Cải cách hành chính theo tư duy phục vụ

Không thể phủ nhận, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã có một bước tiến dài trong cải cách hành chính, khi nhiều giải pháp được áp dụng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Song cũng phải khẳng định, chừng đó là chưa đủ và vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân về sự cải cách có tính đột phá, hướng đến một nền hành chính phục vụ, thuận tiện nhất với người dân, DN...

Cần gói “dịch vụ hành chính chất lượng cao”

TPHCM đang rà soát, cải tiến rất nhiều thủ tục hành chính (TTHC), từ đất đai, cấp phép kinh doanh, hay các TTHC liên quan đến đời sống cá nhân, hộ gia đình, DN. Dẫu vậy, người dân cũng còn những vấn đề thật sự chưa hài lòng và mong muốn thành phố tiếp tục cải tiến hơn nữa. Trước hết, đó là tư duy cung cấp dịch vụ hành chính cần thay đổi, từ tư duy ban phát, xin - cho sang tư duy phục vụ người dân, tức là xem người dân là đối tượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là công chức), chứ không phải là người phải đi năn nỉ công chức.

Theo ông Lê Minh Đức, Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM, nếu coi người dân là đối tượng phục vụ, là khách hàng của mình, thì tâm thế giải quyết TTHC của công chức sẽ khác. Trong cuộc sống, người dân đi mua hàng hóa, đều được người bán hàng niềm nở tư vấn, thấu hiểu nhu cầu khách hàng. Vậy vì sao cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ hành chính lại không làm được như thế? Thay đổi tư duy là điều trước tiên cần mạnh mẽ thực hiện.

Cũng theo ông Đức, các nơi cung cấp dịch vụ hành chính cần thiết kế cơ sở vật chất thuận tiện, có đủ máy móc và chủ động việc in ấn, photo giấy tờ nhanh chóng cho người dân. Đặc biệt, hoàn toàn có thể dịch vụ hóa dịch vụ hành chính công. Hiện nay, nhiều khi người dân muốn nhanh thì phải lụy “cò”, mất tiền dịch vụ và còn có trường hợp công chức bắt tay với “cò” để giải quyết hồ sơ nhanh.

“Trên thực tế, nhiều người dân có nhu cầu muốn được phục vụ nhanh hơn so với thông thường, tại sao chúng ta không minh bạch hóa việc này bằng cách mở một gói “dịch vụ hành chính chất lượng cao” để đáp ứng nhu cầu người dân? Trong dịch vụ hành chính công, chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế các gói dịch vụ đáp ứng đông đảo nhu cầu của khách hàng. Chúng ta đảm bảo mặt bằng chung phục vụ chu đáo đông đảo người dân với chi phí hợp lý; đồng thời có gói dịch vụ chất lượng cao với chi phí cao hơn và thời gian ngắn hơn. Lúc này, thay vì trả tiền cho “cò”, mất chi phí không chính thức để “bôi trơn” cho công chức, thì người dân có thể đàng hoàng mua dịch vụ tốt hơn. Nhiều nước trên thế giới đã làm và thực tế chúng ta có thể áp dụng. Đây cũng là một nguồn thu chính đáng để quay trở lại bồi dưỡng đội ngũ công chức và cải thiện chất lượng dịch vụ công”, ông Đức phân tích.

Cải cách hành chính theo tư duy phục vụ ảnh 1 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại UBND quận 12 đã được hiện đại hóa nhiều khâu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ảnh: HOÀI NAM
Phản ánh của dân dù nhỏ nhất cũng kiểm tra

Ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TPHCM, có nhiều năm phụ trách lĩnh vực CCHC đã nhiều lần kiến nghị cần mạnh dạn thay đổi tiêu chí, cách thức đánh giá, phân loại công chức hàng năm.

Ông nói: “Việc đánh giá, phân loại công chức dù đã có những cải tiến, thay đổi, nhưng nhìn chung vẫn còn quá nhiều tiêu chí rườm rà nặng về định tính, không đánh giá đúng thực chất. Tính tự giác của mỗi công chức cũng chưa cao, không dám kiểm điểm, tự nhận những thiếu sót của mình để đưa ra biện pháp khắc phục sửa chữa, nhất là về trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ. Khi đã không thấy được khuyết điểm của mình, và tập thể cũng không mạnh dạn chỉ ra thì người công chức ấy tự đánh giá, xếp loại thường ở mức hoàn thành nhiệm vụ, hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chưa kể, do chạy theo thành tích, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức khi đánh giá, phân loại cuối năm thường đẩy tỷ lệ cá nhân xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao, đúng với tiêu chí ở các mức khen thưởng tập thể thành tích cao".

Từ thực tế trên cho thấy, đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận một cách thấu đáo đối với hệ thống, thang bậc, tiêu chí đánh giá tổ chức và công chức trong thực thi công vụ. Tiêu chí đánh giá cần rõ ràng, cụ thể, lấy chất lượng công việc và hiệu quả thực thi nhiệm vụ được giao làm hàng đầu.

Mặt khác, cần đề cao tinh thần phê và tự phê trong tập thể khi kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi công chức. Những công chức có biểu hiện hách dịch, thái độ tiếp dân không đúng mức, nhũng nhiễu, hành dân thì phải xử lý nghiêm, cương quyết loại ra khỏi bộ máy. Khi đã có phản ánh của dân hoặc dư luận về việc này việc kia, dù nhỏ nhất cũng phải kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý kịp thời.

“Với người dân, khi làm TTHC, cần chủ động tìm hiểu kỹ TTHC gồm bao nhiêu bước, các loại giấy tờ gì cần chuẩn bị, số lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn, quy cách ra sao, thời gian giải quyết TTHC là bao nhiêu ngày… Trong trường hợp được yêu cầu bổ túc hồ sơ, người dân nên đề nghị cán bộ ghi rõ ra cụ thể những loại giấy tờ nào, thời gian ra sao? Trong trường hợp hồ sơ bị từ chối, người dân nên yêu cầu công chức cho biết rõ lý do từ chối bằng văn bản, để có cơ sở tham khảo khi cần thiết. Khi gặp công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, người dân nên mạnh dạn lên tiếng, phản ánh về các trường hợp này để cùng xử lý, không nên thỏa hiệp bằng việc chi tiền để xong việc, không nên “nuôi” tham nhũng”, luật sư Lâm Quang Quý, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích.

Tin cùng chuyên mục