Cải tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh

Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững, Tập đoàn Samsung phối hợp với Bộ Công thương, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (Sở Công thương) và các đơn vị liên quan thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cải tiến giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các chuyên gia Samsung đang kiểm tra quá trình cải tiến của một doanh nghiệp
Các chuyên gia Samsung đang kiểm tra quá trình cải tiến của một doanh nghiệp

Nỗ lực nâng hạng 

Các học viên là các “chuyên gia tương lai” do Samsung đang đào tạo tại khu vực phía Nam, đã cùng với chuyên gia đến từ các doanh nghiệp đưa ra các phương án cải tiến trong sản xuất và cùng với doanh nghiệp bắt tay thực hiện các hạng mục cải tiến đề ra. Đối với những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lớn và bước đầu đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường nội địa, Samsung tiếp tục cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của Samsung.

Vào đầu tháng 9-2018, các học viên do Samsung đào tạo tại phía Nam cùng các chuyên gia trực tiếp đến 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH In bao bì Ngân Hà, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang và Công ty Cao su Thái Dương để hỗ trợ các đơn vị cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng. Đại diện các doanh nghiệp trên đều rất phấn khởi và cho biết sẽ quyết tâm thực hiện những cải tiến mà các chuyên gia đề ra, nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, giảm hàng tồn kho...

Vào ngày 19-9, tại Khu Công nghệ cao TPHCM, buổi lễ khởi động (kick-off) chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam khu vực phía Nam lần 2 năm 2018, do các chuyên gia của Samsung trực tiếp hỗ trợ, đã chính thức  triển khai. 3 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tham gia tư vấn cải tiến lần này gồm: Công ty cổ phần Dây và Cáp Sacom (Sacom); Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và thương mại Hải Hà (Hải Hà); Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Minh Nguyên).

Ông Bùi Mạnh Hợp, Giám đốc Công ty Hải Hà, cho biết trong 2 tuần tới khảo sát tại doanh nghiệp, các chuyên gia Samsung đã chỉ ra hiện trạng công ty đang đứng ở đâu và những cải tiến cần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá từ các chuyên gia, hiện trình độ và năng lực sản xuất của Hải Hà đang ở cấp độ (level) 2, tương đương với 41 điểm đánh giá (là điểm số trung bình về đánh giá trong quản lý sản xuất; quản lý thiết bị và quản lý công đoạn). Công ty đặt mục tiêu sau đợt cải tiến này sẽ nâng trình độ và năng lực sản xuất lên level 3 với 56 điểm tương ứng. Ông Hợp khẳng định, toàn bộ công ty sẽ nỗ lực hết mình, thực hiện tốt những cải tiến mà chuyên gia đề ra, thực hiện mong muốn cải thiện được vị trí của công ty và tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.

Là doanh nghiệp lớn và có nhiều sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ông Nguyễn Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty Sacom, cho biết trong đợt cải tiến lần này, Sacom đặt mục tiêu nâng từ level 2 (tương đương với 54,4 điểm) lên level 3 (với mức tương ứng trên 71 điểm đánh giá). Theo đó, Sacom sẽ tiến hành cải tiến từng hạng mục trọng tâm trong sản xuất, quản lý công đoạn thiết bị. 

Ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty Minh Nguyên, cho hay đây là lần thứ 2 Minh Nguyên tiếp tục được Samsung chọn thực hiện cải tiến. Những nhà xưởng đã được Samsung hỗ trợ tư vấn lần đầu, hiện nay đã là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung Việt Nam, với trình độ và năng lực sản xuất ở level 4. Lần cải tiến này, tập trung chủ yếu tại khu nhà xưởng mở rộng của Minh Nguyên. “Mục tiêu của công ty là sau cải tiến, toàn bộ nhà xưởng sản xuất của công ty đều đạt từ level 4 trở lên; xây dựng môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, hướng tới trở thành nhà cung ứng cấp 1 không chỉ cho Samsung Việt Nam mà còn Samsung toàn cầu”, ông Long chia sẻ.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải là người tiên phong trong cải tiến

Trao đổi với các doanh nghiệp trong buổi lễ kick-off chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam khu vực phía Nam lần 2 năm 2018, ông Kim Do Hyung, Tổng giám đốc Tổ hợp nhà máy Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC), nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phải đặt mục tiêu nội bộ cao hơn mục tiêu của các chuyên gia. Điều này giúp ích cho các doanh nghiệp có những cải tiến mới trong những lúc khó khăn. Ông Kim Do Hyung cũng lưu ý, để mang lại kết quả cải tiến đạt hiệu quả nhất, tổng giám đốc các doanh nghiệp cũng phải là người tham gia chương trình tư vấn, cải tiến này từ đầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt các số liệu, để từ đó có những dự báo cho kế hoạch sản xuất trong tương lai một cách chính xác. Tuyệt đối không được thay đổi số liệu, như thế sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch cải tiến, đổi mới sản xuất.

Là chuyên gia trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong những đợt cải tiến, ông Kim Ju Kyum, đến từ Tập đoàn Samsung, cho biết: “Chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện toàn diện về mọi mặt, từ quản lý, các kỹ thuật, kỹ năng, tăng năng suất... Đảm bảo sau khi cải tiến, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn khi làm việc với các đối tác, cũng như khi tham gia vào các chuỗi giá trị”. Cũng theo ông Kim Ju Kyum, khi hỗ trợ công ty cải tiến về mọi mặt rồi, nhưng những người trong công ty không có ý thức duy trì sau cải tiến, thì sẽ dễ trở lại như tình trạng ban đầu. “Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi giúp họ thay đổi được tư duy, nhận thức. Họ sẽ có quyết tâm duy trì kết quả đó và tự cải tiến cho quá trình sau này khi họ tự đi một mình”, ông Kim Ju Kyum nhấn mạnh. 

Là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung rất đông các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của cả nước, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thời gian qua, đơn vị này đã tích cực phối hợp, hỗ trợ Samsung tìm kiếm các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố để Samsung tiếp tục tư vấn cải tiến. Ông Đông nhấn mạnh, đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến; xem sự cải tiến là tài sản, là năng lực cạnh tranh của chính mình, để đáp ứng yêu cầu từ các nhà sản xuất như Samsung hay các doanh nghiệp FDI lớn.

Ngành cơ khí và điện tử tăng trưởng ấn tượng

Theo Cục Thống kê TPHCM, 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 7,89% so với cùng kỳ năm trước. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 8,39%.

Thời gian qua, TPHCM đã tập trung nhiều nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn, mặt bằng và các chương trình hỗ trợ thiết thực giúp phát triển sản xuất, kinh doanh, như cải cách hành chính, vốn vay ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư... Qua đó, ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống có mức tăng đều và ổn định ở mức 7,41%; ngành hóa dược tăng 3,63%, tương đương mức tăng cùng kỳ của năm 2017; ngành cơ khí tăng 9,05%, là ngành có tốc độ tăng ấn tượng, xếp sau ngành sản xuất hàng điện tử, nhờ vào nhu cầu thị trường ngày càng tăng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ngày càng thiết thực, hiệu quả đã thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. 

Đối với ngành cơ khí nói riêng và công nghiệp hỗ trợ nói chung, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (Sở Công thương) đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, tham gia được vào các chuỗi giá trị.

Trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 18,28%, là ngành có chỉ số sản xuất tăng cao nhất nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao cho thấy, kết quả của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đã phát huy được những hiệu quả nhất định. Nổi bật là những loại sản phẩm điện tử sử dụng chip thương hiệu Việt (bo mạch điều khiển chiếu sáng đường, khóa xe container…) và một số sản phẩm đầu cuối đã được đưa vào sản xuất đại trà, được các công ty trong Khu Công nghệ cao của thành phố thực hiện.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục