Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: Chống tham nhũng, lãng phí, phải tăng cường dân chủ cơ sở

Lãng phí từ các thủ tục hành chính
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: Chống tham nhũng, lãng phí, phải tăng cường dân chủ cơ sở

“Chống lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực hành chính bằng cách tăng cường dân chủ cơ sở, giảm hội họp, hoàn chỉnh các quy trình, thủ tục, tiết kiệm trong quản lý, sử dụng các công trình công cộng…” - Đó là những nội dung Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài (ảnh) trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng về việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiềm chế lạm phát, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

Lãng phí từ các thủ tục hành chính

- PV: Thưa đồng chí, trong lĩnh vực hành chính, có một sự lãng phí khá lớn là lãng phí biểu mẫu thủ tục hành chính, lưu trữ giấy tờ sao y chứng thực... Ý kiến của đồng chí như thế nào?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: Chống tham nhũng, lãng phí, phải tăng cường dân chủ cơ sở ảnh 1

Đồng chí NGUYỄN THÀNH TÀI: Đúng là những quy định thủ tục hành chính hiện nay của chúng ta còn nhiều bất hợp lý, phải thường xuyên thay đổi, dẫn đến không ít lãng phí. Thấy rõ nhất là cứ mỗi lần thủ tục hành chính thay đổi, chúng ta phải hủy bỏ phần lớn biểu mẫu còn tồn, in lại biểu mẫu mới. Việc in các biểu mẫu hộ tịch cũng vậy.

Mặc dù TPHCM và nhiều tỉnh thành khác có khả năng tự in các biểu mẫu hộ tịch (theo đúng quy định chung) nhưng cũng phải đặt biểu mẫu từ Bộ Tư pháp. Công chuyên chở từ Hà Nội vào TPHCM, rồi vận chuyển về quận huyện, phường xã rất tốn kém thời gian và tiền bạc.  Đấy là chưa kể, nhiều lần ngoài bộ in không kịp, hậu quả là toàn TP xảy ra tình trạng khan hiếm biểu mẫu. Rồi chuyện lưu trữ hồ sơ sao y chứng thực (phường xã, quận huyện phải lưu lại một bản - PV) vừa làm các kho ở quận huyện, phường xã quá tải (quy định 2 năm mới được hủy hồ sơ một lần - PV) mà người dân cũng rất tốn kém…

- Thống kê vừa qua của Sở Xây dựng cho biết, toàn TP còn mấy chục ngàn hồ sơ cấp giấy tờ nhà đất bị chậm trễ. Rõ ràng đây là một sự lãng phí lớn về thời gian, công sức, tiền bạc của người dân. Việc xử lý trách nhiệm như thế nào?

Hiện nay quy định của Nhà nước và các bộ, ngành về vấn đề nhà đất thay đổi liên tục, chưa kể có những quy định còn chồng chéo, trùng lặp gây không ít khó khăn cho cấp cơ sở thụ lý. Hiện trạng nhà đất trên địa bàn TP vẫn còn rất phức tạp. Nếu sự xác tín sau cùng không rõ ràng thì sẽ phát sinh khiếu kiện. Vì vậy người thụ lý hồ sơ có tâm lý thận trọng, đôi khi gây nên sự chậm trễ. Đó là chưa nói có nhiều quy định còn bất cập, chưa hợp lý nhưng hầu như chúng ta vẫn phải làm theo vì không thể vượt thẩm quyền. Dĩ nhiên không loại trừ có những trường hợp trong tổ chức bộ máy vẫn còn một số CBCC chưa rành công vụ, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Lãng phí từ hội họp

- Nhiều quận huyện, sở ngành “than” hiện nay hội họp quá nhiều, không ít cuộc họp không có nội dung thiết thực, không giải quyết được các vấn đề bức xúc đặt ra. Đây cũng là một sự lãng phí không nhỏ, TP làm gì để chấn chỉnh tình trạng này?

