Một cửa điện tử - bước đột phá mới

Tạo thuận lợi cho người dân
Một cửa điện tử - bước đột phá mới

Thực hiện Quyết định 945/QĐ-TTg ngày 20-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về giám sát cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp (DN), UBND TPHCM đề ra nhiều giải pháp, trong đó có mô hình “Một cửa điện tử” nhằm giảm phiền hà cho người dân. Quá trình thực hiện cho thấy các cấp chính quyền thành phố triển khai một cách quyết liệt, với kết quả đạt được bước đầu khá toàn diện…

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Văn phòng UBND quận 3) luôn có nhân viên trực tiếp hướng dẫn người dân về các TTHC. Ảnh: Hoài Nam

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Văn phòng UBND quận 3) luôn có nhân viên trực tiếp hướng dẫn người dân về các TTHC. Ảnh: Hoài Nam

Tạo thuận lợi cho người dân

Theo Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND TPHCM), tính đến nay TP đã công bố 382 TTHC, trong đó chỉ có 28 TTHC là công bố mới thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở ban ngành, UBND các quận huyện. Phần lớn TTHC còn lại được công bố là sửa đổi (44 TTHC), thay thế (121 TTHC) hoặc bãi bỏ (184 TTHC). Một lượng lớn TTHC bị bãi bỏ thời gian qua đều thuộc các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và DN. Cụ thể là các TTHC về cấp giấy chứng nhận nhà đất, cấp phép xây dựng (12 TTHC), cấp phép thành lập DN, giấy phép kinh doanh hộ cá thể (6 TTHC), tư pháp, hộ tịch (22 TTHC).

Đặc biệt, hiện TP đang triển khai quy trình thực hiện các nhóm thủ tục về đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhập hộ khẩu và đăng ký khai tử, xóa hộ khẩu với dự kiến giảm khoảng 30 TTHC và chấm dứt tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần cho một loại TTHC. Đây được coi là hướng đột phá trong công tác cải cách TTHC được nhiều DN và người dân đồng tình. Để giải quyết nhanh hồ sơ trên các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và DN, TP hiện đã triển khai mô hình liên thông kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc từ UBND TP đến các sở ban ngành, UBND các quận huyện bằng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số.

Sự thay đổi này, theo ông Đào Thanh Tùng, đại diện DN Thịnh Lợi Thiên (quận Phú Nhuận), đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của nhiều loại TTHC, trong đó có thủ tục đăng ký mở chi nhánh hoạt động DN từ 10 ngày xuống còn 7 ngày; cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, PCCC chỉ còn 5 đến 7 ngày, thay cho từ 10 đến 15 ngày như trước kia.

Hướng đến xây dựng chính quyền đô thị

Một ghi nhận khác được cho là đã tác động tích cực đến cải cách hành chính, góp phần giảm số lượng TTHC, giảm thời gian giải quyết cho từng loại TTHC, đó là hệ thống “Một cửa điện tử”. Hiện TP có 7 sở ngành và 24 quận huyện cung cấp thông tin giải quyết hồ sơ trên 7 lĩnh vực cho người dân và DN thông qua điện thoại di động có ứng dụng mạng 3G. Đây được coi là bước đột phá mới tạo điều kiện cho người dân và DN tiếp cận với phương thức cập nhật, theo dõi quá trình giải quyết TTHC một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất; đồng thời giúp cơ quan hành chính phát hiện, ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp.

Theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP, sau 2 năm thực hiện Chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX cho thấy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, việc cải cách hành chính và kiểm soát TTHC trên các lĩnh vực đã thực hiện đúng tiến độ và chất lượng theo quy định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn TP. Các mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, “Một cửa điện tử”… đều gắn với việc kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó từng bước hoàn thiện và mở ra cơ chế, điều kiện mới thúc đẩy quá trình hình thành mô hình chính quyền đô thị vào năm 2015.

Để thực hiện mục tiêu quan trọng trên, trong năm 2013, TPHCM đẩy mạnh triển khai các đề án về nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC trên các lĩnh vực, không để phát sinh tăng thêm TTHC; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện TTHC trên các lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, thuế…, nhằm giảm phiền hà cho người dân và DN.

Đồng thời, phân cấp quản lý mạnh hơn, đồng bộ hơn cho các sở ngành, UBND các quận huyện để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong việc giám sát và thực thi các TTHC theo hướng có lợi nhất cho người dân và DN.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục