Thi tuyển cán bộ công chức còn “bỏ quên” chuyên môn

Thi tuyển cán bộ công chức còn “bỏ quên” chuyên môn

Việc thi tuyển, xét tuyển cán bộ công chức (CBCC) cho các cơ quan hành chính lâu nay vẫn là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại hội trường về Luật CBCC vừa qua một lần nữa làm nóng lên vấn đề này. Riêng tại TPHCM, nhiều quận huyện, sở ngành vẫn cho rằng, với quy định thi tuyển, xét tuyển như hiện nay thì rất khó tìm được CBCC đáp ứng yêu cầu công việc.

Thi tuyển còn hình thức

Là quận đầu tiên của TPHCM được tổ chức thi tuyển công khai cán bộ phường, ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp rút ra kinh nghiệm: “Quận đã thông báo công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, chính sách đãi ngộ và thu nhập sau trúng tuyển nên số lượng người đăng ký rất đông.

Sau thi tuyển đã chọn được 149 người, sau đó tổ chức huấn luyện “tiền công vụ” để dạy về nghiệp vụ công việc, trách nhiệm công chức… Đến nay đã có 107 người “trụ” lại, cũng đã có 42 người bỏ cuộc nửa chừng”.

Tuy nhiên theo các quận huyện khác thì do Q.Gò Vấp phải chia tách phường nên cần nhiều CBCC, vì thế thi tuyển tập trung được, còn các quận huyện khác dù cần nhưng để tổ chức một hội đồng thi và các yêu cầu cụ thể của một đợt thi tuyển sẽ khó thực hiện.

Thi tuyển cán bộ công chức còn “bỏ quên” chuyên môn ảnh 1

Các thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức ngành hành chính năm 2008, lần đầu tiên của TPHCM. Ảnh: H.H

Bà Cao Thị Loan, Trưởng Phòng Nội vụ Q.Tân Bình cho rằng, việc TP tập trung tổ chức thi tuyển chung cho các quận huyện như mô hình vừa qua rất tiện lợi. Nếu giao hết về quận huyện tự tổ chức thi tuyển CBCC khi có nhu cầu sẽ khó thực hiện và rất tốn kém, chưa kể các quận huyện cũng không tìm đâu ra đủ… đối tượng để thi!

Góp ý về nội dung thi, một chủ tịch quận cho rằng nội dung thi tuyển còn bất cập, nặng về hình thức, nhẹ về kiến thức chuyên môn. Các môn thi bắt buộc rất cứng nhắc, chủ yếu là các môn: Hành chính nhà nước, Tin học và Ngoại ngữ. Trong khi có nhiều lĩnh vực cần chuyên môn chứ không cần quá thạo về Ngoại ngữ, Tin học hay Nghiệp vụ hành chính, nên những quy định này vô tình làm rào cản cản trở ý định nhiều người được đào tạo chuyên môn bài bản muốn trở thành công chức.

“Với những cán bộ “làng nhàng” không có kinh nghiệm chuyên môn nếu được bố trí vào các chức danh chuyên viên trong những lĩnh vực nhà đất, xây dựng, kinh tế, lao động… thì sẽ “rất thảm họa”, vì như thế chất lượng các văn bản tham mưu về chuyên môn cho lãnh đạo địa phương làm sao thiết thực, có chất lượng được?”- vị cán bộ này bày tỏ.

Các thí sinh đi thi cũng là những người đã được quận huyện, sở ngành tuyển theo dạng hợp đồng tạm tuyển giới thiệu. Sau khi thi xong, dù đậu hay rớt thì những thí sinh này vẫn lại tiếp tục quay về quận huyện làm việc. Vì vậy, những thí sinh tự do, nếu đậu, cũng khó có cơ hội vì vị trí công việc đã được “quy hoạch” cho người khác. Đó là chưa nói đến việc, nếu tuyển phải công chức trình độ “làng nhàng”, yếu kém thì thủ trưởng đơn vị cũng không phải chịu trách nhiệm gì.

Hậu quả

Hậu quả của những chuyên viên “ít tài” lại được giao nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo thể hiện trong hàng loạt vụ việc. Nặng như trường hợp hàng loạt CBCC huyện Cần Giờ bị kỷ luật trong dự án nhà vườn Phước Lộc, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ khi vô tình (hay cố ý) tham mưu cho lãnh đạo sai. Với sự “tham mưu” này, Nhà nước phải chi bồi thường cho nhiều trường hợp sai quy định, gây thiệt hại cho ngân sách tiền tỷ, chưa kể còn gây thiệt hại 8% quỹ đất công của nhà nước…

Nhẹ hơn là trường hợp của một phó văn phòng UBND huyện Củ Chi. Vì “nóng ruột” trước tình trạng đầu cơ đất diễn ra rầm rộ trên địa bàn huyện nên đã tham mưu cho lãnh đạo huyện ký một công văn hạn chế quyền chuyển nhượng đất của người dân trên địa bàn. Công văn trên không những không có tác dụng, mà còn đi ngược lại luật, khiến nhiều người dân bức xúc phản ánh khắp nơi…

Nâng cấp thi tuyển

Chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng Phòng Nội vụ Q7 góp ý, mỗi năm TP nên tổ chức 2 đợt thi tuyển tập trung để đáp ứng nhu cầu cho các quận huyện, sở ngành. Nếu để lâu mới tập trung thi một lần sẽ tạo tâm lý bất ổn cho các nhân viên, thí sinh mong muốn trở thành CBCC phục vụ trong bộ máy hành chính.

Những quận huyện khác cũng cho rằng cần linh hoạt trong thi tuyển. Với mỗi ngành nghề khác nhau đòi hỏi phải thi kiến thức chuyên ngành phù hợp. Thậm chí, không cần phải thi vi tính và ngoại ngữ, vì đây là hai môn học gần như bắt buộc của các em trong nhà trường. Đối với môn Hành chính nhà nước và Lý luận nhà nước pháp luật cũng không cần phải đưa thành môn thi, mà có thể để công chức học nâng cao sau đó, khi họ đã trúng tuyển.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác nhưng không được chú trọng trong nội dung thi tuyển, như: kiến thức lịch sử, thái độ ứng xử, tinh thần thượng tôn pháp luật…

Để thực hiện CCHC hiệu quả thì khâu then chốt nhất vẫn là con người. Chúng ta cần đội ngũ cán bộ có chuyên môn, vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn các quy định, văn bản pháp quy và thái độ ứng xử có văn hóa. 

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục