Trăm năm sân khấu cải lương

Cải lương và đĩa nhựa

Những thằng nhỏ cỡ tuổi tôi trên 50 năm trước biết đến bài vọng cổ, điệu xàng xê, Tây Thi, Văn Thiên Tường đầu tiên là qua cái đĩa hát bằng đá đặt trên cái máy hát quay tay lên dây thiều (cót).  
Đĩa nhựa góp phần lưu giữ truyền thống cải lương
Đĩa nhựa góp phần lưu giữ truyền thống cải lương

Nhớ lại thời nghe cải lương qua cái máy hát đĩa đó khi đọc được một truyện ngắn của của nhà văn Bình Nguyên Lộc Cái bách xê (hộ chiếu). Nhân vật chính là người mê nghe máy hát đĩa. Hễ giờ nghỉ ngơi từ đúng Ngọ đến 3 giờ chiều, từ 19 giờ đến nửa đêm là anh ta mở máy hát đĩa lên. Hàng xóm phiền lòng vô cùng nhưng nói anh chẳng được, chỉ mong anh ta hư máy hoặc bể đĩa. Nhưng hư máy thì anh sửa, đĩa bể thì mua đĩa khác. Một ngày nọ, xóm bị cháy, việc đầu tiên là anh ta ôm mớ đĩa vọng cổ ra, khi anh quay vào định ôm cái máy hát thì nghe người hàng xóm để quên cái “bách xê” trong hộc tủ nhưng vì bị thương ở chân nên không chạy vào nhà lấy được nên anh ta chạy vào lấy giúp cái “bách xê” cho láng giềng thì lửa cháy đến nhà anh. Vì giúp bạn hàng xóm mà cái máy hát đĩa thân yêu của anh ta đã cháy mất tiêu. Vợ anh thở dài: “Từ đây làm sao nghe hát được nữa. Sắm sao cho nổi cái máy khác”. Sau cơn hỏa hoạn, hàng xóm bỗng dưng như tới cữ thèm được nghe những bản cổ nhạc từ cái máy hát của anh…

Có lẽ truyện ngắn này phản ánh được thú vui của người Sài Gòn là nghe hát cải lương qua đĩa hát. Năm 1922 là năm đánh dấu cổ nhạc được thu vào đĩa hát khi gánh cải lương của thầy Năm Tú được hãng đĩa Pathé mời thu những bản cổ nhạc đầu tiên vào đĩa đá 78 vòng. “Đĩa hát nào cũng đều khởi sự bằng câu này: “Ban hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi… Lần lần, các đĩa thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho được đưa vào thôn ổ và cái câu khai mào kỳ khôi ấy được từ thành thị đến thôn quê thuộc làu và đọc lên chơi cho vui miệng…” (Bình Nguyên Lộc - dẫn lại từ Nguyễn Đức Hiệp).

Rồi sau đó, khi thấy dân Nam kỳ lục tỉnh mê mẩn với nghệ thuật cải lương, các hãng đĩa BéKa, Victor liền ganh đua phát triển sản nghiệp bằng cách mời các tài danh lúc đó thu cho hãng đĩa của mình. Ta hãy đọc những quảng cáo trên báo Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929: Ròng là đào kép trứ danh ở Nam kỳ hát lần thứ nhất vào đĩa điển khí hiệu Victor: Cô Phùng Há và cô Bảy Mão, Năm Châu và Tư Ngưu…; Đĩa hát hay hơn hết! Có giá trị hơn hết! Đồng Lạc Ban - Nghĩa Hiệp Ban - Phước Tường - Tâm Thinh - Văn Hí Ban… ODEON…”.

Hãng đĩa Béka cũng không thua kém: Những cô đào và kép danh tiếng Sài Gòn Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Xuân, Bảy Lựu, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Hai Út đều ca đĩa này vì đĩa này tốt hơn.

Khoảng thời gian từ năm 1938 đến 1948, làng sản xuất đĩa Việt Nam phải cạnh tranh với 2 hãng đĩa của tây là Pathé va Béka. Họ bỏ ra nhiều tiền kêu đào kép tên tuổi cho họ ký “công tra”. Mỗi kỳ thu đĩa, các hãng này gửi kỹ sư từ Pháp qua coi sóc việc thu đĩa. Trong khi đó, hãng đĩa Asia do thầy Năm Mạnh làm chủ, tuy vốn liếng không bằng, trả cát-sê thấp hơn, song lại có lối chơi rất đẹp, rất điệu nghệ với các danh ca tài tử. Nhờ vậy mà hãng Asia có thành phần nghệ sĩ xịn là: nam danh ca Năm Nghĩa, Minh Chí, Paul Thuận và các giọng ca nữ: Tư Sạng, Tư Bé, Ngọc Nữ. Năm 1936, hãng Asia đã thu đĩa vở Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang. Hãng đĩa Asia vẫn tranh đua được với 2 hãng đĩa tây và có sáng kiến như thu tiếng heo, gà vịt, chó, dê thật ngay tại phòng thu âm trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa (soạn giả Tứ Lang), trọn bộ gồm 5 đĩa đá 78 tua. Sau này xuất hiện hàng loạt hãng làm đĩa của người Việt như Hoành Sơn, Việt Hải, Việt Nam, Lam Sơn, Oria, Việt Thanh, Kim Thanh, Hồng Hoa, Nhạc Thanh, Sài Gòn, Vạn Đức. 

