Chính sách với cán bộ phường - xã ở TPHCM

Khó thu hút người tài

Khó thu hút người tài

Mặc dù nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là chính sách đối với cán bộ cơ sở, nhưng các giải pháp đó vẫn chưa đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đó cũng là nguyên nhân khiến bộ máy phường xã khó thu hút được người tài.

Đồng lương và cơn “bão” giá

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, cán bộ chuyên trách mảng Tư pháp của P.Tân Thới Hòa Q.Tân Phú kể sơ sơ những công việc hàng ngày: chứng di chúc, di sản, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật, phối hợp thi hành án, rà soát văn bản pháp luật, công tác hộ tịch, công tác xử lý văn bản… “Cả tỷ việc nên hôm nào về nhà sớm, nhiều người trong nhà nhìn tôi với ánh mắt… ngạc nhiên!”- chị cười hóm hỉnh. Việc thì nhiều nhưng mức lương của chị Huyền (hệ số 2.26 và có thâm niên 4 năm ở phường), chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/tháng. Hiện giờ chị vẫn cùng chồng sống chung với bố mẹ vì “thu nhập như vậy, vừa phải lo cho đứa con mới 9 tháng tuổi nên hai vợ chồng chưa dám ra riêng, nhiều khoản chi lắm, sợ lo không nổi”, chị Huyền nói.

Khó thu hút người tài ảnh 1

Cán bộ phường 8, quận Gò Vấp tiếp dân. Ảnh: HỒNG HIỆP

Cán bộ chuyên trách như chị Huyền đã khó khăn như vậy, thì những cán bộ không chuyên trách lại càng khó khăn hơn. Chị Đoàn Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch MTTQ P.Tân Thới Hòa Q.Tân Phú cho biết, chị làm đủ thứ việc “không tên” ở phường từ hơn 5 năm nay, nhưng chỉ hưởng mức lương có hệ số 1.86. Sau khi trừ các khoản chi BHXH, Công đoàn… chị còn lĩnh khoảng 900.000 đồng/tháng. “Nếu cộng cả hai vợ chồng (chồng chị làm ở phường Đội) thì tổng cộng đúng 1,8 triệu đồng/tháng. Khó khăn nhưng chị Huyền và hai vợ chồng chị Thảo vẫn dành dụm tiền để học tại chức ĐH Luật. Chị Huyền bộc bạch: “Cơ quan tạo điều kiện để học nhưng kinh phí thì tự túc. Một khóa khoảng hơn 3 triệu đồng/người, chưa kể các khoản khác. Phải cố gắng để nâng cao kiến thức, phục vụ công việc”.

Liên quan đến thu nhập của cán bộ không chuyên trách, Chủ tịch UBND một phường ở Q.Bình Thạnh thống kê: thu nhập của cán bộ không chuyên trách làm công tác Đảng, đoàn thể, phong trào khoảng 837.000 đồng/người/tháng, đóng các khoản BHXH và các khoản khác, còn 786.000 đồng/người/tháng. Tương tự, các nhân viên của thanh tra xây dựng phường (từ nhân viên Đội Trật tự đô thị trước đây chuyển qua), do chưa đủ chuẩn nên chỉ là cộng tác viên, hưởng lương 800.000 đồng/tháng, trừ BHXH và các khoản khác còn 752.000 đồng/tháng. Làm thêm thứ bảy, chủ nhật hưởng thêm khoảng 100.000 đồng/người (tiền xăng phải tự túc). Vị chủ tịch UBND phường này đặt câu hỏi: Với thu nhập như vậy làm sao kiếm được người giỏi?

Quy định chồng chéo, cán bộ thiệt

Quận 3 là một trong những địa phương có nhiều trường hợp cán bộ công tác ở phường xã lâu năm, làm những chức danh không có trong quy định nên khi hết thời gian công tác vẫn không được tính BHXH. Trong số 139 trường hợp cụ thể, theo thống kê của Phòng Nội vụ Q3, số người không được tính BHXH thời gian lâu nhất là 22 năm 9 tháng, nhiều trường hợp đến khi nghỉ cũng không được tính trợ cấp thôi việc. Có trường hợp công tác ở phường có thâm niên trên 20 năm nhưng chỉ được tham gia đóng BHXH 10 năm trở lại đây. Những cán bộ này khi nghỉ chỉ nhận số tiền nghỉ việc ít ỏi. Một cán bộ chủ chốt phường được phân công kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ quản lý khác, thâm niên công tác mấy chục năm nhưng chỉ được tham gia BHXH chưa tới 10 năm nên không được hưởng chế độ nghỉ hưu mà chỉ là trợ cấp thôi việc một lần….

Một cán bộ huyện Nhà Bè kể thêm về trường hợp của anh Tùng và chị Hương ở một xã của Nhà Bè. Cả hai đều tốt nghiệp ĐH Luật, cùng tham gia công tác tại xã. Sau một thời gian hợp đồng, anh Tùng được xét tuyển làm công chức Tư pháp (hưởng hệ số lương 2,34). Còn chị Hương được giới thiệu ứng cử HĐND xã, giữ chức Phó chủ tịch UBND xã (hệ số lương 2,34). Theo quy định, sau 6 năm làm việc ở phường, anh Tùng được lên hệ số lương 3,0, còn chị Hương, dù hưởng theo chế độ chuyên trách nhưng không được nâng lương dù trách nhiệm nặng hơn! Chưa kể nếu nhiệm kỳ tới, chị Hương không được tín nhiệm bầu vào HĐND xã thì sẽ không biết… đi về đâu.

Cán bộ phường xã chưa được xem như người lao động!

Trước những bất cập trong chính sách đối với cán bộ phường-xã, mới đây, Trung ương đã gửi dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với CBCC xã, phường, thị trấn (thay thế quy định cũ) cho các địa phương để lấy ý kiến. Nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều cán bộ phường, xã ở quận 3, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Củ Chi lắc đầu: “Chẳng có gì mới!”. Chị Lê Thị Tuyến Q3 cảm nhận: “Dự thảo lần này dường như đẩy cán bộ không chuyên trách ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động!”. Chị cho biết, Nghị định sửa đổi vẫn lấy lại quan điểm xem cán bộ không chuyên trách là những người làm việc bán thời gian vì thế quyền lợi cũng chỉ được hưởng tương ứng (!?). Trên thực tế, những CB không chuyên trách thường phải làm việc rất nhiều, làm thêm ngoài giờ hành chính. Đã thế, CB không chuyên trách được đóng BHXH nhưng cũng chỉ là BHXH tự nguyện chứ không được BHXH bắt buộc như những người lao động bình thường. Nhiều CB chuyên trách trình độ chỉ mới qua cấp 3, nay đã lớn tuổi, sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ được xếp nghỉ hưu theo trình độ với khoản lương hưu ít ỏi tương ứng bậc 1, 2 theo quy định…

Mới đây, khi làm việc với huyện Củ Chi, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải sau khi nghe các CBCC tâm tư đã chỉ đạo lãnh đạo Sở Nội vụ TP phải tập hợp các vướng mắc về chế độ chính sách đối với cán bộ phường-xã để nhanh chóng kiến nghị lãnh đạo TP xem xét, tháo gỡ. 

Các công việc của cán bộ một phường trung tâm ở TP

Theo một thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo CCHC TP ở một phường trung tâm TP (P.Bến Thành, Q1) thì cán bộ phường phải đảm nhận 272 đầu việc mỗi ngày. Trong đó, CB bộ phận Tiếp nhận và trả hồ sơ (27 đầu việc), CB bộ phận thống kê (11 đầu việc), CB phường Đội (7 đầu việc), CB Đoàn TNCS (16 đầu việc), CB Hội Phụ nữ (12 đầu việc), CB Hội chữ Thập đỏ (8 đầu việc), CB Ủy ban MTTQ (17 đầu việc), CB HĐND (12 đầu việc), CB khối Văn xã (49 đầu việc)…

TUẤN SƠN – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục