Cải tổ vì kinh tế

Chỉ 10 tháng sau khi nắm quyền, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo tiến hành cuộc cải tổ nội các gây nhiều bất ngờ. Theo báo Diplomat, nội các mới được kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế Indonesia, đang có mức tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm qua khi chỉ ở mức 4,7%.

Chỉ 10 tháng sau khi nắm quyền, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo tiến hành cuộc cải tổ nội các gây nhiều bất ngờ. Theo báo Diplomat, nội các mới được kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế Indonesia, đang có mức tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm qua khi chỉ ở mức 4,7%.

Theo quyết định cải tổ của Tổng thống Widodo, một trong những đồng minh của ông là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, Darmin Nasu, đảm nhiệm chức Bộ trưởng điều phối Kinh tế thay thế ông Sofyan Djalil được điều chuyển sang làm Giám đốc Cơ quan Kế hoạch phát triển. Ông Nastution nổi tiếng vì khả năng am hiểu chính sách tiền tệ và ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Vị trí thứ hai là chức Bộ trưởng Thương mại được giao cho ông Tom Lembong, một chuyên gia đầu tư ngân hàng tốt nghiệp Đại học Havard, hiện là Giám đốc điều hành của Quvat Management, một công ty tư nhân có trụ sở tại Singapore đang đầu tư vào Indonesia. Bốn vị trí khác gồm Chánh văn phòng nội các, Bộ trưởng an ninh, Bộ trưởng các vấn đề về hàng hải, đều được giao cho các đồng minh của ông Widodo trong đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P) cầm quyền.

Theo các nhà phân tích, quyết định bổ nhiệm nhằm hai mục đích: vừa vực dậy kinh tế lẫn tăng cường sự ủng hộ trong đảng PDI-P cầm quyền. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng tỷ lệ ủng hộ của ông Widodo được cho là đang có dấu hiệu sụt giảm do kinh tế đi xuống.  

Tháng 10-2014, ông Widodo nhậm chức tổng thống với cam kết thúc đẩy kinh tế Indonesia trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này tăng chậm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sau gần một năm, kinh tế Indonesia lại sụt giảm. Chính phủ bị chỉ trích vì một loạt bất cập trong chính sách cũng như tổ chức không hiệu quả. Theo các chuyên gia kinh tế, chính quyền của Tổng thống Widodo đã không thể khởi động nhiều dự án cơ sở hạ tầng đầy hứa hẹn, được xem là yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh tăng trưởng, trong khi nhiều bộ trưởng bị chỉ trích chi tiêu ngân sách không hiệu quả.

Chính phủ Indonesia đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 xuống mức 5,5% - 6%, thấp hơn so với mức dự báo được đưa ra trước đó là 5,8% - 6,2%. Việc điều chỉnh này dựa trên những phân tích về triển vọng kinh tế trong năm tới và tình hình tăng trưởng kinh tế trong năm nay của quốc đảo. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng điều chỉnh giảm mức dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Indonesia xuống mức 4,7% trong năm 2015 so với ước tính trước đó là 5,2%. Một trong những nguyên nhân chính là do sự suy giảm liên tục trong xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này đã giảm mạnh. Trong đó, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do nền kinh tế Trung Quốc chững lại đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Indonesia.

Theo các nhà phân tích, nội các mới của Indonesia sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế, bao gồm sự cần thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội việc làm cho một số lượng lớn người dân gia nhập lực lượng lao động mỗi năm. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng cần nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.

THANH HẰNG  

Tin cùng chuyên mục