Ở Sài Gòn trước 1965, chưa có truyền hình nên nghe đĩa cải lương hay tân nhạc là một thú giải trí tại gia tuyệt đỉnh. Nhờ đĩa hát mà các giọng ca, tuồng hát cải lương được đưa đến với từng gia đình. Nhờ đĩa và máy hát, các giọng ca vọng cổ đến với người nghe mộ điệu khắp bốn phương trời. Thoạt đầu, máy quay đĩa đá 78 vòng với giọng ca Năm Nghĩa, Út Trà Ôn, Thanh Tao… của các hãng đĩa là món quà sang trọng dành cho người có tiền, hàng đêm ngồi nghe dưới ngọn đèn măng sông. 

Tất nhiên là một thời gian sau, người nghèo dần dần được hưởng sái. Họ dành dụm tiền mua những cái máy quay đĩa cũ và những đĩa hát đã hết là thời thượng. Rồi đến thế hệ của máy hát đĩa chạy bằng điện và sự tiến hóa của đĩa đá 78 vòng sang đĩa nhựa microsillon 45 hay 33 vòng thì nghe mãn tai. Trước kia, đĩa cải lương 78 vòng, mỗi mặt chỉ nghe được 4 phút lại hay bị kẹt hoặc gãy kim, nhưng loại đĩa microsillon 33 vòng, mỗi mặt có thể nghe được trên 20 phút, phát ra âm thanh trung thực mọi loại nhạc. Nhờ vậy mà đĩa hát cải lương trở nên phổ biến trong sinh hoạt từng gia đình. Ấy là chưa nói đến các chương trình cổ nhạc phủ sóng trên các đài phát thanh và mỗi tối thứ bảy đều có truyền thanh một tuồng cải lương.

Thời nay, các ca sĩ muốn phổ biến giọng ca của mình phải tự bỏ tiền thực hiện, nhưng ngày xưa, các hãng đĩa phải tìm đến các nghệ sĩ. Hãng đĩa nào cũng muốn có giọng ca cổ nhạc “ngọt như mía lùi” xuất hiện trên đĩa nhựa của mình. Họ tìm soạn giả viết lời ca cổ nhạc cho phù hợp với giọng ca của nghệ sĩ, hoặc tung ra những bài vọng cổ mới nhất dành cho những giọng ca vàng của họ. Thậm chí, từng hãng đĩa cũng tìm đến những giọng ca chưa ai biết và họ sẽ “lăng xê” để giọng ca đó trở thành giọng ca độc quyền của hãng. Nghệ sĩ Năm Nghĩa (ba của nghệ sĩ Bảo Quốc) xuất hiện với bài vọng cổ nhịp 8 Vẳng tiếng chuông chùa do chính ông sáng tác sau khi ông bỏ Bạc Liêu ra đi vì mối bất hòa với người vợ đầu tiên. Hãng đĩa Asia lúc này chưa có tiết mục vọng cổ nên đã đích thân mời ông ca cho hãng đĩa thu thanh. 

Năm 1946, ông Lê Văn Tài thành lập hãng đĩa Lê Văn Tài. Từ hãng đĩa này, tác giả Viễn Châu đã viết tuồng cải lương đầu tay. Hay một Minh Cảnh nổi lên nhờ có bài Võ Đông Sơ; một Út Trà Ôn được biết đến từ Tôn Tẩn giả điên, rồi Tình anh bán chiếu; một Tấn Tài trở thành ông vua đĩa nhựa… Một trong những  hãng đĩa như Hoành Sơn đã mời hẳn soạn giả Thu An về phụ trách chọn tuồng cải lương cho hãng để nâng cao tính nghệ thuật và nội dung yêu nước, yêu dân tộc, yêu gia đình…

Lúc ấy, các hãng đĩa xuất hiện như nấm sau mưa nên tranh nhau thu những vở cải lương hay sau khi diễn nát trên sân khấu để đáp ứng cho nhu cầu khách mộ điệu nằm nhà nghe rỉ rả. Nhờ vậy, những vở cải lương như Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Khi hoa anh đào nở, Sân khấu về khuya…; các giọng ca bất hủ ngày trước như Phùng Há, Năm Nghĩa, Út Trà Ôn, Tấn Tài, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Việt Hùng, Minh Chí, Thanh Tao, ngày nay các nhà sưu tầm yêu quý cải lương vẫn còn lưu giữ được ít nhiều loại đĩa này.

Có thể nói, đĩa nhựa đã góp phần phát triển nghệ thuật cải lương và lưu giữ lại vốn quý nghệ thuật cho người đời sau… 

Tin cùng chuyên mục