Trước hết phải xác định cụ thể cuộc họp đó bàn về vấn đề gì. Nói họp hành nhiều gây ra lãng phí thì đúng nhưng không đủ và có phần phiến diện. Trong điều hành quản lý hành chính phải có những cuộc họp chung để giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Ví dụ trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo hoặc trong thi hành án, giải quyết chính sách đền bù giải tỏa… thì chuyện phải họp nhiều là đương nhiên vì cơ chế, chính sách và công cụ quản lý của chúng ta chưa phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: Chống tham nhũng, lãng phí, phải tăng cường dân chủ cơ sở ảnh 2

Người dân phải mất nhiều thời gian cho thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận rằng còn có những cuộc họp chất lượng kém, kéo dài; có những cuộc họp do chuẩn bị không kỹ nên phải họp nhiều lần để giải quyết một vấn đề… Theo tôi, nguyên nhân có nhiều, trong đó có nơi chưa rõ trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm cá nhân; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình xử lý chưa chặt chẽ; văn bản pháp luật chưa sát với thực tiễn nên có nhiều vướng mắc cần phải họp để thống nhất giải quyết.

Để giải quyết triệt để lãng phí về hội họp, TP cũng đã có nhiều biện pháp cụ thể như đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp với những nội dung rõ ràng nhất, để cơ sở có đủ thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc trong phạm vi địa phương. TP cũng đã ban hành quy chế tổ chức các cuộc họp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong chuẩn bị nội dung; xác định rõ tính chất của từng cuộc họp, xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc họp và quy trình chuẩn bị nội dung.

Song song đó, đẩy mạnh tin học hóa, chuẩn hóa các quy trình quản lý chất lượng của cơ sở, trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Ngoài ra, phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để những đơn vị này thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu cho lãnh đạo. Khi chất lượng văn bản tham mưu được nâng cao, lãnh đạo cấp cao hơn sẽ dễ quyết định ngay, không phải triệu tập những cuộc họp không cần thiết nữa.

Tăng cường thanh tra công vụ

- Hà Nội đã có những cuộc kiểm tra đột xuất của lãnh đạo tại cơ sở để xem xét tình hình tiếp công dân, thụ lý giải quyết hồ sơ thủ tục cho dân và kiểm tra thời gian làm việc của đội ngũ CBCC cơ sở. Lãnh đạo TPHCM có ý định thực hiện những cuộc “vi hành” như vậy để kiểm tra tình hình ở dưới cơ sở không?

TPHCM cũng đã làm những việc như vậy thường xuyên rồi, việc kiểm tra của TP đã nâng lên thành quy định bắt buộc. Theo tôi, đó chính là việc thanh tra công vụ cơ sở để xử lý triệt để vấn đề, hơn là chỉ đơn thuần “vi hành” của lãnh đạo.

- Cụ thể TP đã thực hiện thanh tra công vụ ở những lĩnh vực gì và kết quả ra sao, thưa đồng chí?

Có thể dẫn chứng một số vụ việc như: kiểm tra công vụ trong vụ việc nước tương có chứa chất 3-MCPD, rồi thanh tra công vụ trong giải quyết hồ sơ nhà đất của CBCC quận 6, Tân Bình đã bị người dân phản ánh… Tuy nhiên TP cũng xác định dù thanh tra công vụ nhưng không được làm ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan chuyên môn vì có thể làm chậm trễ việc giải quyết thủ tục cho người dân, tổ chức.

Ngoài ra, cơ chế khoán kinh phí, biên chế hành chính cho các đơn vị cũng là biện pháp hiệu quả. Thủ trưởng đơn vị sẽ chủ động hơn trong sắp xếp tổ chức bộ máy, quy trình hóa toàn bộ khối lượng công việc của nhân viên cấp dưới, sử dụng con người hợp lý hơn để tiết kiệm, tăng thu nhập cho CBCC. Đối với những đơn vị đã thực hiện khoán thì chắc chắn sẽ ít để xảy ra tình trạng “ngồi chơi cho hết giờ”. Tăng cường phát huy dân chủ cơ sở, tin học hóa quản lý hành chính… cũng là những biện pháp mà TPHCM đã và đang thực hiện để góp phần hạn chế tình trạng lãng phí trong lĩnh vực hành chính và thúc đẩy công việc của từng cơ quan, đơn vị.

Hồng Hiệp (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục