Các kiểu gian lận qua thuế

Nhớ câu chuyện 15 năm trước, các nghị quyết của Chính phủ luôn đặt ra chỉ tiêu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là ngành sản xuất chủ lực trong chục năm tới. Bao chính sách ưu đãi từ đó mà ra, ưu đãi đất đai, ưu đãi thuê đất và đặc biệt là ưu đãi lãi suất khi vay vốn. Thế nhưng, đến giờ, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng chỉ là ngành… lắp ráp!

Hiện ngành công nghiệp “chủ lực” này chỉ mới sản xuất được kính xe, còn ngay cả ốc vít cũng chưa sản xuất được. Bên cạnh đó, tai tiếng thì quá nhiều!

Cụ thể, mới đây, một doanh nghiệp (DN) ô tô - xe máy nổi tiếng đã bị đề nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng thuế vì đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế nhập linh kiện - do nhập xe nguyên chiếc giá mắc hơn nên DN này đã nhập linh kiện rồi lắp ráp thành chiếc, nhằm lách thuế.

Chính sự bất cập về chính sách thuế là nơi khiến cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không phát triển mà chỉ tập trung nhập linh kiện, né thuế, mang về lắp ráp, kiếm lời cao hơn. 

Điển hình vụ gian lận mà dân trong nghề bức xúc lâu nay, đó là dựa vào chính sách ưu đãi thuế cho xe chuyên dụng nhưng lại không hậu kiểm, giám sát, đã giúp doanh nghiệp trục lợi, thiệt hại dân gánh.

Cụ thể, một DN ô tô thương hiệu lớn tại Việt Nam đã nhập cầu xe bán tải (loại không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) đem về lắp ráp cho ô tô dưới 9 chỗ ngồi (loại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt), rồi bán ra kiếm lời. Cuối cùng, kỹ thuật không đồng bộ khiến xe đó trở thành “trùm lật”.

Mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ lật vì xe thiếu cân bằng khi chạy với tốc độ cao. Kết quả nhãn xe này lời khủng, nhưng cuối cùng khách hàng gánh chịu bao thiệt hại về kinh tế, sức khỏe.

Trước đó, cũng có thương hiệu xe hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, nhưng cuối cùng chỉ lắp ráp, chuyển giá, né thuế, khiến Nhà nước phải truy thu hàng trăm tỷ đồng.

Mọi nguồn cơn là do Nhà nước chỉ ban hành chính sách nhưng thiếu hậu kiểm. Cán bộ thì nơi nào cũng kêu thiếu, nên các sai phạm chỉ bị phát hiện khi có tố cáo.

Chính việc Nhà nước thiếu bộ máy giám sát thực thi pháp luật đã giúp cho việc bắt tay giữa cán bộ và DN sai phạm dễ dàng hơn, vì dù không phát hiện sai phạm thì cán bộ lãnh đạo vẫn không bị xử lý gì, mà chỉ đổ thừa bài cũ rích đó là “thiếu nhân sự, không quản lý xuể”.

Tin cùng chuyên mục