Các cơ sở y tế chưa mặn mà tham gia phòng, chống bệnh lao

Sáng 9-10, Sở Y tế TPHCM tổ chức hội thảo “Hợp tác y tế công – tư trong chương trình chống lao TPHCM” cho các cơ sở y tế, trung tâm y tế trên địa bàn TPHCM. 

Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề hợp tác y tế công – tư trong phòng chống lao trong thời gian qua trên địa bàn TP chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, vẫn còn quá ít các cơ cở y tế tư nhân tham gia phối hợp vào chương trình chống lao của TP.

Theo báo cáo của Chương trình chống lao TPHCM, hiện tại trên địa bàn TP có 10.854 cơ sở y tế công và tư nhân ngoài hệ thống chương trình chống lao nhưng mới chỉ có 759 cơ sở tham gia chương trình chống lao (trong đó 377 bệnh viện, phòng khám tư, 339 nhà thuốc tư và 43 bệnh viện, phòng khám công lập ngoài hệ thống chương trình chống lao).

Trong số 377 cơ sở y tế tư nhân tham gia phối hợp mới chỉ có Phòng khám đa khoa Bảo Việt thực hiện song hành việc chuyển gửi, xét nghiệm và điều trị theo dõi cho bệnh nhân mắc lao, còn lại hầu hết các cơ sở y tế tư nhân phối hợp phòng chống lao chỉ dừng lại ở bước chuyển gửi người bệnh nghi mắc lao đến các cơ sở y tế chuyên khoa, việc xét nghiệm, phát hiện bệnh và điều trị theo dõi gần như không có.

Trong khi, trung bình hàng năm tổng số người nghi lao do hệ thống y tế công – tư ngoài chương trình chống lao phát hiện hơn 25.000 người, chiếm khoảng từ 16-19% tổng số ca phát hiện lao mới. 

Lý giải nguyên nhân các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TP chưa mặn mà tham gia phòng, chống lao, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, nhân lực để triển khai, giám sát hoạt động này của TP đang rất thiếu do kinh phí của chương trình hạn chế, không có tiền bồi dưỡng nên các cán bộ thuộc các đơn vị y tế này cũng không nhiệt tình.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, Chương trình Phòng chống lao cần phải xem xét lại vấn đề này và có kế hoạch thẩm định các cơ sở y tế đủ điều kiện để đưa vào tham gia chương trình. Ông Hưng cũng lưu ý, khi vận động các cơ sở y tế tham gia, cần đưa ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên nhằm đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Hiện TPHCM mới chỉ phát hiện được khoảng 70% tổng số người mắc lao trong cộng đồng. Do đó, để phát hiện 30% còn lại rất cần sự phối hợp của các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tư nhân để có thể đạt mục tiêu TP sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục