Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10

Sáng 14-9, người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang khẩn trương triển khai các phương án để đối phó với bão số 10.

>> Clip: Tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn ở âu cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh sáng 14-9. Thực hiện: Dương Quang

Sáng nay 14-9, Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương này còn 569 tàu cá với 4.641 lao động vẫn đang hoạt động trên biển.

Cụ thể, các tàu này đang ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và cửa Vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Ngoài ra còn có 11 thuyền với 61 lao động đang hoạt động ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện cũng có gần 4.000 tàu thuyền của toàn địa phương đã vào các khu neo đậu trú tránh bão an toàn. 569 tàu này đã nhận điện tín từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình cảnh báo bão và sẽ vào bờ trong hôm nay.

Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 1 Tàu cá vào sông Nhật Lệ trú tránh bão. Ảnh: MINH PHONG
159 xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Bình đã đồng loạt triển khai công tác phòng chống cơn bão số 10.

Ông Dương Minh Hợi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch cho biết, người dân tích cực chằng néo nhà cửa, dự trữ lương thực, bảo quản tài sản nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa khi bão đổ bộ.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa thông báo: “Người dân địa phương được cảnh báo bão lớn sẽ đổ bộ nên việc gia cố nhà cửa, bảo vệ gia súc, tính mạng được ưu tiên hàng đầu”.

Tại khu vực rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã nói: “Chúng tôi luôn chuẩn bị 4 tại chỗ để giúp nhau vượt thiên tai vì ở đây năm nào cũng lũ lụt to. Hiện có hàng trăm nhà phao được người dân chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với lũ lên sau khi bão đổ bộ gây mưa lớn”.

Sáng ngày 14-9, trên toàn địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to, có nhiều địa phương ven biển mưa rất to. Công tác chủ động chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 10 đã được chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh triển khai đồng bộ, nhanh chóng đến tận từng địa phương để đảm bảo an toàn và giảm thiếu tối đa thiệt hại khi bão đổ bộ.
Các đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban ngành cũng đã trực tiếp đến tận từng địa phương để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo chính quyền và người dân triển khai các phương án di chuyển tàu thuyền, tài sản, chằng chống nhà cửa, cây cối… đảm bảo an toàn.
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 2 Sáng 14-9, ngư dân chằng néo tàu thuyền an toàn tại âu tránh bão cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Sáng ngày 14-9, tại khu vực âu thuyền trú tránh bão ở cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (đây là cảng cá lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh); cảng cá Cửa Hội (huyện Nghi Xuân); Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh)... hàng trăm phương tiện tàu thuyền các loại của ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa… đã và đang được các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Ban quản lý cảng cá và chính quyền các địa phương trực tiếp đến hướng dẫn di chuyển vào địa điểm neo đậu, tổ chức chằng néo chắc chắn tránh va đập để đảm bảo an toàn.
Các tài sản có giá trị trên tàu cũng đã được bà con ngư dân thu dọn di chuyển vào bờ để tránh thiệt hại.

Hiện tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành thu hoạch được khoảng hơn 40.000ha/44.000ha lúa hè thu, đạt khoảng 97% kế hoạch. Tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động nhân lực và động viên bà con nhân dân tranh thủ thời tiết trước ảnh hưởng bão số 10 tổ chức thu hoạch số diện tích còn lại để tránh thiệt hại.

* Sáng 14-9, theo thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn bộ hơn 6.000 tàu thuyền với khoảng 17.676 lao động của Hà Tĩnh đã nhận được tin báo và vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão số 10 đổ bộ.

Trong ngày 14-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã có lệnh sơ tán số 154/PCTT.

Theo đó, các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và Khu kinh tế Vũng Áng huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi tránh trú an toàn đúng kịch bản.

Cụ thể: huyện Kỳ Anh di dời 1.163 hộ/3.126 người; thị xã Kỳ Anh 1.226 hộ/2.913 người; Khu kinh tế Vũng Áng 12 đơn vị/11.810 người; huyện Cẩm Xuyên 1.161 hộ/3.383 người; huyện Thạch Hà 1.137 hộ/3.778 người; huyện Lộc Hà 2.688 hộ/10.700 người; huyện Nghi Xuân 3.257 hộ/10.986 người; TP Hà Tĩnh 284 hộ/704 người. 

Thời gian sơ tán dân yêu cầu phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 14-9. 
Tùy theo tình hình diễn biến của bão, Chủ tịch UBND 13 huyện, thành phố, thị xã ở Hà Tĩnh chủ động tổ chức phương án sơ tán dân khu vực nội địa, vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo kịch bản...

Trước đó, ngày 13-9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành, địa phương hoãn các cuộc họp và các công việc chưa thực sự cấp bách, để tập trung cho các công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và triển khai các phương án ứng phó với bão số 10.

Công điện kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú; hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu, thuyền đã về bến neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi; tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn...

Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 3 Sáng 14-9, ngư dân Hà Tĩnh tổ chức chằng néo tàu thuyền tránh bão số 10. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Đồng thời, tuyệt đối không được để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các bến cảng, khu du lịch; chủ động tiêu thoát nước đệm, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu để hạn chế thiệt hại do mưa lũ; tổ chức kiểm tra và triển khai phương án đảm an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công dở dang; kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm qua sông suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn.
Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh...
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 4 Sáng 14-9, nhiều tàu cá của ngư dântỉnh Thanh Hóa đã vào trú tránh bão tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Ngoài ra, thành lập các đoàn công tác, cử cán bộ xuống tận các xã, thôn để chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ người dân tổ chức thu hoạch nhanh gọn các trà lúa hè thu còn lại, các loại cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch trước khi bão vào, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lúa hè thu đã chín, cây ăn quả đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại do mưa bão...

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn - Thượng Sông Trí, Ngàn Trươi - Cẩm Trang, hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn… theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động điều tiết hồ đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu...

Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 5 Hàng trăm tàu thuyền các loại của ngư dân tỉnh Hà Tĩnh và ngoại tỉnh đã vào neo đậu an toàn tại âu tránh bão Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh sáng 14-9. Ảnh: DƯƠNG QUANG
* Do ảnh hưởng của bão số 10, dự báo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có đợt mưa trên diện rộng với với tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 400mm, có nơi trên 400mm.
Để đảm bảo an toàn công trình và tránh xả lũ lưu lượng lớn trong mưa làm ngập lụt vùng hạ du hồ chứa, ngay từ chiều ngày 13-9, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã tiến hành xả tràn tại hồ Kẻ Gỗ 50m3/s; hồ Sông Trí xả 30 - 70m3/s; hồ Kim Sơn xả lưu lượng 20 - 50m3/s; hồ Tàu Voi xả lưu lượng 5 - 20m3/s; hồ Sông Rác xả với lưu lượng 30 - 70 m3/s…
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 6 Sáng 14-9, ngư dân ở Hà Tĩnh hối hả chằng néo tàu thuyền tránh bão số 10. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định số 1922 phê duyệt phương án phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2017.

Tỉnh Hà Tĩnh đã lên phương án sơ tán dân khu vực trọng điểm vùng ven biển, cửa sông đến nơi an toàn với 4 kịch bản.

Cụ thể: Quy mô sơ tán dân khi có bão từ cấp 8 đến cấp 9 sẽ tiến hành sơ tán 1.587 hộ dân với 16.459 người thuộc 8 địa phương, đơn vị; khi có bão từ cấp 10 đến cấp 11 sẽ sơ tán 4.132 hộ dân với 23.261 người; khi có bão từ cấp 12 đến cấp 13 sẽ sơ tán 10.928 hộ dân với 47.400 người; khi có bão từ cấp 14 trở lên (bão mạnh, siêu bão) sẽ sơ tán 26.198 hộ dân với 103.440 người...

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 67 xã nằm ở khu vực trọng điểm ven biển, cửa sông (trong đó 30 xã ven biển, 37 xã cửa sông) có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bão mạnh, siêu bão và nước dâng do bão.

Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 7 Đến trưa 14-9, tại một số tuyến đường ở trung tâm TP Hà Tĩnh đã bị ngập nước cục bộ. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 8 Người dân Hà Tĩnh chặt tỉa cành cây tránh bão số 10Ảnh: DƯƠNG QUANG
 * Đà Nẵng vẫn còn 162 tàu thuyền và 1.312 lao động trên biển Đông 
Sáng nay 14-9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng còn 162 tàu thuyền và 1.312 lao động trên biển Đông.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng, hiện nay, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng tiếp tục duy trì mạng thông tin liên lạc kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển Đông di chuyển phòng chống bão số 10; duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu - tìm kiếm cứu nạn theo quy định với 5 tàu 10 xuồng, 300 phao cứu sinh 450 cán bộ chiến sĩ; phối hợp với Ban quản lý âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cùng chính quyền địa phương kiểm đếm, sắp xếp neo đậu cho các tàu thuyền trong và ngoài thành phố vào trú bão. 
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 9 Ngư dân quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Cho đến sáng 14-9, trong tổng số phương tiện của Đà Nẵng 1.619 phương tiện/7. 152 lao động thì có 1.457 phương tiện/5.840 lao động đang neo đậu tại bờ .
Hiện vẫn còn 162 phương tiện/1.312 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 1 tàu/10 lao động hoạt động vùng biển Đông Hoàng Sa; 3 tàu/34 lao động hoạt động vùng biển Tây Hoàng Sa (đang trên đường về Đà Nẵng tránh bão); 5 tàu/30 lao động đã vào neo đậu ở Cát Bà/Hải Phòng; 9 tàu/33 lao động hoạt động vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình (đang trên đường vào tránh bão); 68 tàu/624 lao động hoat động vùng biển từ Quảng Trị đến Huế; 14  tàu/98 lao động hoạt động vùng biển từ Huế đến Đà Nẵng; 3 tàu/21 lao động đang hoạt động vùng biển Quảng Ngãi - Bình Định; 59 tàu/462 lao động hoạt động tại vùng biển từ Đà Nẵng - Quảng Nam và ven bờ Đà Nẵng. 
Hiện Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã liên lạc được với tất cả các tàu và các tàu cũng đều nắm được vị trí, hướng đi của bão số 10. Đến nay chưa có thông tin gì về thiệt hại do bão số 10 gây ra. 
Trong sáng 14-9, ngư dân vùng ven biển Đà Nẵng đã khẩn trương đưa tàu thuyền, thúng máy và ngư lưới cụ lên bờ để tránh bão số 10. 
* Tại Quảng Ngãi, sáng nay 14-9 tại cảng Sa Kỳ, hàng ngàn ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành neo đậu tàu thuyền tại cảng.
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 10 Ngư dân chèo thúng kiểm tra các vị trí trên thân tàu thuyền khi chuẩn bị neo đậu tại cảng Sa Kỳ. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến 10 giờ ngày 14-9, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là: 774 tàu/ 8.090 lao động. Cụ thể, vùng biển quần đảo Hoàng Sa là 29 tàu/ 252 lao động; Vùng biển quần đảo Trường Sa là 251 tàu/ 3.867 lao động; Vùng biển các tỉnh phía Bắc 58 tàu là 432 lao động; Vùng biển các tỉnh phía Nam là 187 tàu/ 1.336 lao động; Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi là 249 tàu/ 2.203 lao động.
Tại cảng Sa Kỳ, hàng ngàn ngư dân đang khẩn trương neo đậu tàu thuyền.
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 11 Ngư dân cột các thiết bị cần đánh bắt để tránh gió bão quật ngã. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Ông Lê Minh Trọng, Trạm trưởng Đồn Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, cho biết: “Đến 11 giờ trưa 14-9 đã có gần 1.000 tàu cá về neo đậu tại cảng. Trạm đã dùng các phương tiện ca nô, loa, để hướng dẫn ngư dân neo trú an toàn và thực hiện các biện pháp chèn chống tàu thuyền, hạn chế tối đa khi bão đổ bộ”.
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 12 Cột dây neo vào các trụ nơi cầu cảng. Ảnh:NGUYỄN TRANG 
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá QNg 94719 TS, khi vừa ra khơi được vài ngay, hay tin bão số 10, anh lập tức cho tàu về neo đậu tại cảng. 
Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi mở máy lớn nghe thông báo có bão nên dù biết sẽ lỗ nhưng cũng phải chạy về. Lúc đầu chạy ra Đà Nẵng nhưng tàu neo đậu ngoài đó quá đông nên đã quay ngược về Sa Kỳ để trú bão”.
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 13 Các tàu đang sắp xếp vào cảng. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Ngư dân Phạm Văn Hùng (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi đã điện thoại về nhà thông báo tạm trú tại Sa Kỳ, không thể về kịp và để nhà khỏi lo lắng là tôi đã về an toàn”.
Sáng nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, tại các khu vực âu thuyền Tịnh Kỳ, âu thuyền Sa Huỳnh,… có hàng trăm phương tiện các loại của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình,… vào neo trú. 
Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 14 Vẫn còn các tàu đang chuẩn bị về cảng neo đậu. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Công an tỉnh, Ban quản lý và chính quyền các địa phương trực tiếp hướng dẫn di chuyển vào địa điểm neo đậu chắn chắn.

Tàu cá gặp nạn, 1 ngư dân thiệt mạng trước bão số 10

Sáng 14-9, UBND xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, ngư dân tử nạn trên biển đã được đưa vào bờ, gia đình và địa phương đang làm thủ tục mai táng.

Các tỉnh miền Trung khẩn trương đối phó với bão số 10 ảnh 15 Tàu cá NA 90986TS đang được tàu bạn lai dắt vào bờ. Ảnh: N.T
Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 13-9, tàu cá NA 3229TS do ông Hồ Văn Thái (trú xóm Phúc Thành, xã Tiến Thuỷ) làm thuyền trưởng cùng 6 ngư dân đang đánh bắt trên biển ở toạ độ 19,50 Vĩ độ Bắc, 106,31 Kinh độ Đông. Lúc này, bất ngờ dây tời bị đứt đã đập vào đầu ông Nguyễn Văn Phước (59 tuổi, trú xóm Phúc Thành) khiến ông Phước tử vong tại chỗ. Đến chiều tối cùng ngày, tàu NA 3229TS đã đưa thi thể ông Phước vào bờ.
Đến sáng 14-9, đại diện UBND xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) cho biết, tàu cá của xã này gặp nạn trên biển đã vào cảng Gianh (tỉnh Quảng Bình) an toàn, 18 ngư dân trên tàu sức khỏe đã ổn định.
* Trong khi đó, khoảng 23 giờ ngày 12-9, tàu cá NA 90986TS do anh Nguyễn Văn Dũng (trú tại xã Quỳnh Long) làm thuyền trưởng cùng 17 ngư dân đang trên đường vào bờ tránh bão số 10, khi đến tọa độ 107,49 Kinh độ Đông, 18,08 Vĩ độ Bắc thì bất ngờ bị hỏng hộp số.
Sau khi tự khắc phục không được, tàu NA 90986TS đã phát tín hiệu nhờ ứng cứu. Lúc này, 3 tàu cá của các anh Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Bá Thảo (đều trú xã Quỳnh Long) đã nhận được tín hiệu và đến ứng cứu. Sau 20 giờ, tàu cá bị nạn đã được lai dắt vào cảng Gianh an toàn. 

Tin cùng chuyên mục