Làm việc ngày thứ bảy: Hiệu quả hay lãng phí?

25 người phục vụ... 1 người!
Làm việc ngày thứ bảy: Hiệu quả hay lãng phí?

Sau 1 năm thực hiện làm thêm vào ngày thứ bảy, nhiều sở-ngành, quận-huyện đều cho rằng: số lượng người dân, doanh nghiệp đến giao dịch trong ngày thứ bảy rất ít.

25 người phục vụ... 1 người!

Sáng thứ bảy một ngày đầu tháng 8-2008, chúng tôi đến Sở Xây dựng TPHCM và chứng kiến khung cảnh rất… đìu hiu, vắng vẻ ở đây. Một cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ cho biết, dù đã gần 10 giờ sáng nhưng chỉ mới có 1 người dân đến hỏi về thủ tục cấp phép xây dựng! Hơn chục cán bộ cứ ngồi… nhìn nhau. Ngồi cả buổi trong phòng máy lạnh, chúng tôi cũng muốn ngáp theo anh cán bộ tiếp nhận hồ sơ, vì chẳng thấy người dân nào đến hỏi.

Làm việc ngày thứ bảy: Hiệu quả hay lãng phí? ảnh 1

Cán bộ chờ dân đến giao dịch trong ngày thứ bảy ở Sở Xây dựng TPHCM. Ảnh: H.H.

Thường xuyên trực cơ quan ngày thứ bảy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho biết: “Công việc sở làm ngày thứ bảy gồm: cấp chủ quyền nhà đất, cấp phép xây dựng và thẩm định thiết kế cơ sở. Số người đến giao dịch rất ít, bình quân khoảng 2-3 người, thậm chí có buổi chỉ 1 người đến hỏi về thủ tục.

Ngày làm việc thứ bảy có nhiều khách nhất từ khi thực hiện chủ trương này là… 6 người! Trong khi đó số lượng CBCC phục vụ công việc luôn trong khoảng 25 người, gồm: văn thư, mỗi phòng 1 cán bộ và 1 lãnh đạo trực, tạp vụ, nhân viên công nghệ thông tin, bảo vệ…

Bà Nguyễn Thị La, Phó Chánh Văn phòng UBND Q3 cho biết, các phường của quận đều phản ánh có quá ít khách nhưng bộ máy phải vận hành tối đa, có phường cả dàn cán bộ đều làm việc ngày thứ bảy.

Phó Chủ tịch UBND Q1 Trần Vĩnh Tuyến thì thống kê khá cụ thể số lượng người dân đến giao dịch vào ngày thứ bảy ở trụ ở UBND quận: tổng số hồ sơ tiếp nhận là 76 nhưng chỉ có 23 hồ sơ có thể giải quyết ngay, còn lại phải hẹn sau. Còn 10 phường của quận thì tiếp nhận 206 hồ sơ, giải quyết ngay là 188 hồ sơ.

Phó Chánh văn phòng UBND Q12 Đỗ Thế Huấn thống kê trong 3 tháng đầu thực hiện làm việc ngày thứ bảy ở đây như sau: bộ phận hộ tịch: không có hồ sơ nào; bộ phận đăng ký kinh doanh: 9 hồ sơ; bộ phận cấp phép xây dựng: 22 hồ sơ. Tính trung bình có 1,69 hồ sơ/buổi làm việc ngày thứ bảy. Thậm chí có nguyên tháng không có hồ sơ nào được tiếp nhận… Trong khi đó, quận vẫn phải bố trí đầy đủ cán bộ làm ngày thứ bảy: 1 lãnh đạo, 4 cán bộ tiếp nhận hồ sơ, 1 văn thư, 1 cán bộ chuyên về đăng ký kinh doanh, 1 người quản lý đô thị, 1 người cấp phép xây dựng…

Anh V.Anh, cán bộ tổ tiếp nhận và trả hồ sơ UBND Q6 so sánh: “Ngày thường có lúc mình tôi tiếp đến khoảng 200 người dân, ngày thứ bảy cao lắm là 20 người! Có những ngày chẳng tiếp nhận hồ sơ nào. Người dân đến rải rác, chủ yếu chứng thực các giấy tờ liên quan chuẩn bị nhập học, xin đăng ký mở phòng mạch tư...”.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Trưởng phòng Văn bản pháp quy Sở Tư pháp cho biết hiện nay cứ mỗi phòng công chứng bố trí 1-3 công chứng viên và 2-3 cán bộ nghiệp vụ (khoảng 1/3 đến 1/5 lượng CBCC) làm việc ngày thứ bảy. Riêng bộ phận văn thư, kế toán thì bố trí 1/2 CBCC trong khi lượng việc sáng thứ bảy tại các phòng công chứng chỉ khoảng 1/4 so với ngày thường.

