Các sở GD-ĐT không nên đứng ra tổ chức biên soạn SGK

Như tin đã đưa, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Xung quanh nội dung quan trọng này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới đã trả lời Báo SGGP để làm rõ một số vấn đề.

>> Công bố dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Như tin đã đưa, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Xung quanh nội dung quan trọng này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới đã trả lời Báo SGGP để làm rõ một số vấn đề.

* PHÓNG VIÊN: GDPT tới đây sẽ thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), vậy chúng ta thực hiện tới đâu?

GS Nguyễn Minh Thuyết

- GS NGUYỄN MINH THUYẾT: Hiện nay, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) được giao chủ trì phối hợp cùng một số đơn vị liên quan xây dựng thông tư quy định tiêu chuẩn, tổ chức được phép biên soạn SGK, tiêu chí đánh giá SGK và tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Khi hoàn thiện sẽ công bố công khai cho toàn xã hội. Quan điểm của tôi là các sở GD-ĐT không nên đứng ra tổ chức biên soạn SGK, vì nếu như vậy, các trường học trên địa bàn sẽ không có quyền lựa chọn. Nếu 63 sở GD-ĐT cùng đăng ký tổ chức biên soạn SGK sẽ dẫn đến tình trạng 63 “sứ quân” rất khó kiểm soát.

* Liệu đội ngũ giáo viên của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình mới?

- Trước mắt, giáo viên của môn nào vẫn dạy những nội dung của môn đó, còn những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt có thể đảm nhiệm toàn bộ môn tích hợp và đảm nhiệm những chuyên đề tích hợp. Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo các trường sư phạm; có chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP). Ở một số nước, khi đào tạo giáo viên, người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn như vậy, cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, mô đun, giáo viên nào học hết các học phần sẽ thực hiện dạy tích hợp.

* Một nét mới của chương trình GDPT mới là có 3 hình thức đánh giá học sinh, trong đó hình thức đánh giá định kỳ (do trường tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT) được hiểu sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa?

- Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao các cục, vụ chức năng xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi chương trình mới bắt đầu được triển khai đến cấp THPT. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, từ nay đến năm 2020, chúng ta ổn định hình thức thi THPT quốc gia.

* Theo GS, việc quy định các môn học bắt buộc ở THPT liệu có quá tải, có đảm bảo đúng yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp?

- Chương trình đã giảm tối đa môn học bắt buộc. Ở THPT, bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp nên phải cố gắng tạo điều kiện để học sinh tập trung vào những môn giúp định hướng nghề nghiệp, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Lớp 11, 12 có 6 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Như vậy không phải là nhiều. Trong đó, các môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ít tiết, chủ yếu là thực hành, không gây nặng nề quá tải. Những môn như Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng và an ninh được đưa vào chương trình là môn bắt buộc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và trên thực tế môn học này cũng rất cần thiết. Số giờ phân bổ các môn này không khác chương trình hiện hành và gần tương đương tỷ lệ với chương trình nước ngoài.

Về các môn tự chọn bắt buộc, việc đưa vào các môn tự chọn bắt buộc là bước mới, Ban phát triển chương trình cũng tranh luận rất nhiều là nên quy định sẵn theo các khối hay để học sinh lựa chọn. Tôi cho rằng, để cho học sinh tự chọn sẽ tốt hơn. Vấn đề đặt ra là, nếu để học sinh tự chọn, thì các em có quá phân tán hay không? Chúng tôi đã thực hiện điều tra bằng phiếu hỏi với 2.789 học sinh của 5 trường THPT, kết quả các em chọn môn rất tập trung. Trong đó, các môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn có trên dưới 1.000 trong số học sinh được khảo sát chọn. Sắp tới sẽ cho điều tra trên toàn quốc, chúng tôi đã xin phép lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc này.

Ảnh minh họa: MAI HẢI

* Liệu việc triển khai chương trình mới có đáp ứng đúng thời gian theo yêu cầu của Quốc hội?

- Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông ban hành 28-11-2014, yêu cầu 4 năm sau triển khai chương trình mới, tức là năm 2018. Nhưng muốn xây dựng chương trình mới lại phải chờ một văn bản hết sức quan trọng là khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam (mới được ban hành đầu tháng 11-2016). Ban phát triển chương trình đã cố gắng thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, để làm sao tháng 9 có thể trình ban hành Chương trình GDPT mới.

Hiện chương trình các môn học cũng đang được khẩn trương biên soạn. Trong quá trình biên soạn chương trình, Ban phát triển chương trình đã phải tiến hành dạy thực nghiệm. Trên cơ sở đó, bộ phận biên soạn SGK sau này sẽ hoàn thiện để có bộ sách mới theo đúng kế hoạch. Việc dạy sẽ theo hình thức cuốn chiếu, không phải lập tức phải có SGK cho cả 12 lớp. Cụ thể, sau khi có chương trình tổng thể sẽ biên soạn chương trình môn học. Chương trình bộ môn cố gắng trong 1 - 2 tháng nữa sẽ đưa ra xin ý kiến chuyên gia, thẩm định vòng 1, sau đó đến thẩm định vòng 2 cả chương trình tổng thể và chương trình môn học. Chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ GD-ĐT, khoảng 1 - 2 tháng nữa cho công bố mời các tổ chức, cá nhân đăng ký viết SGK.

* Xin cảm ơn giáo sư!

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình GDPT mới, ngày 13-4, tại Hà Nội, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia giáo dục đầu ngành góp ý cho bản dự thảo này. Đáng chú ý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, về cơ bản thống nhất với dự thảo, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung gây băn khoăn, nhất là về hình thức đánh giá học sinh, về cách xác định năng lực và phẩm chất học sinh. Hội đề nghị xem lại cách đánh giá học sinh học hết bậc THCS (lớp 9): có nên để tình trạng học sinh chỉ tập trung vào học 2 môn Văn - Toán để thi vào THPT như hiện nay không? “Quan điểm của hội là nên tổ chức cho học sinh thi hết THCS theo môn học bắt buộc gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên. Cuộc thi này do các tỉnh thành chỉ đạo một cách nhẹ nhàng không gây áp lực nhưng đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, lấy kết quả thi hết cấp thay cho thi vào THPT”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu.

LÂM NGUYÊN ghi

Tin cùng chuyên mục