). Nhiều khách tới xem tranh thủ “check-in” với background là các bức tranh nổi tiếng như: Hoa hướng dương, Hoa hạnh nhân nở, Đêm đầy sao… mà không quan tâm là có khách đang thưởng tranh hay không. Chị Huệ Tâm (30 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân) bức xúc trên một diễn đàn: “Không hiểu nổi là tới đây xem tranh hay xem người nữa, chỗ nào cũng có một nhóm đứng tạo dáng chụp hình cho nhau, án hết tầm nhìn bức tranh, mà lại đứng rất lâu”.

Một tấm ảnh check in phản cảm bị dư luận mạng lên án 
Có nhiều cách để thể hiện bản thân mình vượt trội và nổi bật trong đám đông, trang phục cũng chỉ là vẻ bề ngoài nên nếu lấy đó để khẳng định chính mình thì không phải là một cách hay. Từ cá tính đến lố lăng, kệch cỡm là một ranh giới rất mong manh, việc giao tiếp, ứng xử nơi công cộng luôn cần một chừng mực nhất định, người trẻ cần hiểu rõ điều này để tránh gây ra những tình huống đáng xấu mặt hơn là kiêu hãnh, tự hào để thể hiện.

Tin cùng chuyên mục