Các cuộc thi tài tử, cải lương: Thách thức để duy trì

Những năm qua, hành trình tìm kiếm những “hạt ngọc thô” qua các cuộc thi tài tử, cải lương trên sóng truyền hình, phát thanh ngày càng gian nan. 

Sự khó khăn chung của ngành âm nhạc truyền thống khiến những nhân tố triển vọng của sàn diễn tài tử, cải lương không có nhiều niềm tin theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Thách thức không nhỏ đó gây không ít trở ngại với các cuộc thi tìm kiếm nhân tố mới cho sàn diễn nghệ thuật dân tộc.

Hiếm hoi các cuộc thi tài 

Các cuộc thi về tài tử, cải lương trên sóng truyền hình, phát thanh được khán giả quan tâm hiện chỉ còn vài ba cuộc, được một số đài truyền hình, phát thanh đầu tư, duy trì thực hiện. Có thâm niên là hội thi Bông lúa vàng với 26 lần tổ chức, còn cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, tổ chức 14 lần liên tục.  

Chuông vàng vọng cổ năm nay vẫn giữ vững vị trí là sân chơi tài tử chất lượng hiếm hoi. Theo thời gian, thương hiệu Chuông vàng vọng cổ không chỉ phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới mà còn khích lệ thế hệ trẻ kế thừa và phát huy mạnh mẽ phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương. Đặc biệt, đây cũng là sân chơi nghệ thuật có nhiều thay đổi dành cho khán giả và những thử thách thú vị dành cho thí sinh ở mỗi đêm chung kết.

Các cuộc thi tài tử, cải lương: Thách thức để duy trì ảnh 1 Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" tôn vinh các tác phẩm cải lương lịch sử

Hội thi giọng ca cải lương Bông lúa vàng của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cũng là một kênh truyền thanh hấp dẫn, dành cho những ai yêu thích cải lương. Từ đây, không ít gương mặt trẻ tài năng được phát hiện, có cơ hội tỏa sáng tại các sân chơi, sân khấu đờn ca tài tử, cải lương các địa phương. 

Từ những cuộc thi trên sóng truyền hình, phát thanh, các nghệ sĩ như: NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Thu Vân, Ngọc Đợi; nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Mẹo, Huyền Trang, Nguyễn Minh Trường, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Thị Luận, Nguyễn Văn Khởi… được phát hiện và sống được với nghề. Hầu hết các thí sinh đoạt giải đều đầu quân về Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; một số gương mặt về đoàn tỉnh thì trở thành những diễn viên trẻ nòng cốt. 

NSND Minh Vương chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy các thí sinh trẻ trung, đam mê bộ môn cải lương, mê bài vọng cổ. Mong các em luôn tự tin, để làm sao tạo ra chất riêng trong giọng ca, nỗ lực phát triển nghề mà các em đam mê và lựa chọn”.

Khi tổ chức các cuộc thi liên quan đến ngành nghệ thuật truyền thống, mỗi đơn vị truyền hình, phát thanh đều cùng có một tâm trạng chung là hy vọng vào số lượng cũng như chất lượng thí sinh tham gia. Theo thống kê, số lượng thí sinh đăng ký cho cuộc thi năm sau không giảm so với năm trước, nhưng những giọng ca hay, độc, lạ, thì ngày càng hiếm hoi.

Các cuộc thi tài tử, cải lương: Thách thức để duy trì ảnh 2 Hội thi giọng ca cải lương "Bông lúa vàng" thu hút được sự quan tâm theo dõi 
của đông đảo khán thính giả thành phố và các tỉnh thành

Thực tế, như đã nói ở trên, người ca hay, diễn giỏi không thiếu nhưng họ không muốn theo nghề vì không nhìn thấy tương lai tươi sáng cho tài tử, cải lương. Ngoài ra, việc kêu gọi tài trợ cho những cuộc thi nghiêm túc, mang tính truyền thống lại vô cùng khó. 

Lo lắng cho tương lai 

Để các cuộc thi tài thêm hấp dẫn, thời gian gần đây, các đơn vị tổ chức cũng tích cực thay đổi thể lệ thi, mở rộng tiêu chí, có sự đầu tư quy mô, kỹ lưỡng từ khâu tổ chức, tìm kiếm ý tưởng mới, sản xuất, dàn dựng… nhằm tăng sự kịch tính, sức hấp dẫn tươi mới cho chương trình.

Bên cạnh đó, giải thưởng cũng tăng dần giá trị (giải thưởng cao nhất hiện nay lên đến 100 triệu đồng) để thu hút sự tham gia của các bạn trẻ. Ban tổ chức các cuộc thi cũng mời những nghệ sĩ giỏi nghề để có nhận xét chuyên môn chính xác, truyền đạt kinh nghiệm bổ ích cho thí sinh.

Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM, trăn trở: “Nhiều năm qua, trong tình hình chung, sân khấu đang đi xuống, nhưng chúng tôi vẫn duy trì tổ chức được chương trình Chuông vàng vọng cổ, đó là một sự cố gắng rất lớn của đài, của đơn vị tài trợ, bên cạnh sự hỗ trợ rất lớn của báo chí trong công tác quảng bá, giúp chương trình lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống văn hóa. Nhìn về tương lai, chúng tôi khẳng định, sân khấu cải lương có thể đang bị mai một, nhưng vọng cổ không bao giờ chết. Tuy nhiên, để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này, không chỉ cần các cuộc thi tài, mà cơ quan chức năng cần có một chính sách cấp thiết, lâu dài để tôn vinh những giá trị nghệ thuật chúng ta đang có. Đừng nói duy trì, phát huy, bảo tồn suông mà không có hành động gì cụ thể. Trong khi đó, vẫn còn không ít những chương trình về nghệ thuật truyền thống được đầu tư tiền tỷ nhưng chết yểu”.

Đơn vị tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng tài tử, cải lương, vẫn luôn mong mỏi có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cơ quan quản lý có trách nhiệm, để các sân chơi nghệ thuật này lan tỏa. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thêm điều kiện để các sân khấu cải lương được sáng đèn, vì đây chính là cánh cửa dành cho các nhân tố trẻ, giúp các bạn thấy được lối ra cho nghề của mình.

Và hơn tất cả, cần xây dựng công chúng cho lĩnh vực nghệ thuật này. Đưa bộ môn tài tử, cải lương vào môi trường học đường, để công chúng trẻ tuổi hiểu, yêu mến và đưa nghệ thuật truyền thống dân tộc lan tỏa ra cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục