Cải cách thể chế, tận dụng các FTA: Thúc đẩy nền kinh tế đổi chiều tăng trưởng

Thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam mới tận dụng được khoảng 40% ưu đãi và bỏ lỡ khoảng 60% ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với thị trường xuất khẩu. 

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác đã tận dụng triệt để và hiệu quả từ các FTA mà họ ký kết. Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những biện pháp cụ thể, như cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh…, qua đó giúp doanh nghiệp Việt khai thác hiệu quả những FTA hiện có và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian sắp tới.  

Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang tìm nhiều giải pháp để tận dụng hiệu quả từ các FTA
 Khai thác các nền kinh tế bổ trợ

 
Việc thực hiện các FTA đồng nghĩa với việc 2 bên xóa bỏ thuế quan cho nhau, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu. Các ngành sản xuất 2 bên đều tận dụng được các nguồn nguyên liệu có sức cạnh tranh hơn để thúc đẩy sản xuất; đồng thời, thúc đẩy 2 bên tham gia vào chuỗi các giá trị trong khu vực. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho biết, việc thực hiện các FTA đã cho thấy kết quả rất rõ, như FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tại thời điểm Việt Nam ký hiệp định này, nước ta nhập siêu hơn 900 triệu USD, nhưng sau khi ký hiệp định vào năm vừa qua, Việt Nam đã cân bằng được cán cân và chuyển hướng xuất siêu. Đầu tư nước ngoài của Nhật Bản vào Việt Nam cũng tăng vượt bậc, trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. 

Thực hiện các FTA giúp tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của các mặt hàng trong nước, cải cách thể chế… Tuy vậy, tỷ lệ khai thác, tận dụng các FTA của Việt Nam chưa đồng đều, chưa tốt ở tất cả các ngành. Tất nhiên, đối với mỗi hiệp định mức độ khai thác có khác nhau. Ví dụ, như các hiệp định khi được ký với những đối tác có nền kinh tế bổ trợ cho Việt Nam mà điển hình là hiệp định song phương giữa Việt Nam - Chile, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Ấn Độ… Tỷ lệ khai thác FTA của doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường bổ trợ này tốt hơn so với các nước trong khu vực ASEAN (doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh cùng ngành nghề, lĩnh vực với doanh nghiệp ASEAN - PV). 

Lợi ích về tăng trưởng trước mắt khi tận dụng các FTA đều đã thấy rõ, nhưng làm thế nào để có thể nâng tầm tăng trưởng, tận dụng các FTA có hiệu quả hơn, cho xứng tầm thì còn nhiều băn khoăn. Bà Quỳnh Nga nhìn nhận, Việt Nam cần xem xét lại mức độ, đánh giá hiệu quả các FTA của mình. Bằng mọi cách, chúng ta phải mở thêm FTA với những đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU (Liên minh châu Âu)… Hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc được đánh giá chưa tác động trực tiếp, đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang chịu tác động mạnh bởi cuộc chiến tranh thương mại này sẽ dẫn đến khả năng Việt Nam chịu rủi ro khi xuất siêu vào thị trường EU và Mỹ. Ở góc độ nào đó, nếu xuất siêu sang các thị trường này đến một ngưỡng nào đó, các nước sẽ áp dụng biện pháp bảo hộ đối với những mặt hàng của nước ta, gây thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Giải bài toán tăng trưởng kép

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, diễn biến tình hình kinh tế nước ta trong những tháng gần đây có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; một số chỉ báo kinh tế vĩ mô đáng quan tâm, nhất là tâm lý lo ngại về diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; phản ứng của thị trường tài chính quốc tế và thị trường chứng khoán trong nước… Tuy nhiên, về cơ bản trong năm 2018 các chỉ báo kinh tế vĩ mô tích cực vẫn là chủ đạo, còn ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn nặng về yếu tố tâm lý nhiều hơn. 

Thật vậy, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu đổi chiều, từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, mở ra thời cơ tạo nên bước đột phá mới. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm, từ giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 7,33%/năm, giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân còn 6,32%/năm, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân chỉ còn 5,96%/năm và tiếp tục đà này cho đến hết quý 1-2017. Từ quý 2-2017, bắt đầu đổi chiều với tốc độ tăng trưởng cao. Tình hình này có nhiều nguyên nhân, nhưng có 3 nguyên nhân chính, gồm những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo điều hành tập trung của Chính phủ; lợi ích của hội nhập sâu rộng mang lại và sự hấp thụ, ứng dụng những thành tựu của công nghệ mới trong các ngành kinh tế.
 
Trước thực trạng trên, TS Trần Du Lịch kiến nghị, cần ưu tiên thực hiện các chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, chất lượng tăng trưởng, nhưng cũng cần phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong trung và dài hạn. Và phải xem đây là khát vọng phát triển của đất nước. “Bài toán kinh tế Việt Nam hiện nay là phải giải cho được mục tiêu kép “cả chất lượng và số lượng”, nên đó là bài toán khó, không thể hy sinh mục tiêu nào cả. Đáng lý chúng ta phải giải bài toán này từ “cơ hội” khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, thay vì chỉ thực hiện “gói kích cầu” mà kết quả vừa góp phần gây lạm phát vừa nuôi dưỡng những doanh nghiệp yếu kém. Song song đó, cần rà soát lại những kết quả đạt được, những vấn đề còn phải tập trung giải quyết từ nay đến năm 2020 về 3 lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu là đầu tư công, tổ chức tín dụng và tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nên chuyển dần tư duy “kinh tế tỉnh” sang phát triển các vùng kinh tế. Trước mắt, nâng cao vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm; đồng thời, ưu tiên hoàn thiện thị trường tài chính và thị trường bất động sản, tạo cơ chế liên thông minh bạch giữa 2 thị trường này. Cải cách đồng bộ nền hành chính công, bao gồm thể chế hành chính; bộ máy tổ chức và con người…”, TS Trần Du Lịch nêu vấn đề.

Tin cùng chuyên mục