Cấm nhưng phải giám sát

Thời gian qua, tình trạng tổ chức tràn lan lễ kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống, festival… ở nhiều bộ, ngành và địa phương dường như đã trở thành “phong trào”, dẫn đến sự tốn kém, lãng phí cả về thời gian, tiền bạc. 

Trong khi đó, chi thường xuyên luôn là vấn đề “đau đầu” của ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó phấn đấu tiết kiệm ít nhất 12% các khoản kinh phí chi cho hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, kỷ niệm; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng của quốc gia… Đây là một quyết định rất cần thiết nhằm khắc phục tình trạng chi tiêu ngân sách còn hoang phí ở nhiều nơi. Tuy vậy, thực tế những lễ lạt, kỷ niệm rầm rộ, tốn kém, lãng phí ở địa phương, bộ, ngành vẫn tái diễn cần được tiếp tục chấn chỉnh.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 11/2018/NĐ-CP quy định về kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (là năm có chữ số cuối cùng là 0). Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm. Đối với các năm khác, chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động thiết thực khác nhằm kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống chứ không tổ chức lễ kỷ niệm.

Thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ sẽ hạn chế tình trạng tổ chức kỷ niệm rình rang, tốn kém như hiện nay. Theo thống kê sơ bộ của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cả nước hiện có hơn 200 ngày thành lập, tái lập, ngày truyền thống, trong đó kỷ niệm cấp quốc gia có 7 ngày; ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương có 87 ngày; ngày truyền thống của các bộ ngành, địa phương có 121 ngày; toàn bộ 63 tỉnh, thành có kỷ niệm ngày thành lập, tái lập. Nếu hàng năm tất cả các bộ, ngành, địa phương đều tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, tái lập thì sự tốn kém là rất lớn cả về tiền bạc, thời gian, nhân lực. Với Nghị định 11/2018/NĐ-CP của Chính phủ, việc tổ chức lễ kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống đã có văn bản pháp lý với những quy định cụ thể trong thực hiện. Sẽ không còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Tuy nhiên, quy định là một chuyện, thực hiện đến đâu lại là chuyện khác. Để giải quyết dứt điểm “phong trào” lễ lạt như thời gian qua, khắc phục tình trạng phô trương, lãng phí, phát sinh tiêu cực cũng như để việc tổ chức các ngày kỷ niệm được tiết kiệm, lành mạnh và thật sự ý nghĩa thì cần cơ chế để có sự giám sát chặt chẽ của mặt trận, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Thực tế, có một số địa phương, bộ, ngành đã phải dừng việc tổ chức kỷ niệm rình rang sau khi dư luận phát hiện kế hoạch tổ chức bất hợp lý. Bên cạnh sự giám sát đó, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương khi thực hiện không đúng quy định của Chính phủ về việc tổ chức lễ kỷ niệm. Ở đâu làm sai thì ở đó người đứng đầu phải chịu chế tài xử lý. Chỉ khi có quy định rõ ràng về cơ chế giám sát, về chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu thì việc thực thi quy định mới nghiêm, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục