Xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhiêu khê

Xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhiêu khê

Muốn được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (GCN VSATTP) phải qua rất nhiều thủ tục nhiêu khê, khiến người dân và các tổ chức than trời!

6 tháng vẫn chưa xong thủ tục

Bán hàng ăn đã nhiều năm nay, sau khi biết có quy định phải có GCN VSATTP, tháng 12-2007, ông Nguyễn Thiện, ngụ ở hẻm 625 đường Âu Cơ, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú đến UBND phường hỏi về thủ tục xin cấp giấy cho cái hàng ăn bé tí của hai vợ chồng già. Đến phường, ông được hướng dẫn liên hệ trạm y tế phường. Đến trạm y tế, ông được hướng dẫn về khám sức khỏe (phải nộp lệ phí 150.000 đồng cùng 3 tấm hình) và đi dự tập huấn, có kết quả thì mang lên trạm.

Xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhiêu khê ảnh 1

Để được cấp giấy chứng nhận VSATTP, các doanh nghiệp phải trải qua hành trình gian nan. Ảnh: M.HG

Sau 10 ngày, ông đến lấy kết quả xét nghiệm thì được hướng dẫn “phải đăng ký tập huấn và nộp tiếp 40.000 đồng/người kèm thêm 2 tấm hình nữa” và thêm một lời hẹn: “Một tuần sau, có kết quả khám sức khỏe và thẻ tập huấn thì đưa đến phường”.

Đến hẹn, ông đến phường nộp phiếu khám sức khỏe và thẻ tập huấn thì tiếp tục được nhân viên trạm y tế phường yêu cầu phải có thêm phiếu xét nghiệm nước sinh hoạt sạch đạt tiêu chuẩn và một đơn xin cấp GCN.

Ông lại về lấy mẫu nước sinh hoạt của quán đem đến Trung tâm y tế dự phòng quận để làm xét nghiệm (đóng thêm lệ phí 150.000 đồng). Lần này, ông được hẹn đến 20-5-2008 sẽ có kết quả. Đúng hẹn, ông đến nhận kết quả nước sinh hoạt và về trạm y tế phường để nhận và điền vào 2 mẫu: bản cam kết bảo đảm VSATTP, đơn đề nghị cấp GCN đủ điều kiện VSATTP.

Cho đến đầu tháng 6-2008, ông mới hoàn thành các yêu cầu và sau đó về nhà tiếp tục… chờ! Ông Thiện cười mà miệng mếu xệch: đi đi lại lại từ UBND phường, trạm y tế phường đến trung tâm y tế dự phòng… bằng Honda ôm, đóng đủ thứ tiền xét nghiệm nước, lệ phí cấp giấy tốn kém vô cùng. Giá như phường có hướng dẫn (có thể đăng trong bản tin phường) để người dân tiện theo dõi, sẽ đỡ hơn rất nhiều!.

Rắc rối tiêu chuẩn, doanh nghiệp dẹp bếp ăn tập thể!

Muốn được cấp GCN VSATTP phải qua các thủ tục: làm hồ sơ xin cấp GCN, bản sao công chứng GCN đăng ký kinh doanh, bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, bản cam kết đảm bảo VSATTP đối với nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, bản sao công chứng GCN đủ điều kiện sức khỏe, bản sao công chứng GCN đã được tập huấn kiến thức về VSATTP…

Chị Phương Chi, Trưởng phòng nhân sự Công ty Bao bì Dầu thực vật (KCN Tân Thới Hiệp, quận 12 TPHCM) kể: “Công ty có xây dựng nhà bếp, có bếp trưởng và người phục vụ. Trước đây, chúng tôi có tổ chức nấu ăn phục vụ công nhân (CN) nhưng nay vì tiêu chuẩn được cấp GCN VSATTP khó quá nên công ty hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn công nghiệp… cho khỏe!”. Cùng tình trạng như trên, Công ty Mtex, Công ty TNHH Futaba (KCX Tân Thuận) cũng đã phải dẹp bếp, vì không thể đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn để được cấp giấy.

Theo Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA), trong tổng số 960 doanh nghiệp (DN) tại các KCX-KCN, trước đây có khoảng 300 DN tự tổ chức nấu ăn cho CN trong công ty, đến nay đã giảm xuống còn hơn 180 DN. Theo bà Đoàn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý lao động HEPZA, DN tự tổ chức nấu rất có lợi cho CN, vì suất ăn sẽ không bị bớt xén cho các khoản phí dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều DN đành phải dẹp bếp vì khó đáp ứng tiêu chuẩn để được cấp giấy. Hạ tầng, nhà xưởng của các DN nằm trong KCX-KCN đều được thiết kế cố định, khó có thể cơi nới theo yêu cầu.

Hậu kiểm: quá hở!

Nhiều người đang đi xin cấp GCN VSATTP đã cho rằng “hành trình” xin cấp GCN còn vất vả, gian nan hơn cả xin cấp GCN quyền sử dụng đất, vì phải thực hiện quá nhiều thủ tục: tham gia lớp tập huấn, khám sức khỏe, lo dụng cụ, trang thiết bị và cả những quy định mà trong thực tế khả năng của họ khó lòng đáp ứng được.

Trong khi đó, hiện nay việc cấp GCN VSATTP của các nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, các quán ăn… được giao cho UBND xã, phường cấp phép. Điều này có thể làm phát sinh các giấy phép con. Chưa kể, hiện các xã phường cũng không đủ cán bộ chuyên trách để thẩm định những giấy phép con đó và nếu cấp thì cũng khó căn cứ vào điều kiện nào. Một vấn đề khác: sau khi cấp giấy thì cơ quan chức năng liệu có đủ người để giám sát, kiểm tra thường xuyên hay không, hay chỉ kiểm tra rồi bỏ đó theo kiểu “ném đá ao bèo”? Đối với những thương binh, người khuyết tật, người già thì làm sao đáp ứng được tiêu chuẩn điều kiện sức khỏe để làm thủ tục?

Kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng quản lý VSATTP, Sở Y tế TP nhìn nhận: “Quy trình là do Bộ Y tế ban hành, trong đó có những cái chưa phù hợp đối với địa bàn TPHCM. Sở Y tế đã ban hành 7 loại mẫu thẩm định với từng nhóm hàng khác nhau để tiện cấp phép, hậu kiểm. Riêng việc khám sức khỏe phải được hiểu theo nghĩa: khám để tìm ra bệnh có thể lây qua đường thực phẩm chứ không phải khám sức khỏe như thông thường”. Về vấn đề hậu kiểm, ông Hòa cũng nhìn nhận công tác này hiện còn quá yếu vì lực lượng còn mỏng.

Việc cấp GCN VSATTP là việc làm cần thiết để thay đổi những nhận thức và thái độ của người kinh doanh, đảm bảo sức khỏe cho người dân, tuy nhiên, khi “kiến tạo” ra những quy định, các cơ quan chức năng cũng cần nghĩ đến sự phù hợp, cũng như có sự hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn để không làm ảnh hưởng quá nhiều đến người dân và DN, thậm chí đẩy họ vào con đường bế tắc.

Để được cấp GCN VSATTP, nhà bếp của công ty phải có diện tích đủ rộng dựa trên số CN của doanh nghiệp, thiết kế và tổ chức theo nguyên tắc một chiều: khu vực tập kết, bảo quản - khu xử lý thực phẩm sống - khu vực chế biến - khu vực phân phối các thức ăn đã chế biến… Vị trí bếp phải cách biệt với các nguồn ô nhiễm khác, vì các xưởng sản xuất cũng được xem là nguồn ô nhiễm.

HỒNG HIỆP – MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục