Có ISO, thủ tục vẫn… chậm trễ!

Có ISO, thủ tục vẫn… chậm trễ!

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 là yêu cầu bắt buộc trong tất cả các cơ quan chuyên môn TP để đạt được một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ hiệu quả cho người dân.

Tuy nhiên, qua 3 năm áp dụng hệ thống này ở các cơ quan hành chính trên địa bàn TPHCM, vẫn còn không ít bất cập.

Hồ sơ vẫn bị “ngâm”

Đến nay, ở TPHCM đã có 23/24 sở ngành, 24/24 quận huyện, 79/322 phường xã thị trấn được đánh giá và cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001: 2000. Tuy nhiên, do chỉ thực hiện ISO ở một số lĩnh vực, nên ở những lĩnh vực khác, việc giải quyết chậm trễ thủ tục hành chính của người dân, tổ chức vẫn còn diễn ra. Trong số đó, không ít hồ sơ đã bị Sở Xây dựng “ngâm”. Như trường hợp doanh nghiệp T. (mã hồ sơ 701) bị yêu cầu bổ túc hồ sơ 2 lần với tổng thời gian bị “ngâm” là 4 tháng 20 ngày. Sau đó, để chờ quận trả lời về lộ giới, doanh nghiệp mất thêm 1 tháng 14 ngày, cuối cùng sở nghiên cứu, giải quyết thêm mất 10 tháng nữa mới cấp giấy! Doanh nghiệp M. (mã hồ sơ 913) mất đúng… 9 tháng mới có giấy phép xây dựng!...

Có ISO, thủ tục vẫn… chậm trễ! ảnh 1

Người dân chờ đợi làm thủ tục tại quận Bình Thạnh TPHCM. Ảnh: H.H.

Việc ứng dụng không đồng bộ là một trong những nguyên nhân khiến ISO không thể phát huy hiệu quả (trong khi mục tiêu của áp dụng ISO là làm cho năng suất các quá trình vận hành bên trong cơ quan tăng do giảm được sự chồng chéo, đùn đẩy, rút ngắn được thời gian thực hiện các dịch vụ hành chính). Do không đồng bộ nên nhiều lĩnh vực chẳng những không rút ngắn được thời gian, mà có khi còn bị kéo dài hơn.

Một lãnh đạo quận Bình Tân cho biết, chỉ tính ở 10 phường, số hồ sơ xin hợp thức hóa về nhà đất đã lên đến 8.000. Những hồ sơ này khi chuyển qua Chi cục Thuế của quận là bị ách lại ngay. Theo quy trình, thời gian quy định là 3 ngày nhưng qua ngành thuế thì bị “ách” lại 15 ngày mới trả. Hiện quận còn 2.000 hồ sơ trễ hẹn. Và ở đây, chuyện trễ hẹn 10 - 30 ngày là chuyện… bình thường!

Đình trệ vì không đúng quy trình

Kinh phí để được cấp giấy chứng nhận cũng là điều nhiều địa phương quan tâm. Bà Thái Thị Dư, Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho rằng: 15 phường trên địa bàn quận đều đã thực hiện ISO trong quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Tuy nhiên khi các phường đề xuất quận mời đơn vị tư vấn xuống kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đơn vị này đề nghị mỗi phường phải chi ra 28 triệu đồng cho chi phí cấp giấy. “Có gan thế nào tôi cũng không thể đặt bút ký một quyết định chi gần nửa tỷ đồng cho việc cấp giấy này ở 15 phường. Nếu truy cứu trách nhiệm thì tôi làm sao “gánh” nổi”- bà Dư bức xúc. Bà cho rằng, TP cũng như Sở Khoa học - Công nghệ phải có những hướng dẫn cụ thể để quận huyện, phường xã mạnh dạn thực hiện.

Quận 1 (đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo ISO) cho rằng: chỉ cần một phát sinh nhỏ cũng ảnh hưởng đến quá trình ứng dụng ISO. Khi một văn bản có liên quan thay đổi nội dung, nếu các quy trình thủ tục chưa được điều chỉnh kịp thời sẽ tạo nên sự không phù hợp. Không ít CBCC chưa nắm vững quy định pháp luật nên thực hiện không đúng quy trình hoặc cố tính làm sai quy định vì lợi ích cá nhân. Chính điều này làm cho quá trình ISO bị đình trệ. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Tổ đảm bảo chất lượng nội bộ gặp nhiều khó khăn do các thành viên đều là CBCC ở các phòng ban khác nhau, trình độ, nghiệp vụ thẩm định còn hạn chế. Do vậy, kết quả đạt được cũng chỉ là ... “bước đầu” và chưa tạo được sự chuyển động đồng bộ trong toàn bộ máy hành chính quận.

Không thể phủ nhận những thành quả từ việc một số lĩnh vực đã áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO, nhưng hiện nay việc ứng dụng quy trình này còn quá máy móc, chưa phát huy được hiệu quả thật sự. Thậm chí nhiều nơi còn “sao chép” của nhau một cách máy móc mà không để ý đến tình hình thực tiễn tại đơn vị, dẫn đến kết quả cũng rời rạc, không sát thực tế và hiệu quả không được phát huy. Trong khi đó, nhiều người đứng đầu các cơ quan buộc phải ra quyết định áp dụng ISO trong khi chưa sẵn sàng về tâm lý, nhận thức, nguồn lực...

Khi thực hiện không đúng và không đạt yêu cầu đề ra thì việc áp dụng ISO trong các cơ quan hành chính còn mang tính hình thức. Dù được chứng nhận ISO “đã chạy” nhưng có thể lợi ích đem lại cho công cuộc cải cách hành chính vẫn không được là bao so với số tiền mà ngân sách nhà nước phải bỏ ra. 

Tính ưu việt của việc áp dụng ISO 9001:2000

- Hiệu lực của hoạt động quản lý tăng, lãnh đạo dễ dàng triển khai ý tưởng, mục tiêu quản lý của mình, dễ dàng kiểm tra tiến độ và kết quả công việc khi cần.

- CBCC thực hiện dễ dàng và nhất quán các công việc mang tính lặp lại, biết cách xử lý các công việc đột xuất, các yêu cầu đặc biệt. Năng suất các quá trình vận hành bên trong cơ quan tăng, rút ngắn thời gian thực hiện các dịch vụ hành chính công. Góp phần tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực, ngân sách nhà nước và trang thiết bị kỹ thuật.

- Dễ dàng truy cập tài liệu, hồ sơ, cập nhật những thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi bên ngoài của tổ chức và đáp ứng mục tiêu ngày càng cao của tổ chức trong tình hình mới của xu thế toàn cầu hóa. Cải thiện mối quan hệ công tác giữa các đơn vị chức năng bên trong cơ quan, giữa cơ quan này với cơ quan khác trong hệ thống hành chính, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc lạm quyền…

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục