Cách mạng Tháng Mười Nga có giá trị trường tồn

Ngày 31-10, Đảng ủy Khối Dân- Chính - Đảng TPHCM tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề “Cách mạng Tháng Mười Nga - Những giá trị trường tồn”.
Hội nghị báo cáo chuyên đề “Cách mạng Tháng Mười Nga - Những giá trị trường tồn”
Hội nghị báo cáo chuyên đề “Cách mạng Tháng Mười Nga - Những giá trị trường tồn”

Đồng chí Dương Công Khanh, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM chủ trì hội nghị.

Tham dự có các đồng chí cấp ủy viên 72 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy khối; Bí thư các đảng bộ bộ phận; Bí thư các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận; Ủy viên Ban chấp hành các đoàn thể Khối; Chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ sở; Bí thư các cơ sở Đoàn…

Tại hội nghị, Th.S Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực II) báo cáo hai nội dung: “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga - Những giá trị trường tồn” và “Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Trong nội dung “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga - Những giá trị trường tồn”, nhắc đến ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Việt Nam và thế giới, Th.S Vũ Trung Kiên cho rằng: Đối với nhân dân Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đây “cẩm nang thần kỳ” là con đường cứu nước...
Đề cập đến những giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga, ông nêu nhận xét của học giả người Nga A.Dinoviep (một người từng chống đối Nhà nước Xô viết và sau đó bị ngồi tù dưới thời Liên Xô, sống lưu vong tại Mỹ nhưng vẫn đánh giá trung thực về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga): “Những thành tựu của chủ nghĩa Cộng sản Xô viết do Lênin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người… Nhờ có cuộc cách mạng vô sản và tất cả những gì gắn liền với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hóa”.
Khi được hỏi vì sao ủng hộ việc sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô cho bản quốc ca mới của Liên bang Nga, Tổng thống Nga Putin cũng đã trả lời: “Ai không tiếc vì sự đổ vỡ của Liên bang Xô viết, người ấy không có trái tim. Còn ai muốn tái lập nó giống y như cũ, người đó không có khối óc”.
Chứng minh cho quan điểm này, Trung tâm Phân tích Levada công bố số liệu khảo sát qua cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào ngày 12-1-2008: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga, 26% người được hỏi tin tưởng cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga, 31% cho rằng cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga.
Trong khi đó, số người cho rằng Cách mạng Tháng Mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%, những người cho Cách mạng Tháng Mười Nga là một tai họa đối với họ chỉ có 15%.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Dư luận toàn Nga cho thấy 64% người Nga cho biết sẽ bỏ phiếu cho sự bảo tồn của Liên bang Xô viết nếu một cuộc trưng cầu dân ý lại được tiến hành ở thời điểm hiện tại. Trung tâm khảo sát Levada cho thấy nỗi nhớ về Liên Xô đạt đỉnh điểm vào năm 2000, khi 75% dân số cho biết họ rất tiếc vì nó giải thể.
Th.S Vũ Trung Kiên đưa ra những câu trong bài viết của ông Sergei Mironov, Chủ tịch Thượng viện Nga như một đánh giá khách quan về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Hòa bình cho các dân tộc, ruộng đất cho nông dân, bánh mì cho người đói. Phải chăng những khẩu hiệu ấy là lỗi thời hay sao? Vậy nên hãy để cho Chiến hạm Rạng Đông tiếp tục neo đậu trên sông Neva, hãy để cho những ngôi sao đỏ tiếp tục lấp lánh trên nóc điện Kremlin. Và hãy để cho biểu tượng búa liềm còn mãi trên ngọn cờ chiến thắng. Tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga không có lỗi”.

Giới thiệu về chuyên đề “Tự phê bình và phê bình theo Tư tưởng Hồ Chí Minh”, Th.S Vũ Trung Kiên nêu: Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ra đời năm 1947, Bác Hồ viết “Khuyết điểm cũng như bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, để đến nỗi bệnh ngày càng nặng. Nể nang không phê bình, để đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc, thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ. Nể nang không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm mình chứa chất lại thì khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình”.

Theo Th.S Vũ Trung Kiên, đáng lo ngại là hiện nay xuất hiện sự lệch lạc: phê bình để hạ bệ lẫn nhau hoặc để nịnh bợ nhau, việc phê bình mang tính hình thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: Tự phê bình về phê bình là để giúp nhau tiến bộ, không phải công kích để đặt khuyết điểm cho nhau,  không được bới lông tìm vết để tìm cơ hội hạ bệ lẫn nhau, tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí. Thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh áp đặt. Phê bình phải tích cực trong cả lời nói và thái độ, không công kích cá nhân. Tự phê bình và phê bình phải chân thành và cầu thị, phải đúng lúc, có hành cảnh thích hợp.

Tin cùng chuyên mục