Lãng phí!

Bà Nguyễn Thị La cho biết dù vắng khách nhưng hệ thống máy lạnh và hệ thống điện, máy vi tính ở cơ quan vẫn phải mở hết, rất tốn kém. Theo bà, làm việc ngày thứ bảy hiện nay hiệu quả quá ít và từ khi bắt đầu làm ngày thứ bảy đến nay, chưa có CBCC nào nhận tiền làm thêm ngày thứ bảy, chỉ làm “chay”!

Bà Thái Thị Dư, Chủ tịch UBND Q. Tân Bình cũng nhận định việc làm ngày thứ bảy hiện nay rất lãng phí về tiền bạc và cán bộ, công việc chủ yếu chỉ là sao y chứng thực. Nhiều vấn đề phải có hai bộ phận cùng làm mới giải quyết được hồ sơ cho người dân nhưng có bộ phận làm ngày thứ bảy, có bộ phận lại không làm nên “có cũng như không”.

Anh Đỗ Thế Huấn thì cho rằng hiện nay tâm lý CBCC ai cũng muốn ngày cuối tuần được nghỉ ngơi, hồi sức sau một tuần làm việc mệt mỏi. Nhiều người muốn tranh thủ ngày nghỉ để học thêm ngoại ngữ, vi tính nhưng “vướng” thứ bảy nên không thực hiện được. Một ví dụ đơn giản: có buổi chỉ tiếp 2 người dân nhưng có người dân đến từ 7 giờ 30 sáng, có người 11 giờ 30 mới đến, trong khi cả “êkíp” lãnh đạo và nhân viên ngồi chờ cả buổi.

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Trưởng phòng Văn bản pháp quy Sở Tư pháp, việc đánh giá hiệu quả làm việc ngày thứ bảy phụ thuộc vào nhiều tiêu chí: chi phí (phát sinh nhiều, như tại cơ quan Sở Tư pháp phát sinh thêm 400 triệu/đồng/năm); phục vụ người dân (yêu cầu của công dân giải quyết công việc vào thứ bảy) không cao.

Hầu hết ý kiến của các phòng công chứng đều cho rằng có thể tiếp tục duy trì làm việc ngày thứ bảy nhưng chỉ bố trí làm vào buổi sáng thứ bảy để giải quyết nhu cầu của một số ít người dân. Bên cạnh đó các đơn vị phải có cách bố trí, sắp xếp công việc, phân công hợp lý để đảm bảo tiết kiệm nhất, hạn chế tối đa lãng phí về chi phí phải bỏ ra.

Để giải bài toán về việc làm thêm ngày thứ bảy, giải quyết tối đa nhu cầu của người dân, bà Xuân Hương cho rằng có thể bố trí tăng giờ làm việc của 2 ngày trong tuần (thứ tư và thứ sáu), mỗi ngày thêm 1 giờ (từ 17 giờ đến 18 giờ). Bà Nguyễn Thị La cũng đồng tình ý kiến trên và cho rằng tăng thêm 1 giờ/ngày là biện pháp hiệu quả nhất. Nếu tính tổng cộng lại thì tổng số thời gian làm việc thêm (6 giờ/tuần) sẽ nhiều hơn là làm nửa buổi ngày thứ bảy (4 giờ/tuần) như hiện nay.

Hồng Hiệp – Hoàng Hoa

Mới đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lâm Trung Nhân đã lập đoàn kiểm tra công tác CCHC ở các quận - huyện. Thống kê ở các quận - huyện (11, 12, Tân Bình và Nhà Bè) cho thấy lượng hồ sơ tiếp nhận vào sáng thứ bảy chiếm 10%-20% so với ngày thường. Riêng Q.Thủ Đức có số lượng người dân đến giao dịch tại UBND quận vào ngày thứ bảy khá đông (khoảng 70% so với ngày thường), hồ sơ tiếp nhận thuộc các lĩnh vực như: nhà đất, y tế, văn hóa, cấp phép kinh doanh, tuy nhiên không phải hồ sơ nào cũng giải quyết được ngay trong buổi làm việc ngày thứ bảy.

H.Hiệp

Tin cùng chuyên mục