Cấm vì không… quản được

Vài ngày qua, vấn đề khoai tây Trung Quốc giả danh khoai tây Đà Lạt lại nóng lên với việc ngành chức năng Đà Lạt “cấm cửa” khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt. Chủ trương này của lãnh đạo thành phố Đà Lạt đã gây những luồng ý kiến trái chiều, ủng hộ có, phản ứng có.

Vài ngày qua, vấn đề khoai tây Trung Quốc giả danh khoai tây Đà Lạt lại nóng lên với việc ngành chức năng Đà Lạt “cấm cửa” khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt. Chủ trương này của lãnh đạo thành phố Đà Lạt đã gây những luồng ý kiến trái chiều, ủng hộ có, phản ứng có.

Trước hết, phải khẳng định hành vi nhập khoai tây Trung Quốc giá rẻ về Đà Lạt, trộn đất đỏ, rồi tung ra thị trường để nhập nhằng xuất xứ, nhằm đánh lừa người tiêu dùng, là việc làm đáng lên án. Hành vi gian dối này đã diễn ra từ nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của khoai tây Đà Lạt. Trong nhiều diễn đàn, cơ quan chức năng Đà Lạt - Lâm Đồng đã khẳng định đây là hành vi gian lận thương mại, nhưng vẫn lúng túng trong khâu xử lý. Khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt có đầy đủ hóa đơn, chứng từ như những mặt hàng nông sản khác. Còn việc “khoác áo” đất đỏ vùng Tây Nguyên, tiểu thương cho rằng, họ làm vậy để bảo quản và làm đẹp cho khoai tây!? Các giải pháp tiếp theo là tuyên truyền, vận động; hoặc lấy mẫu khoai tây Trung Quốc kiểm định chất lượng và dư lượng độc chất… cũng không mang lại hiệu quả nào đáng kể.

Ngày 20-10 vừa qua, Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt đã thực hiện giải pháp khá mạnh tay, đó là không cho đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ. Việc “ngăn sông, cấm chợ” này lập tức bị một số tiểu thương phản ứng vì họ đã được cấp giấy phép kinh doanh hợp pháp, hàng hóa nhập về có đầy đủ hóa đơn chứng từ và nhập theo đường chính ngạch, nên không cho họ đưa hàng vào quầy để buôn bán là không đúng. Trước sự phản ứng này, ngày 21-10, đại diện Ban quản lý chợ Đà Lạt truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND TP Đà Lạt “gia hạn” thời điểm cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt kể từ ngày 1-11 tới. Việc áp đặt quy định cấm, rồi nhùng nhằng về thời điểm áp dụng, cho thấy sự lúng túng trong quản lý hoạt động kinh doanh cũng như để bảo vệ thương hiệu rau và nông sản Đà Lạt.

Chất lượng và uy tín của rau Đà Lạt đã được khẳng định qua thực tế. Nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận độc quyền. Đây chính là cơ sở quan trọng để bảo vệ uy tín của rau Đà Lạt và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ nông dân Đà Lạt đăng ký, thực hiện đầy đủ các quy định về sản xuất, chất lượng để được gắn nhãn “Rau Đà Lạt” khi đưa sản phẩm ra thị trường. Một khi sản phẩm đã được dán tem, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết để lựa chọn, thì hành vi lập lờ giả danh khoai tây (và rau Đà Lạt nói chung) sẽ khó còn đất sống.

Nam Viên

Tin cùng chuyên mục