Cái giá của sự bất ngờ

Ngay sau thành công tại Asiad 2018, tiếp nối kỳ tích của U.23 châu Á, đã có thông tin HLV Park Hang-seo muốn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xem xét vấn đề lương bổng. Mặc dù các bên đều không xác nhận các thông tin này nhưng xét ở góc độ bóng đá chuyên nghiệp, mọi việc đều có thể xảy ra.

Bởi thực tế tuy mức lương của HLV Park Hang-seo dù rất cao so với mặt bằng bóng đá Việt Nam, nhất là với HLV nội, nhưng vẫn khá thấp nếu tính trên bình diện châu Á. Điều này có nghĩa, dù hợp đồng giữa VFF và nhà cầm quân Hàn Quốc còn thời hạn đến 2020 nhưng hoàn toàn có thể kết thúc bất kỳ lúc nào khi có ai đó trả lương cao hơn cho HLV này và sẵn sàng đền bù hợp đồng. Nếu điều này xảy ra, VFF chắc chắn phải tăng lương đột biến cho HLV Park Hang-seo, bởi nếu không làm thế, họ cũng phải trả lương cao hơn cho một chuyên gia nước ngoài khác trong trường hợp “mất” ông Park. Lý do đơn giản: Vị thế và mục tiêu của các đội tuyển quốc gia hiện đang ở mức cao, tương ứng với trách nhiệm lớn dành cho HLV trưởng, đương nhiên chế độ đãi ngộ cũng phải tăng. Vấn đề là VFF dường như chưa có đủ nội lực để chuẩn bị cho chuyện như thế này.

Đấy chính là “cái giá của sự bất ngờ”. Vì chúng ta đặt các mục tiêu quá thấp, nên khi giành được ngôi á quân U.23 châu Á hay vào bán kết Asiad 2018, tự nhiên trở thành “kỳ tích”. Tài năng của HLV Park Hang-seo không có gì bàn cãi, nhưng vị chuyên gia này không phải là “thầy phù thủy” để biến không thành có chỉ bằng phép màu của mình. Bóng đá Việt Nam may mắn có ông, nhưng quan trọng hơn là chúng ta đang sở hữu một lứa cầu thủ trẻ rất tốt. Tài năng của họ vốn đã được xác định từ trước, ở lứa tuổi U.19 sau các thành công tại giải châu Á hay World Cup U.20. Nói cách khác, chúng ta có tiềm lực nhưng việc đánh giá tiềm lực ấy thì lại có vấn đề. Chính vì vậy, dù mất đến 5 tháng lọc hồ sơ, trả cho HLV Park Hang-seo mức lương cao nhất từng có, nhưng VFF hoàn toàn không đặt ra bất kỳ mục tiêu nào khi ký hợp đồng.

Về lý thuyết, để chọn ai làm HLV trưởng, với mức lương thế nào là phù hợp thì trước hết phải xác định được khả năng của nền bóng đá và mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài. Có như vậy mới biết được mình nên ký hợp đồng bao lâu, tìm nguồn tài chính từ đâu để trả lương, ràng buộc hợp đồng như thế nào để không bị động… Nhưng thực tế, bóng đá Việt Nam luôn “lấy đá ghè chân mình”. Còn nhớ, 4 năm trước đã xác định sẽ “tìm suất dự World Cup” với một chuyên gia Nhật Bản, rồi sau đó lại thay đổi mục tiêu, quay về với HLV nội dẫn đến thất bại tại SEA Games 2017. Cũng với chính các cầu thủ đó, vào tay ông Park thì có thành tích nhảy vọt. Thời điểm ký hợp đồng với HLV người Hàn Quốc này chẳng mấy ai quan tâm, đôi bên cũng chẳng có cơ sở gì để hứa hẹn với công chúng. Như vậy, chúng ta đã lãng phí ít nhất 2 năm trên cùng một nguồn lực sẵn có chỉ vì không đánh giá đúng năng lực chính mình để kiên định tầm nhìn. Để rồi bây giờ phải đối diện với “cái giá của sự bất ngờ” dù hoàn toàn có thể tiên liệu được các thành tích của đội U.23 vốn đã được đặt ra rất rõ ràng trong Chiến lược Phát triển bóng đá đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt.

Đây cũng chẳng phải là câu chuyện riêng của bóng đá. Thể thao Việt Nam cũng lâm vào tình trạng “luôn luôn bị bất ngờ”. Chúng ta bất ngờ với “kỳ tích Ánh Viên” ở SEA Games rồi lại bất ngờ khi kình ngư này thất bại tại Olympic hay Asiad. Chúng ta bất ngờ với những thành tích lớn lao của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh… để rồi bất ngờ hơn khi không có tạo ra được người thay thế hoặc các tuyến kế thừa kể cả khi các môn thể thao ấy phù hợp với tố chất cũng như truyền thống… Những kỳ tích mà thể thao Việt Nam đã tạo ra chứng minh tiềm năng có sẵn nhưng lộ trình để biến những tiềm năng ấy thành sự phát triển mang tính ổn định thì lại không có.

Tin cùng chuyên mục